Đừng để vật chất và tham vọng cướp đi hạnh phúc của bạn

Sống đơn thuần không có nghĩa là bạn sẽ từ bỏ những thú vui của bản thân, bạn vẫn có thể mua một món đồ xa xỉ nếu thích và có đủ tiền. Muốn hạnh phúc, phải biết mình cần gì.

Người hạnh phúc thực sự luôn biết mình cần gì và cố gắng để đạt được nó. Ảnh: GD&TĐ.

Vô sở hữu (musoyu) là một cụm từ dần trở nên quen tai ở Hàn Quốc từ sau khi nhà sư Bob Jong xuất bản cuốn sách cùng tên vào năm 1976. Ngày nay, để mua được cuốn sách này, nghe nói bạn phải bỏ ra đến trên 2 triệu đồng, thậm chí có thể sẽ chẳng tìm được người nào muốn bán nữa.

Lý do là vì vị sư được bao người kính trọng ấy trước khi mất vào năm 2010 đã để lại di ngôn không cho phép tiếp tục xuất bản cuốn sách. Nếu bạn thấy trên naver.com vẫn còn đăng bán tựa sách này với giá chỉ từ 1 đến 8 đôla, đừng vội mừng! Đó chỉ là cái bìa trơ trọi mà khi click vào bạn sẽ được thông báo rằng sách hiện không còn trên kệ.

Tin vui cho những ai hiếu kỳ muốn biết cuốn sách ấy viết gì đây! Ngay sau khi nhà sư Bob Jong qua đời, hàng loạt các cuốn sách viết về thầy cùng tư tưởng của thầy xuất hiện ngập tràn trong các cửa hiệu. Tất nhiên, sách nói riêng về “vô sở hữu” cũng không là ngoại lệ. Còn trên các diễn đàn, người ta đua nhau tranh cãi xem rốt cục “vô sở hữu là cái gì”? Nhưng khoan hãy định nghĩa nó là gì, chúng ta nghe câu chuyện này đã.

Một ông nhà giàu mắc bệnh nan y tìm đến cửa Phật than thở. Vị sư trụ trì bèn chỉ cho ông một cách để hết bệnh, nhưng với điều kiện ông phải cho đi tất cả tài sản của mình, không giữ lại bất cứ một thứ gì. Để đánh đổi lấy mạng sống quý giá, ông nhà giàu chấp nhận buông bỏ toàn bộ cơ nghiệp mà mình đã vất vả gầy dựng cả đời. Sau đó theo lời của nhà sư, ông lên núi sống một cuộc đời thanh đạm giữa thiên nhiên. Và thế là ông… hết bệnh.

Đấy, như thế gọi là sức mạnh của “vô sở hữu”?. Câu chuyện này có lẽ đã truyền cảm hứng sâu sắc cho những người ở xứ sở kim chi vốn nổi tiếng hay làm phim hết giữa chừng vì nhân vật chính mắc bệnh ung thư mà chết.

Các bệnh nhân hân hoan bỏ công việc, bỏ gia đình kéo nhau lên núi tìm kiếm phép màu. Có những người trở về trong hạnh phúc vì bệnh tình quả đã thuyên giảm. Có những người trở về trong ê chề vì “ở trển khổ quá” hay “nhớ nhà chịu không được”. Cũng có những người rốt cuộc không chống được số mệnh để trở về.

Mặc dù là một người sùng bái tư tưởng vô sở hữu, tôi không cổ xúy cho niềm tin rằng vô sở hữu là một liều thuốc tiên. Chẳng cần tranh cãi xem liệu những người chữa bệnh thất bại kia có phải do chưa làm đúng cách hay không, bởi có một chứng cứ thuyết phục rành rành rằng nhà sư Bob Jong, người dành cả đời để thực hành vô sở hữu, đã rời bỏ thế gian này cùng căn bệnh ung thư phổi.

Vậy sống theo tư tưởng “vô sở hữu” thì được gì? Xin bạn hãy tự tìm câu trả lời sau khi tôi giải quyết vấn đề bỏ ngỏ ở trên, “vô sở hữu là gì?”

Thật lòng, tôi không bị thuyết phục lắm bởi những cách lý giải khác nhau, khi thì quá thâm sâu và trừu tượng, khi thì quá nông nổi và trần tục. Một cách giải thích đại chúng nhất là “vô sở hữu không phải là không sở hữu gì, mà là không sở hữu những gì không cần thiết với cuộc đời mình”. Nhưng có lẽ nói vậy cũng chưa đủ. Tôi nghĩ vô sở hữu phải là một cái gì hơn thế.

Nghĩ xem, chúng ta dù nghèo cách mấy cũng luôn có những vật sở hữu của riêng mình. Kể cả ăn mày còn sở hữu một bộ quần áo, một đôi dép, một vỏ chai nước hay vài xu lẻ kia mà. Nông dân thì sở hữu ruộng đất, cuốc thuổng, heo gà.

Hộ nghèo thì sở hữu giường chiếu, nồi niêu, bát đũa. Tầng lớp trung lưu dù không sở hữu nhà cửa, chứng khoán, siêu xe như đại gia thì cũng đang sở hữu công việc, điện thoại, laptop. Có người cũng tự cho vợ, chồng, người yêu là vật sở hữu của mình.

[...]

Rõ ràng tinh thần của chúng ta đã bị trói buộc quá chặt vào những vật chất trong cuộc sống này. Nói cách khác, chúng ta bị lệ thuộc vào sở hữu. Vô sở hữu đối với tôi là một trạng thái tinh thần hoàn toàn ngược lại với những phản ứng trên.

Nếu một tỉ phú bị phá sản hoàn toàn mà vẫn thản nhiên cho rằng “của đi thay người” hay “tiền bạc là vật ngoài thân”, khi đó tôi sẽ tung bông bung lụa mà rằng: Chúc mừng ông đã đạt đến cảnh giới Vô - Sở - Hữu. Không phải vì ông đã gia nhập vào thế giới Vô - Sản, mà vì ông đã không để những thứ mình sở hữu tác động đến trạng thái tinh thần của mình.

Vô sở hữu với tôi chính là như vậy! Không phải chuyện bạn đang không sở hữu gì hay sở hữu bao nhiêu tài sản, mà bạn đã hoàn toàn được tự do về thể xác và tinh thần đối với những tài sản ấy.

Do vậy, thực hành vô sở hữu không có nghĩa là phải vứt hết đồ đạc đi, hay phải ngừng việc kiếm tiền lại, mà là thực hành để cái tâm không còn vướng bận bởi thế giới vật chất nữa.

Dù vậy, với nhiều người, việc thực hành này rất khó khăn. Nên đôi khi cũng cần bỏ tất cả sau lưng để lên núi, hay đơn giản hơn là dọn dẹp hết những thứ thừa thãi trong cuộc đời mình như một bước đệm để tiến đến trạng thái tinh thần ấy [1].

[1] Thật ra, ý tưởng về rũ bỏ lòng tham và dục vọng phổ biến trong tư tưởng Phật giáo, tuy nhiên thuật ngữ “vô sở hữu” (non-possession) lại không xuất phát từ triết lý đạo Phật, mà từ Kỳ Na giáo (Jaina giáo), một tôn giáo của Ấn Độ được sáng lập gần như cùng thời với Phật giáo. Năm lời thề của Kỳ Na giáo là không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm, không sở hữu.

Phạm Quỳnh Giang/Thái Hà Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/dung-de-vat-chat-va-tham-vong-cuop-di-hanh-phuc-cua-ban-post1457151.html