Đừng để tha hóa trong thể thao

Câu chuyện Ban huấn luyện đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia bị tố bớt xén chế độ tiêu chuẩn bữa ăn của vận động viên chưa lắng xuống, thì dư luận lại thêm bức xúc khi tuyển thủ Phạm Như Phương tố bị Ban huấn luyện đội Thể dục dụng cụ Hà Nội buộc phải nộp phần trăm các khoản tiền thưởng, đồng thời gạch tên khỏi tuyển quốc gia.

Phạm Như Phương là một trong những gương mặt nữ nổi tiếng trong làng thể dục dụng cụ Việt Nam. Có được một VĐV thành tích cao, từng đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như Phạm Như Phương là rất quý hiếm. Vì thế việc dễ dàng loại cô ra khỏi đội tuyển tập huấn quốc gia năm 2024 là điều khó hiểu và khó chấp nhận. Nhất là VĐV này chỉ mới vào tuổi 20, chặng đường cống hiến cho thể thao nước nhà còn dài.

Trước phản ứng của dư luận, chiều 16/1, ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục thể thao cho biết, đã quyết định tạm dừng tập trung đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam với 2 HLV của Hà Nội để giải quyết các việc có liên quan đến vụ VĐV Phạm Như Phương làm đơn xin giải nghệ và tố HLV "cắt phế" tiền thưởng. Ông Việt cũng cho biết, quá trình làm việc và xác minh, các HLV thuộc đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam và đại diện Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội khẳng định không có chủ trương cũng như không thu phần trăm từ tiền thưởng của các VĐV.

Trong khi đó VĐV Phạm Như Phương cho rằng bản thân đã bị HLV thu ít nhất 10% tiền thưởng ở tất cả các giải đấu, cũng như phải nộp từ 30 - 50% tiền thưởng nóng từ nhà tài trợ và 300.000 đồng/tháng cho "quỹ lạ". Trong đó, số tiền phải nộp khi cô giành 2 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng tại SEA Games 31 là nhiều nhất.

Đúng sai hạ hồi phân giải. Nhưng một lần nữa cần khẳng định rằng việc “thu phần trăm”, hay nói như một số VĐV là họ phải “cắt phế” là điều không thể chấp nhận.

Cũng thật đáng tiếc là nhiều năm qua đã không ít vụ VĐV tố HLV, Ban huấn luyện ăn chặn tiền thưởng, lập quỹ “lạ”. Ngay sau khi VĐV Phạm Như Phương “tố” thì một cựu tuyển thủ Thể dục dụng cụ khác là Lâm Như Quỳnh cũng bất ngờ lên tiếng việc bản thân cũng phải nộp 10% tiền thưởng. Thậm chí Như Quỳnh còn phải đóng tiền quỹ “lạ” nhiều hơn cả Như Phương: 505.000 đồng/tháng.

Nhân câu chuyện này, có thể điểm lại một số vụ việc tương tự.

Cuối năm 2005, khi đang bị giam giữ vì tội “bán độ”, hai cầu thủ nổi tiếng là Văn Quyến, Quốc Vượng đã tố việc chia tiền thưởng không công bằng và bị “ăn chặn”. Đầu tháng 11/2010, nhóm VĐV đội tuyển trẻ Pencak silat TPHCM tập huấn dự giải toàn quốc tố cáo đã bị ăn chặn tiền bồi dưỡng. Có VĐV chỉ nhận được 30.000 đồng thay vì 1.920.000 đồng theo tiêu chuẩn. Tháng 4/2012, ba tay đua tham gia Giải Xe đạp nam tranh Cúp Truyền hình TPHCM tố cáo HLV ăn chặn tiền. Cuối tháng 12/2023, sau vụ lùm xùm bữa ăn “không đủ no” của đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia, 1 trưởng phòng và 2 chuyên viên thuộc Cục Thể dục thể thao đã bị kỷ luật.

Để chấm dứt việc ăn chặn công sức của VĐV, rất cần thiết phải có mức kỷ luật nghiêm minh với những người vi phạm. Nghị định 152 năm 2018 của Chính phủ quy định chế độ khen thưởng dành cho HLV ngang bằng mức thưởng của VĐV, hoặc phân chia 60 - 40 giữa HLV các tuyến đội tuyển và cơ sở, thiết nghĩ cũng đã rất công bằng. Vậy thì vì sao HLV vẫn muốn nhận thêm, vòi vĩnh?

Không để sự tha hóa đạo đức làm nát thể thao. Rất mong Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xác định năm 2024 là năm “gạn đục, khơi trong”, làm trong sạch bộ máy lĩnh vực thể thao nước nhà. Đó cũng là việc làm thiết thực để xây dựng "Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn 2045".

Sự nghiệp thi đấu của VĐV thành tích cao ở hầu hết các bộ môn thể thao khó kéo dài. Đó là sự nghiệt ngã của nghề nhưng họ đã chọn lựa, đã dấn thân và cống hiến. Chính vì thế, họ phải được yêu thương, trân trọng, thay vì phải chịu đựng sự đối xử thiếu công bằng.

Thế Tuấn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dung-de-tha-hoa-trong-the-thao-10271628.html