Đừng để nỗ lực tuyệt vời của tuyển Việt Nam bị lãng phí

Bóng đá Việt Nam có một hành trình vòng loại World Cup 2022 tuyệt vời và xứng đáng nhận những lời khen.

Nhìn lại toàn bộ hành trình vòng loại World Cup của tuyển Việt Nam, nếu bạn hỏi bất kỳ người hâm mộ Việt Nam rằng họ có vui mừng khi ĐTQG lọt vào vòng loại thứ ba World Cup hay không? Và liệu các CĐV có phấn khích khi chứng kiến thầy trò Park Hang-seo đánh bại Trung Quốc, kiếm được một điểm trên sân Nhật Bản?

Câu trả lời chắc chắn sẽ là có.

Những điều rút ra

Ở vòng loại World Cup, chỉ có một thống kê cuối cùng được tính đến, đó là điểm số. Vì vậy, bất chấp chỉ số khác cho thấy Nhật Bản lấn lướt Việt Nam trong trận đấu tối 29/3, kết quả cuối cùng là thứ quan trọng nhất. Tuyển Việt Nam có một trận hòa tuyệt vời trên sân khách.

Tôi không nghi ngờ gì về việc người hâm mộ Thái Lan và Indonesia ghen tị với thành công của tuyển Việt Nam. Chúng ta phải nhớ rằng nếu xét về tiềm lực kinh tế, Việt Nam còn thua kém nhiều quốc gia khác ở vòng loại thứ ba World Cup 2022.

Sự giàu có không đảm bảo thành công trong bóng đá, nhưng nó chắc chắn mang lại nhiều lợi thế cho các đội tuyển về cơ sở vật chất hay ở những bước chuẩn bị.

Nếu chúng ta nhìn vào toàn bộ trận đấu tuyển Việt Nam trải qua ở vòng loại thứ ba, điều dễ thấy nhất là đội bóng của HLV Park Hang-seo cải thiện về mặt kỹ thuật. Tuyển Việt Nam được tổ chức tốt và thi đấu kỷ luật, với sơ đồ 5-4-1 chủ đạo dựa vào các đợt phản công nhanh.

Những bàn thua tuyển Việt Nam phải nhận phần lớn xuất phát từ sai lầm cá nhân, do các cầu thủ chơi mất tập trung và mãi nhìn theo bóng. Điều này có nghĩa các tuyển thủ Việt Nam không tập trung quan sát đối thủ khi không có bóng.

Nhiều bàn thua của thầy trò Park Hang-seo đến từ việc các cầu thủ không sẵn sàng áp sát, để đối phương thực hiện quả tạt và thoải mái ghi bàn trong trạng thái không bị ai kèm. Điều này thường xuất phát từ sự thiếu tập trung.

Sự thiếu tập trung là hệ quả khi đầu óc và cơ thể mệt mỏi vì phải thi đấu ở cường độ cao. Cần nhớ rằng trong bóng đá chuyên nghiệp, các đội hàng đầu luôn có những cầu thủ chơi hàng tuần ở những giải đấu và mức độ cạnh tranh liên tục.

Tuyển Việt Nam có trận hòa 1-1 trên sân Nhật Bản để khép lại hành trình vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Ảnh: JFA.

Các cầu thủ Việt Nam thường bước ra sân chơi quốc tế từ nền tảng V.League. Ở cấp độ khu vực như các giải AFF Cup, mọi chuyện có thể dễ dàng với tuyển Việt Nam. Nhưng sang vòng loại thứ ba World Cup, tất cả hoàn toàn khác.

Chỉ cần một pha xử lý không tốt, khoảnh khắc xuất thần của đối thủ, thậm chí pha ăn vạ cũng khiến bạn bị dẫn trước 0-1. Ở vòng loại thứ ba World Cup, tuyển Việt Nam không mấy khi ghi được trên 2 bàn mỗi trận đấu.

Về mặt tấn công, tuyển Việt Nam có thể cải thiện ở điểm nào? Dễ thấy nhất là cách dàn xếp các tình huống cố định như đá phạt, phạt góc và ném biên. Việc Thanh Bình ghi bàn từ quả phạt góc trước Nhật Bản là minh chứng. Trong bóng đá đỉnh cao, khoảng 35-40% số bàn thắng được ghi từ các tình huống cố định. Liệu Việt Nam có đạt được mức thống kê như thế?

Ngoài ra, đội bóng của HLV Park Hang-seo chỉ chơi với một tiền đạo nên không có nhiều cơ hội ghi bàn. Vì vậy, việc họ sở hữu một trung phong hàng đầu trong đội hình là điều cần thiết.

Tôi chỉ không tin rằng bóng đá Việt Nam có thể lại sản sinh ra một mẫu tiền đạo như Lê Công Vinh. Nếu các CLB ở V.League cứ tiếp tục đầu tư và chiêu mộ các tiền đạo ngoại thì những trung phong bản địa không có nhiều cơ hội phát triển.

Ở khía cạnh phòng ngự, tuyển Việt Nam có thể cải thiện bằng cách tập thêm nhiều bài phòng thủ tình huống cố định. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, bóng đá Việt Nam phải lên kế hoạch cho World Cup 2026. Các nền bóng đá hàng đầu thế giới thường bắt đầu lên kế hoạch cho World Cup 2026 từ năm 2018.

Những cầu thủ như Quang Hải cần ra nước ngoài thi đấu. Ảnh: JFA.

World Cup 2026 là mục tiêu hàng đầu

Vậy bóng đá Việt Nam phải làm gì tiếp theo? Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) có thể gửi 5 hoặc 6 cầu thủ hay nhất sang nước ngoài thi đấu, đến các giải đấu cấp độ cao hơn trong 3 mùa giải tiếp theo. VFF cần đưa nhóm cầu thủ này vào các câu lạc bộ có nền bóng đá phát triển hơn.

Những cầu thủ như Quế Ngọc Hải, Hoàng Đức, Tuấn Hải, Quang Hải phải được khuyến khích chuyển ra nước ngoài thi đấu, sang những nơi họ được tập luyện và thi đấu với tiêu chuẩn cao hơn. Nếu làm được điều đó, khi trở về ĐTQG, họ sẽ trở thành những cầu thủ giỏi hơn.

Những tài năng của bóng đá Việt Nam xứng đáng được tạo thêm cơ hội. Những người làm bóng đá cần tránh để nhóm cầu thủ này bị cản trở bởi những khoản phí chuyển nhượng vô lý từ CLB trong nước. Các hợp đồng cho mượn hay bán cầu thủ ra nước ngoài nên được thương lượng ở mức hợp lý.

Bóng đá Việt Nam cũng đừng cho phép "tay cò" hay người đại diện tham lam nhúng tay vào. "Những tay cò" này thường theo đuổi một thứ, đó là tiền bạc chứ không phải sự phát triển của cầu thủ hay nền bóng đá.

Ở một khía cạnh khác, không phải cầu thủ nào cũng dễ dàng trụ lại nước ngoài chơi bóng, vì vậy việc phát triển chất lượng sân bãi hay công tác huấn luyện là điều quan trọng. V.League nên được diễn ra trên các mặt sân tốt vào những khung giờ hợp lý, chẳng hạn như đầu buổi tối. Ban tổ chức không nên xếp những trận đấu sớm vào buổi chiều nắng nóng gay gắt. Bóng đá sẽ thu hút nhiều người hâm mộ nếu được tổ chức vào khung giờ hợp lý.

V.League cũng phải xem xét lại chính sách sử dụng cầu thủ nước ngoài và tìm ra sự cân bằng để trao cơ hội cho các ngôi sao trong nước. Chiêu mộ những cầu thủ nổi tiếng hết thời không phải là cách giúp giải đấu tiến bộ.

Việt Nam phải quan tâm đến người hâm mộ bóng đá hơn. Các CLB cần cải thiện cơ sở vật chất phục vụ khán giả, cung cấp cho họ chỗ ngồi tốt hơn, nhà vệ sinh hay khu ăn uống. Điều này sẽ giúp nhiều người đến xem hơn. Các trận đấu cũng nên được quảng bá tốt hơn.

Việt Nam có cơ hội tuyệt vời để quảng bá tuyển nữ Việt Nam cho World Cup 2023. Hãy biến những nữ cầu thủ này trở thành ngôi sao. Điều đó có lợi cho nền bóng đá nước nhà.

Ngoài ra, các cầu thủ trẻ cũng nên được hỗ trợ về mặt giáo dục. Ngoại ngữ như tiếng Anh khá quan trọng, vì nó có thể giúp họ ở nhiều khía cạnh. như tiếp cận kiến thức bóng đá trên Internet, nói chuyện với trọng tài và khi ra nước ngoài thi đấu.

Tôi cũng muốn đề cập đến khía cạnh đặt tên cho các cầu thủ ở những giải đấu quốc tế. Ví dụ, khi các khán giả nước ngoài xem tuyển Việt Nam thi đấu, việc sử dụng những cái tên như Quang Hải hay Công Phượng có thể giúp người xem dễ dàng nhận biết cầu thủ, thay vì chỉ dùng họ "Nguyen" như hiện tại.

Nếu bạn nhìn vào một đội tuyển Việt Nam có khoảng 8 cái tên "Nguyen" trong đội hình xuất phát, rất khó để người hâm mộ nước ngoài biết chính xác những ngôi sao. Tất cả chúng đều có vẻ là những điều nhỏ nhặt, nhưng nếu bạn cải thiện những tiểu tiết, mọi thứ sẽ phát triển. Chúng ta có thể nhìn vào cách Nhật Bản hoặc thậm chí Malaysia, Thái Lan phát triển bóng đá ở quốc gia của họ từ những điều nhỏ nhất.

Để kết luận, tôi có thể nói rằng tuyển Việt Nam có một hành trình vòng loại World Cup tuyệt vời và mọi thứ đang có nhiều hứa hẹn. Nếu đi đúng hướng, bóng đá Việt Nam chắc chắn sẽ còn tiến bộ trong tương lai.

Highlights tuyển Nhật Bản 1-1 Việt Nam Đội tuyển Việt Nam có điểm trước Nhật Bản nhờ cú dứt điểm duy nhất của Thanh Bình trong trận cuối vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á tối 29/3.

Steve Darby

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dung-de-no-luc-tuyet-voi-cua-tuyen-viet-nam-bi-lang-phi-post1305995.html