Đừng để 'con sâu làm rầu nồi canh'

Vụ việc một số nhân viên cửa hàng xăng dầu Minh Khai (số 199 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sử dụng các chiêu trò nhằm 'móc túi' khách hàng bị phát hiện đầu tháng 4 vừa qua vẫn khiến nhiều người dân bức xúc.

Nhân viên bán hàng ở đây lợi dụng thời điểm đêm khuya hoặc trời tờ mờ sáng để thực hiện hành vi gian lận, bán thiếu xăng cho khách. Họ cố tình đẩy khách hàng đứng xa, chặn đầu xe hoặc nhanh tay bấm nút chỉ số hiển thị trên đồng hồ về 0 để khách không kịp nhìn, biết được chính xác số tiền cũng như lượng xăng thực tế được đổ,... Với cách thức này, mỗi ngày cửa hàng kiếm lời bất chính hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đồng của khách hàng. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu các nhân viên gian lận, ăn chặn tiền của khách mà đã thành hệ thống, với tần suất nhiều lần nhưng không hiểu sao các lực lượng chức năng trên địa bàn không phát hiện, xử lý vi phạm. Phải chăng sự vụ tồn tại một thời gian dài như vậy là có sự “chống lưng, tiếp tay” cho những vi phạm nêu trên?

Trước đó, qua thanh tra, kiểm tra, lực lượng Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đã lấy mẫu thử nghiệm đối với các sản phẩm xăng E5 (hơn 6.500 lít), Ron 95 và dầu đi-ê-den của cửa hàng xăng dầu Bình Trinh (xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn) tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng). Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, mẫu xăng E5 tại cửa hàng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; hàm lượng ethanol (hay còn gọi là cồn sinh học) chỉ đạt 1,88% so với quy định từ 4 đến 5% thể tích. Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đã lập biên bản vi phạm và đề xuất xử phạt 200 triệu đồng đối với cửa hàng xăng dầu Bình Trinh. Điều đáng bàn ở chỗ, trong hơn 10 ngày từ khi phát hiện, lấy mẫu đến khi có kết luận thì cửa hàng này đã bán hơn 4.000 lít xăng E5 không đúng quy chuẩn, chất lượng ra thị trường. Vậy lượng xăng kém chất lượng mà người tiêu dùng đã sử dụng, khi xảy ra sự cố hỏng hóc động cơ, máy móc,... ai sẽ phải chịu trách nhiệm hay quyền lợi của khách hàng bị bỏ ngỏ?!

Có thể thấy, các hành vi vi phạm nêu trên không chỉ diễn ra trong lĩnh vực xăng dầu mà còn diễn ra ở rất nhiều ngành nghề khác như dệt may, lương thực, thực phẩm,... Phần lớn các sản phẩm bị làm giả, nhái thương hiệu của các doanh nghiệp có uy tín để trà trộn, đưa ra thị trường tiêu thụ, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn gây ra những tổn thất khó lường đối với sức khỏe, tính mạng người sử dụng. Biết rằng, hiện tượng này chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, bởi ở mỗi ngành nghề, lĩnh vực đều có các doanh nghiệp làm ăn chân chính, luôn đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên hàng đầu. Tuy nhiên, nếu không kịp thời ngăn chặn, loại bỏ những con sâu này, chắc chắn quyền lợi của người tiêu dùng sẽ tiếp tục bị xâm hại. Ở khía cạnh khác, nó còn làm cản trở sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Do đó, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt từ các bộ, ngành chức năng, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để ngăn ngừa, xử lý nghiêm vi phạm, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, chọn mua những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng; lấy hóa đơn chứng từ đầy đủ,... nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình.

MINH ĐỨC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/40534102-dung-de-%E2%80%9Ccon-sau-lam-rau-noi-canh%E2%80%9D.html