Đừng để cơ hội 'dân số vàng' vuột mất!

Dự kiến trung tuần tháng 4 này, dân số Việt Nam sẽ cán mốc 100 triệu người. Khi đó, Việt Nam đang ở giữa thời kỳ 'dân số vàng' với 51,5 triệu người, nắm giữ cơ hội lớn để đẩy nhanh phát triển KT-XH. Song, nếu không hành động nhanh, hành động hiệu quả, cơ hội này hoàn toàn có thể vuột mất.

1. “Xin được chúc mừng Chính phủ Việt Nam bởi đây là minh chứng cho câu chuyện thành công. Từng là quốc gia bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam nay đã thành công trong việc đưa người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo và đạt mức tăng trưởng kinh tế - xã hội đáng ghi nhận trong lĩnh vực y tế, giáo dục, việc làm, tiến bộ công nghệ...” – không phải vô cớ Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã dành lời chúc mừng ấy cho đất nước chúng ta.

Nhìn lại quá khứ, nói như TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Trước hết, cột mốc này khẳng định sức sống vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Bất chấp thiên tai, dịch bệnh và bất chấp chiến tranh hủy diệt, dân tộc ta vẫn không ngừng vươn lên, không ngừng lớn mạnh. Để dễ cảm nhận, vào năm 1858, khi thực dân Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta, dân số Việt Nam chỉ vào khoảng 15-20 triệu người, dân số Pháp là vào khoảng 35-36 triệu người.

Còn nhìn lại hiện tại hôm nay, trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế quốc tế ngày càng gay gắt, nhiều quốc gia phải đối mặt với thách thức già hóa dân số thì việc Việt Nam đạt quy mô dân số 100 triệu người – một trong 15 nước trên thế giới có quy mô dân số 100 triệu người trở lên – với dân số đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng (một dân số được coi đã bước vào giai đoạn dân số vàng khi dân số trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi) nhiều gấp 2 lần dân số phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi), hoặc tỷ số phụ thuộc chung dưới 50%) có ý nghĩa rất quan trọng.

Công dân nhí chào đời ngày đầu năm mới Quý Mão. Ảnh: TTXVN

Đi cùng với niềm tự hào lớn ấy là “cơ hội vàng”, “cơ hội có một không hai” khi Việt Nam chạm mốc quy mô dân số 100 triệu cùng cơ cấu dân số vàng. Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thậm chí còn nhận định 100 triệu người dân Việt Nam chính là tượng trưng cho “100 triệu hy vọng, 100 triệu giấc mơ và 100 triệu giải pháp”.

2. Theo các chuyên gia, cơ cấu “dân số vàng” thực sự là cơ hội để cải thiện sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản cho thanh niên, vị thành niên, sử dụng nguồn lao động dồi dào cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Cơ cấu “dân số vàng” tạo cơ hội cho tích lũy nguồn lực để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm trong tương lai. Lực lượng lao động dồi dào với đặc tính cần cù, thông minh cũng đang là yếu tố tạo nên sức hút của Việt Nam với các nhà đầu tư quốc tế, khiến nước ta trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn trên thế giới.

TS. Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) khẳng định, với quy mô 100 triệu người sẽ đem đến nguồn nhân lực to lớn về nhiều mặt cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hơn nữa, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng và hiện nay, với số lượng người trong độ tuổi lao động xấp xỉ 68 triệu người, cung cấp nguồn lực lao động vô cùng to lớn cho đất nước.

Ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cũng cho rằng, việc đạt quy mô dân số 100 triệu người là dấu mốc quan trọng, tạo cơ hội cho nước ta nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh các nước đều coi nguồn nhân lực là lợi thế của quốc gia. Đây sẽ là cơ hội nếu đầu tư hiệu quả cho giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng, trình độ lao động.

Còn TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (ÐH Quốc gia Hà Nội), thì cho rằng: “Với cơ cấu dân số vàng, 2/3 dân số đang trong độ tuổi lao động, VN có nguồn lực lao động dồi dào. Trong số người độ tuổi lao động lại có tới gần 70% ở khu vực nông thôn. Ðây là dư địa lớn cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa - đô thị hóa, góp phần nâng cao năng suất lao động, từ đó gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế lẫn thu nhập bình quân đầu người”.

Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia khu vực châu Á, đã tận dụng cơ hội dân số vàng để tạo nên kỳ tích trong phát triển kinh tế như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… Việt Nam, nếu biết tận dụng quy mô cùng cơ cấu dân số vàng mang lại, hoàn toàn có thể hiện thực hóa giấc mơ hùng cường, thịnh vượng trong tương lai không xa.

3.Cơ hội lớn là vậy, nhưng theo các chuyên gia, nếu không hành động nhanh, thực chất để tận dụng tối đa, cơ hội đó không những không vuột mất mà còn kéo theo những thách thức không nhỏ.

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số vàng” từ năm 2007. Thông thường cơ cấu dân số vàng thường kéo dài 30 - 35 năm, điều này có nghĩa, thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sẽ còn tiếp diễn đến năm 2039. Như vậy, Việt Nam chỉ còn 16 năm để tận dụng cơ hội có một không hai này. 16 năm, đó là quãng thời gian không quá dài cho một khối lượng công việc cần phải làm là quá lớn.

Việt Nam, theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, lại là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới (từ năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số). Vì thế, câu chuyện hành động nhanh, hành động thực chất với những chính sách mạnh mẽ, hiệu quả nhất là điều buộc phải đặt ra.

Nhưng hành động thế nào để nhanh, hiệu quả cũng là một bài toán cần có lời giải. Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, có ba việc cần làm ngay để tận dụng thời kỳ dân số vàng, tránh lãng phí nguồn nhân lực.

Thứ nhất, khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nhân lực và Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021- 2030. Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Nghiên cứu đổi mới toàn diện chế độ làm việc trong khu vực công, nâng cao văn hóa và đạo đức công vụ.

Thứ hai, xây dựng cơ chế cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm giải quyết tình trạng mất cân bằng cung cầu. Xây dựng Chiến lược nâng cao giá trị của lao động Việt Nam, từng bước “nói không” với nhân công giá rẻ.

Thứ ba, cùng với các chiến lược phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong nước, cần xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài; nhất là, thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị quốc gia.

Để làm được như vậy, cần có môi trường làm việc đủ sức thu hút, để các nhà khoa học, các chuyên gia tự tin trở về, gắn bó và hết mình cống hiến cho quê hương, cho đất nước.

Việt Nam đang ở giữa thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động hùng hậu là 51,5 triệu người.

Ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thì cho rằng, để tận dụng, phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng đòi hỏi thực hiện những chính sách phù hợp, như nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động. Tăng cường cơ hội việc làm, đặc biệt hướng tới những việc làm mang lại giá trị tăng thêm cao, tăng năng suất lao động. Đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn, tạo việc làm cho lực lượng lao động trẻ, thanh niên.

Ông Phạm Chánh Trung (Chi cục trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM) thì chỉ rõ: con số 100 triệu dân là một cột mốc đặt ra cho Việt Nam những thách thức cần phải tập trung giải quyết quyết liệt gồm: nâng cao chất lượng dân số, đầu tư cho y tế, giáo dục và nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực để tránh nguy cơ lãng phí thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” và ứng phó kịp thời thời kỳ dân số già.

Cơ hội không gõ cửa hai lần. Câu chuyện tận dụng cho được cơ hội từ cơ cấu dân số vàng cũng vậy. Bất kỳ sự bỏ lỡ nào cũng đều là sự đáng tiếc. Hơn thế, nói như ông Phạm Trọng Nghĩa, “nếu Việt Nam không có các chính sách để tận dụng thời cơ và phát huy thế mạnh của thời kỳ dân số vàng sẽ là lãng phí rất lớn, có tác động tiêu cực về nhiều mặt và kéo dài qua nhiều thế hệ”.

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dung-de-co-hoi-dan-so-vang-vuot-mat-post243433.html