Đừng để áp lực thi vào lớp 10 công lập làm học sinh căng thẳng

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở TP.HCM càng những năm sau càng trở nên căng thẳng vì nhiều lý do: chỉ tiêu tuyển sinh các trường THPT giảm theo từng năm, tổng chỉ tiêu lớp 10 công lập giảm, học phí các trường ngoài công lập không ngừng tăng và quá khả năng tài chính của nhiều gia đình, phân luồng học sinh vào các trường nghề chưa được đa số phụ huynh đồng tình.

Năm nay cũng vậy, còn hơn một tháng nữa là học sinh lớp 9 ở TP.HCM thi tuyển vào lớp 10 công lập, giáo viên và phụ huynh cần quan tâm làm tốt việc hướng dẫn, hỗ trợ học sinh đăng ký nguyện vọng, ôn thi và cả vượt qua trở ngại nếu kết quả thi không như kỳ vọng.

Lựa chọn nguyện vọng đúng, trúng và ôn thi một cách khoa học

"Em đang đợi kỳ thi thử xem đánh giá năng lực của em thế nào. Nếu ổn thị em sẽ chọn các nguyện vọng vào lớp 10 công lập phù hợp với năng lực của mình".

Học sinh lớp 9 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 (ảnh Vũ Hường)

"Em đang bị áp lực bởi điểm số để vào trường công lập. Ba mẹ hướng cho em là cứ cố gắng học, vào được trường nào thì vào. Chứ học tư thục thì lại áp lực cho ba mẹ về chi phí học tập nên em phải cố gắng vào được trường công".

Đó là suy nghĩ, áp lực của phần đông học sinh lớp 9 sắp thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập và cũng là của phụ huynh.

Chị Ngọc Hồ có con đang học lớp 9 cho rằng, áp lực thi cử ở mức vừa phải để học sinh cố gắng, đừng đến mức căng thẳng gây tác động tiêu cực cho các em. Chị và gia đình cũng mong muốn cho con vào lớp 10 công lập của một trường gần nhà nhưng phải căn cứ vào sức học của con. Nhà trường đã thông báo và hướng dẫn cho con chị tự đánh giá sức học của mình, tìm hiểu các trường phù hợp với sức học để lựa chọn 3 nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 khả thi nhất.

Chị Ngọc Hồ nói: "Góc độ phụ huynh, tôi không gây áp lực cho con. Bởi vì theo trường thông báo thì con có đến 3 nguyện vọng, con tự xem khả năng của mình tới đâu thì chọn trường từ cao xuống thấp. Gia đình thì vẫn ưu tiên hướng vào trường công lập, không đủ điểm thì mới xem xét tới trường ngoài công lập".

Hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp được TP.HCM thực hiện nhiều năm trở lại đây (ảnh Minh Hạnh)

Còn chị Nguyễn Thị Vân Hiền ở quận Gò Vấp có con đang học lớp 9 cho rằng, chị không áp lực cho mình và cho con. Nhưng chính con chị tự gây áp lực cho mình khi nhìn bạn bè xung quanh và nhìn vào thông tin tuyển sinh lớp 10 của Thành phố. Chị cũng từng học đại học, sao đó học thêm nhiều chứng chỉ nhưng thực tế đi làm chị thấy các kỹ năng thực tế, ứng xử xã hội quan trọng hơn và chị mong con có một cái nghề nuôi sống được bản thân".

"Mình nói với con là ví dụ các trường mục tiêu của con chọn mà con không đạt được thì đối với mẹ cũng không sao hết. Con học nghề thì càng tốt, con học tiếp tục lên cấp 3 cũng được. Mình luôn nói với con là con đừng áp lực quá, học nghề cũng tốt mà, sao cũng được. Nhưng con tự áp lực, rồi cứ vậy 3h sáng là dậy học bài.).

Giáo viên, học sinh và cả phụ huynh lớp 9 cần có thời khóa biểu và phương pháp hệ thống kiến thức, ôn thi một cách khoa học và hiệu quả. Làm sao để nếu các em tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập thì đảm bảo sức khỏe, có thể làm bài đúng với năng lực học tập của mình"- chị Hiền nói.

Lớp 10 công lập không phải là con đường duy nhất

Hiện TP.HCM có 116.296 học sinh lớp 9. Năm học 2024-2025, Sở dự kiến có khoảng 102.349 học sinh đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 công lập, xác định lấy 70% học sinh vào học tại các trường công lập. Như vậy sẽ có khoảng 31.000 học sinh sẽ rớt lớp 10 và khoảng 16.000 em không đăng ký thi tuyển vào lớp 10 mà chọn học nghề, du học,…Điều này cũng đúng với việc thực hiện công tác phân luồng học sinh theo quyết định số 522 của Thủ tướng Chính phủ năm 2018.

Cô Trần Thị Ngọc Bích, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 ở trường THCS Nguyễn Hiền, Quận 12 cho biết, giáo viên tư vấn cho từng học sinh về việc lựa chọn nguyện vọng vào lớp 10 công lập, đầu tiên là ưu tiên các trường phù hợp với lực học, sau đó mới đến các trường gần nhà, các trường mà các em thích. Với các em học lực có hạn thì giáo viên sẽ tư vấn có thể chọn các trường nghề, trường ngoài công lập. Với phụ huynh, giáo viên cũng tư vấn tương tự như vậy. Và qua sự tư vấn của cô Bích những năm qua, có khoảng 10-20% học sinh lựa chọn trường nghề sau khi học xong lớp 9: "Giáo viên chủ nhiệm tư vấn rất kỹ cho phụ huynh về em nào không đủ khả năng vào lớp 10 công lập thì phụ huynh nên cho các em chọn một hướng khác, có thể là chọn trường nghề, vẫn phù hợp với năng khiếu, sở thích của các em".

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, rút kinh nghiệm từ mùa tuyển sinh năm 2023 khi giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho trường THPT công lập theo số lượng học sinh lớp 9 đã tạo ra chỉ tiêu ảo. Một số trường đã không tuyển đủ chỉ tiêu mặc dù đã cho tuyển bổ sung.

Thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập là áp lực với đa số học sinh và cả phụ huynh (ảnh Minh Hạnh)

Năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tùy tình hình học sinh nộp hồ sơ nhập học thực tế tại các trường THPT để quyết định tuyển sinh bổ sung với những thí sinh trượt cả 3 nguyện vọng.

Theo ông Nam, TP.HCM có các hệ thống các trường nghề hiện đang phát triển khá mạnh, đầy đủ cơ sở vật chất, tiếp cận được chương trình giảng dạy tăng tính thực hành. Hơn nữa học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký học nghề sớm còn được miễn học phí: "Chỉ tiêu các trường THPT công lập có thể thấp hơn, nhưng vẫn còn hệ thống giáo dục thường xuyên cũng là hệ thống công lập. Học sinh theo học hệ thống giáo dục thường xuyên cũng học chung chương trình, thi cùng đề tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học như nhau. Hơn nữa hệ thống Giáo dục thường xuyên của thành phố có đến 33 trung tâm ở các quận huyện".

Năm nay, TP.HCM tuyển hơn 71.000 học sinh lớp 10 vào 113 trường THPT công lập, giảm hơn 6.000 chỉ tiêu so với năm học 2023-2024. Kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 6-7/6 với 3 môn thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Minh Hạnh, Vũ Hường, CTV Hoài Phong/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dung-de-ap-luc-thi-vao-lop-10-cong-lap-lam-hoc-sinh-cang-thang-post1091174.vov