Đúc rút kinh nghiệm đầu tư đường sắt đô thị tại hai thành phố lớn nhất Việt Nam

Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô hiện nay, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị (9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh) với tổng chiều dài 417,8km; trong đó, 75,6km đi ngầm.

Tuyến tàu điện đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Tuyến tàu điện đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Để đúc rút kinh nghiệm cho việc đầu tư hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn hai thành phố lớn nhất cả nước, hội thảo “Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật-công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị” do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức ngày 19/1 tại Hà Nội với sự tham gia của các đại diện cơ quan Trung ương, các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực đường sắt đô thị.

Qua hội thảo, thành phố Hà Nội sẽ lắng nghe, tiếp thu các kinh nghiệm áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật-công nghệ trong lĩnh vực đường sắt đô thị cũng như các chính sách ưu tiên, ưu đãi cho phát triển thị trường; các cơ sở công nghiệp đường sắt, công nghiệp phụ trợ cho đường sắt; cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia các dự án để tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nhà thầu nước ngoài; các mô hình tổ chức quản lý và thực hiện dự án đối với các dự án tương tự đã triển khai tại các nước phát triển.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị số 2A, đoạn Cát Linh-Hà Đông và Nhổn-Ga Hà Nội trên địa bàn Hà Nội đều chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó có nguyên nhân do chủ đầu tư cũng như các nhà thầu gặp một số vướng mắc khi áp dụng nhiều hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong nước cũng như nước ngoài đối với các dự án, đặc biệt mỗi dự án sử dụng các công nghệ
của các nước khác nhau thì áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn cũng khác nhau...

Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đóng góp nhiều ý kiến như Mô hình quản lý vận hành và bảo dưỡng của Shenzhen Metro; xây dựng và kiện toàn hệ thống tiêu chuẩn giao thông đường sắt ở Việt Nam; sự cấp thiết phải có khung tiêu chuẩn thống nhất cho đường sắt đô thị; một số vấn đề trong nghiên cứu xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho hệ thống đường sắt đô thị Việt Nam...

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn thông tin, theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô hiện nay, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị (9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh) với tổng chiều dài 417,8 km; trong đó, 75,6 km đi ngầm.

Tuy nhiên, hiện nay Hà Nội mới chỉ hoàn thành được 13km (tuyến số 2A, đoạn Cát Linh-Hà Đông) và đang triển khai thi công 12,5km (tuyến số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội), như vậy theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị, đến năm 2035 thành phố Hà Nội phải hoàn thành 404,8 km tuyến đường sắt đô thị còn lại.

Hiện nay, tuyến đường sắt đô thị số 2A, đoạn Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải đầu tư đã đi vào khai thác vận hành, được toàn thể nhân dân thành phố Hà Nội chào đón và sử dụng với tần suất cao, bước đầu cho thấy hiệu quả về mặt khai thác.

Sắp tới Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ đưa vào khai thác đoạn trên cao thuộc dự án tuyến đường sắt thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội, cũng như Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sắp đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1, đoạn Bến Thành-Suối Tiên.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố mong muốn, hội thảo chuyên đề “quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật-công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị” sẽ là cơ hội tốt cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực đường sắt đô thị cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm, bài học, ý tưởng về xây dựng, phát triển đường sắt đô thị nói riêng, giao thông đô thị nói chung.

Về thực tiễn xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt ở châu Âu và khả năng, định hướng xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cho đường sắt đô thị tại Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài An, Khoa Vận tải và Kinh tế Trường Đại học Giao thông Vận tải đã chia sẻ thực tiễn xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt ở châu Âu; hiện trạng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt đô thị ở Việt Nam; định hướng xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cho đường sắt đô thị tại Việt Nam.

Phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển đường sắt đô thị tại Việt Nam, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết, những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các tuyến đường sắt hiện nay là do nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, khó khăn trong giải phóng mặt bằng; quy hoạch không đồng bộ nên việc phát huy hiệu quả chưa cao; các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các dự án không đồng bộ và khác nhau dẫn đến khó khăn trong quá trình thi công, nghiệm thu công trình; việc duy tu bảo dưỡng của mỗi công trình khác nhau; phụ thuộc nguồn vốn nước ngoài nên chi phí đầu tư cao hơn so với thực tế và nhiều yếu tố khác.

Đưa ra các giải pháp; trong đó có giải pháp khung kỹ thuật đường sắt đô thị, ông Đỗ Việt Hải cho rằng, việc nghiên cứu đề xuất khung kỹ thuật đường sắt đô thị Hà Nội phải bảo đảm các yêu cầu phù hợp với khung pháp lý về hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn Việt Nam; tính đồng bộ trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và khai thác vận hành các tuyến đưòng sắt đô thị; đáp ứng được xu thế phát triển khoa học công nghệ đường sắt đô thị; có tính tương thích phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn chung đường sắt; có độ mở linh hoat cho các chủ thể tham gia vào đầu tư xây dựng và khai thác vận hành đường sắt đô thị…

Ông Đỗ Việt Hải cũng đưa ra các giải pháp trong phát triển công nghiệp đường sắt; cơ chế chính sách phát triển; phương thức tổ chức quản lý thực hiện và phương thức tổ chức quản lý thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/duc-rut-kinh-nghiem-dau-tu-duong-sat-do-thi-tai-hai-thanh-pho-lon-nhat-viet-nam-post922122.vnp