Đức: Kinh tế tránh được 'điều tồi tệ nhất' nhưng tăng trưởng đình trệ

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, kinh tế Đức đã tránh được suy thoái 'trong gang tấc', nhưng tăng trưởng lại đình trệ - trái với kỳ vọng có thể phục hồi nhẹ trong quý I/2023.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Duesseldorf, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Số liệu sơ bộ được Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 28/4 cho thấy một trong những yếu tố tác động tới tình trạng này là do cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn đè nặng lên nền kinh tế hàng đầu châu Âu.

Theo Destatis, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã không thay đổi từ tháng 1-3/2023. Nếu sau khi điều chỉnh số liệu chính thức cuối cùng (dự kiến diễn ra trong vài tuần tới) đà tăng trưởng của Đức giảm trở lại, nền kinh tế này sẽ rơi vào một “cuộc suy thoái kỹ thuật” sau khi đã giảm 0,5% trong quý IV/2022.

Mặc dù nền kinh tế Đức dường như đã tránh được “điều tồi tệ nhất”, nhưng kết quả quý I/2023 thấp hơn kỳ vọng tăng trưởng 0,2% của các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát của công ty dữ liệu tài chính FactSet.

Quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới này - vốn phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga - đã bị ảnh hưởng nặng nề sau khi Moskva ngừng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Động thái đó đã khiến giá khí đốt tăng vọt.

Giới phân tích và Chính phủ Đức dự đoán giá cả tăng cao, đặc biệt là năng lượng, sẽ đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng trong mùa Đông. Tuy nhiên, các dự báo đó đã thay đổi trong những tuần gần đây, khi lĩnh vực công nghiệp của Đức phục hồi nhờ giá năng lượng giảm, cũng như việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian dài đóng cửa vì đại dịch COVID-19.

Nhà kinh tế Jens-Oliver Niklasch của ngân hàng LBBW cho biết các số liệu cho thấy nền kinh tế "vẫn đang trải qua một thời kỳ khó khăn”. Ông nêu rõ: “Mặc dù những số liệu gần đây từ lĩnh vực công nghiệp đã thúc đẩy sự lạc quan, nhưng hiện tại chúng tôi thấy rằng tiến độ đang chậm lại”.

Trước đó, Đức dường như đã vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng tốt hơn những gì dự báo. Để đối phó với biến động, Berlin đã triển khai một loạt biện pháp cứu trợ để hỗ trợ các doanh nghiệp và người tiêu dùng, bao gồm cả việc hạn chế giá năng lượng, đồng thời cố gắng đa dạng hóa nguồn cung.

Sau khi đạt đỉnh 8,8% vào tháng 10/2022, lạm phát tại Đức đã giảm dần và đứng ở mức 7,4% trong tháng 3/2023. Chính phủ Đức cuối tháng này cũng đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 lên 0,4%, cao hơn so với mức 0,2% đưa ra vài tháng trước.

Kết quả các các cuộc khảo sát gần đây cho thấy sự lạc quan, với chỉ số niềm tin kinh doanh do Viện Ifo tổng hợp đã tăng trong tháng thứ 7 liên tiếp vào tháng 4/2023.

Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan như vậy, khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đầu tháng này dự đoán nền kinh tế Đức sẽ giảm 0,1% trong năm nay. Bên cạnh đó, thị trường Đức, giống nhiều nước khác, cũng bị xáo trộn sau sự sụp đổ của ba ngân hàng của Mỹ hồi tháng trước, việc UBS tiếp quản Credit Suisse và cổ phiếu của ngân hàng Deutsche Bank có thời điểm lao dốc.

Hiện tại, những lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính rộng lớn hơn đã giảm bớt, nhưng các nhà phân tích cảnh báo về những rủi ro có thể ảnh hưởng đến vận may kinh tế của Đức vào cuối năm nay, đặc biệt là việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thắt chặt tiền tệ để giảm lạm phát. ECB đã tăng lãi suất thêm 3,5 điểm phần trăm kể từ tháng 7 năm ngoái và dự kiến sẽ có một đợt tăng mới sau khi giới chức ngân hàng này nhóm họp vào tuần tới.

Phương Hoa (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/duc-kinh-te-tranh-duoc-dieu-toi-te-nhat-nhung-tang-truong-dinh-tre-20230428204818673.htm