Đức đẩy mạnh đầu tư vào ngành dược phẩm trước nguy cơ mất ngôi vương

Tập đoàn dược phẩm Merck (Đức) ngày 25/4 thông báo đang chuẩn bị đầu tư hơn 300 triệu euro (321 triệu USD) cho việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu khoa học đời sống mới.

Phát biểu tại lễ khởi công xây dựng trung tâm này ở trụ sở của Merck tại thành phố Darmstadt, Giám đốc điều hành của Merck, KGaA Belen Garijo nêu rõ với khoản đầu tư chiến lược trên, Merck đang củng cố vị thế hàng đầu của tập đoàn trong các công nghệ chính để phát triển và sản xuất các loại thuốc mới.

Trung tâm nghiên cứu dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2027, tập trung vào các giải pháp cho việc sản xuất kháng thể, các ứng dụng liên quan đến công nghệ mRNA và các sản phẩm khác phục vụ sản xuất theo công nghệ sinh học. Đây là một phần trong chương trình đầu tư trong nước của Merck với tổng số tiền từ nay đến năm 2025 là 1,5 tỷ euro (1,6 tỷ USD).
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá khoản đầu tư đã thể hiện vị thế của Đức là điểm đến hàng đầu về dược phẩm, công nghiệp và nghiên cứu, đồng thời phản ánh về sự phát triển của lĩnh vực khoa học đời sống.
Tháng 2/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp nghiên cứu dược phẩm cho biết mặc dù đã đạt được những thành công trong thời gian gần đây với việc bào chế các loại vaccine ngừa COVID-19, song Đức cũng đang đối mặt nguy cơ bị mất vị thế là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất dược phẩm.
Cuối năm 2023, Chính phủ Đức đã phê duyệt một chiến lược dược phẩm quốc gia với mục tiêu thúc đẩy số hóa trong ngành này và khuyến khích việc thành lập các cơ sở sản xuất, cũng như thúc đẩy các dự án về đổi mới.
Tập đoàn dược phẩm Novartis của Thụy Sỹ đã đầu tư hàng tỷ USD vào Slovenia (Xlô-vê-ni-a), đưa nước này trở thành một trung tâm toàn cầu về sản xuất thuốc generic (thuốc có cùng dược chất, hàm lượng, dạng bào chế với biệt dược gốc và thường được sử dụng thay thế biệt dược gốc).
Giờ đây, khi các đối thủ ở châu Á có những sản phẩm giá rẻ ngày càng thống trị thị trường, các tập đoàn dược phẩm Thụy Sỹ nhận thấy quốc gia ở vùng Balkan này đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hướng sang các loại thuốc đắt tiền và phức tạp. Vì vậy, họ sẵn sàng đầu tư để đáp lại những yêu cầu của thị trường.
Trong 20 năm qua, xuất khẩu dược phẩm từ Slovenia đã tăng vọt: từ 2 tỷ USD hồi năm 2010 lên 15 tỷ USD vào năm 2022, trong khi tổng giá trị gia tăng của ngành tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Lĩnh vực này hiện chiếm khoảng 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Slovenia và sử dụng trực tiếp khoảng 12.000 lao động ở một đất nước có 2 triệu dân - một tỷ lệ lực lượng lao động ngang bằng với Thụy Sỹ, nơi có 47.000 người đang làm việc trong lĩnh vực dược phẩm.
Thụy Sỹ đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng trên của ngành dược phẩm Slovenia. Hai công ty là Novartis và Sandoz đã đầu tư hơn 3,5 tỷ franc Thụy Sỹ (khoảng 4 tỷ USD) vào Slovenia trong hai thập kỷ qua, biến quốc gia Balkan này trở thành đối tác không thể thiếu đối với ngành dược phẩm Thụy Sỹ. Mối quan hệ đó tiếp tục phát triển. Vào năm 2022, Novartis tuyên bố sẽ đầu tư thêm 350 triệu USD vào Slovenia. Sang năm 2023, Sandoz cũng cam kết khoảng 400 triệu USD, khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lịch sử để sản xuất các loại thuốc sinh học tương tự (sinh phẩm có sự tương tự về chất lượng, an toàn và hiệu quả lâm sàng so với sản phẩm thuốc sinh học tham chiếu đã được cấp phép).
Trong khi đó, tập đoàn Fujifilm (Nhật Bản) ngày 12/4 cho biết sẽ tăng đầu tư vào nhà máy sản xuất dược phẩm sinh học ở North Carolina (Mỹ) thêm 1,2 tỷ USD vào thời điểm quan hệ Nhật Bản và Mỹ đang thu hút sự chú ý.
Khoản đầu tư trên nhằm tăng sản lượng để có thể đáp ứng nhu cầu gia tăng về thuốc kháng thể, đưa tổng đầu tư vào nhà máy lên trên 3,2 tỷ USD. Fujifilm đặt mục tiêu đưa nhà máy đạt công suất tối đa vào năm 2028 và tạo ra 1.400 việc làm cho lao động địa phương.
Fujifilm thông báo khoản đầu tư ban đầu vào nhà máy ở North Carolina vào năm 2021. Khoản đầu tư nằm trong chiến lược xây dựng các nhà máy quy mô lớn tại Mỹ và châu Âu.
Còn tập đoàn bán lẻ khổng lồ Nhật Bản Aeon Co Ltd gần đây đã tham gia đàm phán độc quyền với Oasis Management, có trụ sở tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) để mua cổ phần mà công ty quản lý quỹ phòng hộ này nắm giữ trong chuỗi nhà thuốc Tsuruha Holdings Inc.
Aeon cho biết, chi tiết về số lượng cổ phiếu sẽ mua và số tiền họ sẽ trả cho mỗi cổ phiếu sẽ được đàm phán. Oasis và Aeon mỗi bên hiện nắm giữ khoảng 13% cổ phần tại Tsuruha.
Việc Aeon mua lại cổ phần của Oasis Management trong Tsuruha Holdings Inc. đã góp phần gia tăng số cổ phần nắm giữ của Aeon trong hoạt động kinh doanh nhà thuốc, động lực tăng trưởng chính cho tập đoàn này. Aeon hiện nắm giữ 51% cổ phần tại công ty bán lẻ dược phẩm, mỹ phẩm Welcia Holdings và 10% cổ phần tại công ty bán lẻ dược phẩm, nhu yếu phẩm Kusuri No Aoki Holdings.
Người phát ngôn của Aeon cho biết họ đã thông báo cho Tsuruha về cuộc đàm phán với Oasis về khả năng mua cổ phần. Tuy vậy, theo người phát ngôn này, các cuộc đàm phán đang được tổ chức mà không có sự chấp thuận của Tsuruha, mặc dù điều đó là không bắt buộc để việc mua lại cổ phần nói trên có thể được tiến hành.

Khánh Linh (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/duc-day-manh-dau-tu-vao-nganh-duoc-pham-truoc-nguy-co-mat-ngoi-vuong/331218.html