Đức - đầu tàu kinh tế châu Âu đang khó khăn thế nào?

Ảnh hưởng nặng nề vì khủng hoảng năng lượng và lạm phát kỷ lục, Đức - nền kinh tế đầu tàu châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái trầm trọng.

Với thực tế khủng hoảng năng lượng ngày càng nghiêm trọng và lạm phát ngày càng cao, Đức - vốn được xem là đầu tàu kinh tế châu Âu giờ phải đối mặt với nguy cơ suy thoái, theo tạp chí Focus của Đức.

Khó khăn đè nặng lên kinh tế Đức

Theo Focus, xung đột Nga - Ukraine đã cản trở nỗ lực của Đức nhằm khôi phục kinh tế sau hai năm đại dịch. Phương Tây trừng phạt Nga, rồi Moscow cắt giảm lượng lớn nguồn cung khí đốt cho các nước châu Âu khiến giá khí đốt tại nhiều nước phương Tây bị đẩy lên rất cao, đặc biệt ở Đức - quốc gia phụ thuộc hơn 55% nguồn cung khí đốt từ Nga.

Người dân mua hàng trong siêu thị tại thủ đô Berlin (Đức). Ảnh: AFP

Giá năng lượng ở mức cao liên tục trong thời gian dài ảnh hưởng lớn lên toàn bộ nền kinh tế Đức và đẩy quá trình lạm phát tăng nhanh. Giá hàng hóa tiêu dùng, xăng dầu, khí đốt và các lĩnh vực dịch vụ đều đắt đỏ hơn nhiều so với trước xung đột Nga - Ukraine.

Cụ thể, hãng tin Reuters dẫn số liệu từ Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố cuối tháng 9 cho thấy chi phí năng lượng tại Đức tăng 43,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giá thực phẩm tăng 18,7%. Theo Destatis, đây là những yếu tố chính góp phần khiến tỉ lệ lạm phát tại Đức tăng cao trong nhiều tháng qua.

Theo số liệu sơ bộ Destatis công bố thì tỉ lệ lạm phát trong tháng 9 của Đức là 10% (so với mức tháng 9-2021, tăng 1,9% so với tháng 8). Lạm phát cao làm giảm sức mua tiêu dùng. Reuters dẫn thông tin khảo sát từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Đức (HDE) về mức độ mua sắm cho thấy 60% người tiêu dùng cho biết họ đang hạn chế mua sắm cá nhân, 76% cho biết sẽ hạn chế mua sắm trong những tháng mùa đông tới, để dành nhiều tiền hơn cho các hóa đơn năng lượng.

Nhiều chuyên gia kinh tế Đức dự báo rằng tỉ lệ lạm phát sẽ duy trì ở mức hai con số trong những tháng tới, đặc biệt trong bối cảnh mùa đông lạnh giá đang tới gần, khiến giá năng lượng có thể tiếp tục bị đẩy lên cao. Chuyên gia Torsten Schmidt tại Viện nghiên cứu kinh tế Leibniz (Đức) cũng dự đoán rằng tỉ lệ lạm phát tại Đức trong những tháng cuối năm và những tháng đầu năm 2023 sẽ tăng cao do tình trạng leo thang chi phí khí đốt trong mùa đông, theo tờ The New York Times.

Chúng tôi đang gặp phải các vấn đề về chuỗi cung ứng, tắc nghẽn sản xuất và tăng giá mà chúng tôi chưa được thấy trong nhiều thập niên.

Thứ trưởng Tài chính Đức FLORIAN TONCAR thừa nhận

Làn sóng biểu tình và chính sách của nhà nước

Bên cạnh những áp lực về kinh tế, Đức còn đối mặt với nguy cơ bất ổn xã hội. Từ khi chính phủ công bố chính sách thắt chặt năng lượng (tăng giá khí đốt để giảm lượng sử dụng) hồi cuối tháng 8 thì Đức đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình có liên quan đến tình trạng giá cả tiêu dùng leo thang và năng lượng khan hiếm.

Cụ thể theo Reuters, trong tháng 9, hàng ngàn người dân tại các bang Thuringia, Sachsen, Mecklenburg-Vorpommern xuống đường biểu tình đòi chính phủ hỗ trợ phí tiêu dùng cho dân, phản đối chính sách thắt chặt năng lượng cũng như quyết định hủy bỏ kế hoạch vận hành đường ống dẫn khí Nord Stream 2 hồi tháng 2. Người biểu tình còn yêu cầu chính phủ ngừng trừng phạt Nga, không để người dân Đức phải gánh chịu hậu quả từ các lệnh trừng phạt thêm nữa.

Trước tình hình đó, đầu tháng 10, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo trấn an rằng Đức đã thông qua gói hỗ trợ năng lượng trị giá 200 tỉ euro (khoản 198 tỉ USD) để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp nhỏ. Theo ông Scholz, gói hỗ trợ mang tính quyết định này có thể xoa dịu áp lực giá cả cho người dân, đồng thời giúp được các doanh nghiệp nhỏ trước tình hình tài chính sa sút nghiêm trọng.

Trong nỗ lực tìm các nguồn cung khí đốt thay thế, cuối tháng 9, Thủ tướng Scholz đã ký một thỏa thuận mua khí đốt từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Ông Scholz cũng tích cực đi thăm nhiều nước vùng Vịnh để tìm kiếm các nguồn cung khí đốt mới, theo hãng tin AFP.

Hiện Đức đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm tiếp nhận khí đốt hóa lỏng tại TP Wilhelmshaven (nằm ở bờ biển phía bắc của Đức, thuộc bang Niedersachsen). Theo kế hoạch, bắt đầu từ mùa đông năm nay, trạm tiếp nhận khí đốt hóa lỏng nằm gần cảng Wilhelmshaven sẽ có thể cung cấp lượng khí đốt tương đương 20% nguồn cung năng lượng của Nga sang Đức, theo AFP.•

Kinh tế Đức khó tránh được suy thoái trong năm 2023

Hồi cuối tháng 9, bốn viện kinh tế hàng đầu của Đức, gồm Viện kinh tế IFO, Viện Kiel về kinh tế thế giới, Viện nghiên cứu kinh tế Halle (IWH) và Viện nghiên cứu kinh tế Leibniz (RWI) đều đưa ra dự đoán rằng nền kinh tế Đức sẽ trải qua thời kỳ u ám trong năm 2023, theo hãng tin Bloomberg.

Theo chuyên gia Torsten Schmidt tại Viện nghiên cứu kinh tế Leibniz, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức năm 2022 sẽ chỉ tăng 1,4% (giảm một nửa so với mức dự báo hồi đầu năm), dự đoán tăng trưởng GDP trong năm 2023 sẽ còn tệ hơn khi chỉ ở mức 0,4%.

Các nhà kinh tế cho rằng một trong những nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Đức xấu đi là do mất nguồn cung khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, kinh tế Đức có thể tăng trưởng trở lại trong năm 2024 với GDP tăng 1,9%, nếu Đức tìm được các nguồn cung năng lượng thay thế dầu Nga, theo Bloomberg.

CHÍ THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/duc-dau-tau-kinh-te-chau-au-dang-kho-khan-the-nao-post702166.html