Đục đá, khoan núi thi công hầm cấp đặc biệt trên cao tốc Bắc - Nam

Nhà thầu thi công hầm số 3 trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn dài 3.200m đang tăng cường nhân lực, thiết bị đặc chủng đẩy tiến độ hầm đường bộ dài nhất thuộc cấp đặc biệt trên hệ thống cao tốc Bắc - Nam này.

Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là dự án thành phần có chiều dài hơn 88km, đi qua địa bàn hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định với tổng vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp khoảng 14.500 tỷ đồng. Trên tuyến có hệ thống 3 hầm xuyên núi địa chất thi công rất phức tạp. Riêng hầm số 3 có chiều dài 3.200m. Đây là hầm đường bộ dài nhất trên hệ thống cao tốc đang triển khai thi công đến thời điểm hiện tại,

Để đảm bảo tiến độ dự án nói chung và hệ thống hầm trên tuyến, tập đoàn Đèo Cả triển khai 15 máy khoan hạng nặng để khoan hầm, cùng hàng trăm đầu máy thiết bị cơ giới có liên quan và nhân sự khoảng 1.000 kỹ sư, công nhân. Riêng hầm số 3, Tập đoàn Đèo Cả triển khai 4 mũi thi công ở cả 4 ống hầm, tuy vậy do địa chất hầm phức tạp không như thiết kế nên quá trình đào phải tiến hành gia cố và đào phân khai từng mảng dẫn đến tiến độ bị ảnh hưởng.

Đến thời điểm này hạng mục hầm số 3 hầm dài nhất của dự án đã đào được 26%. Cụ thể, chiều dài ống hầm trái đào đạt khoảng 800/3.200m, ống hầm phải đạt gần 900/3.200m. Theo thiết kế ban đầu chỉ cần đào khoảng 100m sẽ gặp đá cấp 1, cấp 2 (đá cứng) để nhà thầu nâng mức đào, tăng tốc thi công. Tuy nhiên, đến nay vẫn tiếp tục gặp đá cấp 4, do vậy các khâu thi công đang được tổ chức thận trọng.

Để khắc phục những khó khăn trên, nhà thầu đang cải tiến phương pháp đào hệ Đèo Cả, tăng quy mô không gian trong hầm để tăng tốc thêm các mũi thi công, ngoài ra cùng chủ đầu tư xác định lại điều kiện địa chất để đưa ra giải pháp thi công nhanh nhất nhằm nối thông hầm đường bộ cấp đặc biệt này sớm hơn kế hoạch dự kiến vào tháng 6/2025 để nối thông xuyên suốt cao tốc phía Đông đi qua 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả Nguyễn Quang Huy cho biết, đến thời điểm hiện tại tiến độ dự án đang đi đúng hướng nhờ thời tiết ủng hộ và nhân lực từ các dự án khác được điều động đến công trường để tăng ca, tăng kíp thi công. Đồng thời, nguồn vật liệu từng bước được khơi thông nên tiến độ từng gói thầu đang thay đổi từng ngày. Tuy nhiên, tồn tại về mặt bằng ở những vị trí đường găng đang là rào cản lớn mong tỉnh Quảng Ngãi sớm tháo gỡ.

Bằng kinh nghiệm đúc rút qua nhiều lần triển khai thi công các dự án hầm xuyên núi như: Hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân, Thung Thi và làm chủ công nghệ, Tập đoàn Đèo Cả đã nghiên cứu cải tiến phương pháp thi công hầm “Hệ Đèo Cả” và sử dụng tuần hoàn nước thi công (tiết kiệm 95% lượng nước thi công hầm) đã góp phần gia tăng sản lượng, tiến độ thi công hầm số 3.

Theo ông Nguyễn Quang Huy, hiện tại công tác đào hầm số 3 vẫn đang được tính toán, nghiên cứu lại phương án đào. Tuy vậy, khi đảm bảo điều kiện thì sẽ tăng mũi thi công từ 4 mũi lên 6 mũi.

Việc tiến độ hầm số 3 được đẩy nhanh ngoài năng lực, kinh nghiệm của "chuyên gia đào hầm" thì điểm thuận lợi là nhà thầu Đèo Cả đào thông hầm số 2 sớm hơn dự kiến nhiều tháng đã mở ra tuyến đường công vụ mới rút ngắn khoảng cách đi lại, điều tiết máy móc, nhân sự. Bên cạnh đó, nhà thầu Đèo Cả huy động đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân làm việc 24/24h.

Việc đào hầm được triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, theo đó mỗi bước gương có chiều dài khoảng 3m được đào xong thì đội ngũ kỹ sư gia cố lại tiếp cận để thi công hệ thống vòm và lắp lưới phun bê tông bảo vệ vòm hầm.

Theo hợp đồng ký kết giữa Ban QLDA2 và nhà thầu, hầm số 3 sẽ hoàn thành sau 42 tháng thi công và nhà thầu đang nỗ lực để về đích vượt tiến độ ký kết.

Ngoài hệ thống máy khoan, đội thiết bị máy đào, máy xúc và xe tải được huy động đến công trường để vận chuyển đá sau khi khoan đưa ra bên ngoài để tạo mặt bằng giúp quá trình thi công thuận lợi.

Toàn bộ đá thu được trong quá trình thi công hầm sẽ được nhà thầu tận dụng để thực hiện công tác bê tông xi măng và đắp nền đường.

Được biết, cùng với 3 hầm xuyên núi, dự án còn xây dựng 77 cầu, 586 cống và 81 hầm chui dân sinh, trong đó lớn nhất là cầu bắc qua sông Vệ có chiều dài 610m. Đến nay, đã triển khai thi công 58/77 cầu, đắp hơn 3,3 triệu m3 đất đắp nền đường. Riêng cầu Sông Vệ đã hoàn thành lao lắp 10/15 nhịp cầu. Sản lượng thực hiện toàn dự án đạt khoảng 22% tổng khối lượng.

Lê Đức

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/duc-da-khoan-nui-thi-cong-ham-cap-dac-biet-tren-cao-toc-bac-nam-192240419190244059.htm