Đùa với… thần chết!

Đã có nhiều cảnh báo, thậm chí là bài học đánh đổi bằng chính mạng sống. Nhưng vì một phần mưu sinh, phần vì xem thường tính mạng và cả trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc quản lý bảo vệ nên động vật hoang dã nói chung, loài rắn nói riêng hiện nay đang bị săn bắt một cách quá mức, thậm chí có những loài nằm trong sách đỏ, nguy cấp.

Bỏ mạng vì nhầm… hổ chúa!

Dù hơn 4 tháng trôi qua, kể từ khi anh NVH bị rắn cắn chết, người dân ở thôn Phú Thắng, xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc vẫn còn tiếc nuối cho sự ra đi của anh, khi để lại vợ và 2 con nhỏ, trong khi gia cảnh gia đình hết sức khó khăn. Anh H làm công nhân thi công cho một công trình lớn ở xã Đông Giang. Theo một số người chứng kiến kể lại, đầu tháng 4/2023, khi công ty đang thi công công trình, thì anh H phát hiện một con rắn nằm trong lùm bụi lòi đuôi ra ngoài. Tưởng là rắn hổ trâu, một loại rắn không có nọc độc, mà anh vẫn thường hay bắt trong khi làm thanh long ở nhà nên anh đã dùng tay chụp bắt. Tuy nhiên con rắn khá to và dài, khi anh H tuốt từ đuôi về phía trước để nắm đầu không hết sải tay, đã bị con rắn phản xạ quay lại cắn anh một nhát vào vùng vai. Khi bắt được con rắn dài khoảng 3m, nặng hơn 4kg cho vào bao, biết là trúng rắn hổ cực độc, anh H đã vội nhờ mọi người chở về để cấp cứu. Nhưng do vị trí rắn cắn quá hiểm, nọc độc phát tán nhanh nên anh H tử vong ngay sau đó.

Con rắn cạp nia, loài rắn cực độc bị dính bẫy được các đối tượng bắt trên trang H.D.B.T.

Theo một số người có kinh nghiệm về rắn, thì con rắn cắn chết anh H, có thể là loài rắn hổ chúa vàng, có đuôi khá giống với rắn hổ trâu nên nhiều người bắt rắn rất dễ lầm tưởng dẫn đến chủ quan. Có người bắt nhằm may mắn không bị rắn cắn, nhưng có người không may bị cắn thì khả năng tử vong rất cao, vì đây là loài rắn cực độc.

Kinh nghiệm của một số người sống bằng nghề săn bắt rắn cho thấy, ở quê gặp rắn ban đêm thường đa số là rắn độc, rắn xế chiều thường là rắn cực độc. Còn rắn ban ngày phần lớn là rắn lành vô hại. Mặc dù thế, nếu gặp rắn thì nên tránh xa là tốt nhất. Không có loài rắn nào tấn công con người cả và rắn cũng không thích đối đầu. Nhưng nếu mình cố bắt nó hay chẳng may tác động đến chúng như đạp, đụng thì theo bản năng tự vệ, nó sẽ phản xạ bằng cách phòng thủ và tấn công cắn lại.

Một loại rắn hổ được bắt để ngâm rượu được quảng bá trên trang Facebook H.D.B.T.

Công khai săn bắt rắn độc

Nhiều loài rắn có nọc độc nguy hiểm là vậy, nhưng vì mưu sinh nhiều người bất chấp cả tính mạng để săn bắt. Hơn thế họ còn mong gặp những loài rắn hổ quý hiếm, rắn có nọc càng độc thì giá thành càng cao để bắt. Hơn thế có người còn lập cả kênh Facebook, Youtuber riêng để đăng tải những trải nghiệm được ghi lại qua hoạt động săn, bắt, đặt bẫy rắn để đăng tải lên mạng xã hội, như một cách để thu hút quảng cáo, nhận thù lao từ các kênh này.

Trứng rắn hổ chúa được săn tìm trên trang H.D.B.T

Điển hình tại Bình Thuận nổi tiếng có kênh Facebook “H.D.B.T” được cho của một thanh niên ở thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình. Kênh này được nam thanh niên cùng các đồng nghiệp hoạt động bằng nghề đặt bẫy rắn duy trì hoạt động, với lượt người theo dõi lên đến hàng ngàn người. Không chỉ những loài thông thường như rắn nước, rắn ri voi, rắn lãi, hổ trâu, hổ ngựa... Những loài rắn cực độc như hổ mèo, cạp nia, các loài rắn hổ khác… khi dính bẫy đều được ghi hình như một chiến tích sau đó đăng tải lên mạng xã hội. Ngoài ra những người này còn sử dụng các loại rắn hổ săn bắt được ngâm rượu và quảng bá bán công khai trên trang. Theo chúng tôi, những hình ảnh như “đùa với thần chết” khi bắt rắn thiếu dụng cụ bảo hộ hay đùa nghịch với rắn được đăng tải sẽ rất nguy hiểm, nhất là về yếu tố giáo dục sự nguy hiểm về rắn đối với trẻ em - đối tượng còn thiếu kinh nghiệm, hiểu biết về rắn rất dễ bắt chước làm theo mỗi khi gặp rắn. Hơn thế, đây còn là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng điều đáng nói là được mọi người trong kênh theo dõi rất thích thú và cổ vũ cho hoạt động săn bắt động vật hoang dã này.

Coi chừng vướng lao lý

Theo đại diện Phòng Thanh tra Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Mọi hành vi săn bắt rắn nói riêng, động vật hoang dã nói chung đều bị nghiêm cấm, trừ khi cơ quan chức năng cho phép. Về nguồn gốc tất cả các loài rắn hiện nay đều được nuôi với điều kiện phải có nguồn gốc hợp pháp. Đối với các loài nguy cấp quý hiếm, Chi cục kiểm lâm sẽ cấp mã trại trong việc nuôi nhốt. Riêng quy định xử lý, chế tài xử lý về hành vi săn bắn, vi phạm đến động vật hoang dã hiện đang xử lý theo Nghị định 35 của Chính phủ với nhiều quy định xử lý phạt hành chính ở mức rất nặng và kể cả hình sự. “Cấm không săn bắt động vật hoang dã ngoài mục đích bảo tồn thì còn có yếu tố giúp cân bằng sinh thái trong tự nhiên. Qua dư luận phản ánh, chúng tôi sẽ chuyển thông tin để đơn vị phụ trách địa bàn kiểm tra, xử lý”, đại diện Phòng Thanh tra Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh nói thêm khi tiếp nhận thông tin từ bạn đọc phản ánh đến Báo Bình Thuận.

Hẳn mọi người còn nhớ cách đây chưa lâu, Tòa án huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ tuyên phạt bà LTP (trú tại TP. Hà Nội) số tiền 500 triệu đồng về hành vi buôn bán trái phép 1 cá thể rắn hổ mang chúa. Trước đó, P đi xem bói và nghe lời thầy “phán” rằng phải nuôi rắn hổ chúa thì chồng mới “nghe lời” mình. Sau đó P lên mạng xã hội Facebook để tìm mua 1 con rắn hổ chúa với giá 10 triệu đồng. Tuy nhiên, lo sợ rắn tấn công gây nguy hiểm, đã quyết định bán cá thể rắn này. Sau khi rao bán trên Facebook và tìm được người mua lại với giá 31 triệu đồng, P nhờ Đ bắt giết và ngâm rượu. Trên đường vận chuyển cá thể rắn ngâm rượu tới địa điểm giao hàng, đối tượng đã bị phát hiện và bắt giữ tại địa bàn huyện Lâm Thao. Rắn hổ chúa có tên trong Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép rắn hổ chúa hoặc tàng trữ, buôn bán, vận chuyển trái phép rắn hổ chúa, sản phẩm, bộ phận từ chúng đều là hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Có thể nói hành động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, động vật rừng quý hiếm được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy từng trường hợp mà có các mức xử phạt khác nhau. Hiện nay ngoài mức xử phạt theo quy định của Nghị định 35/2019/NĐ-CP, trong đó có hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt trái phép động vật hoang dã, với mức phạt rất nặng, thì theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi bổ sung năm 2017, đối tượng săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ sẽ bị phạt tiền lên đến 15 tỷ đồng và mức phạt tù cao nhất lên đến 15 năm. Mong rằng qua bài viết này và những thông tin liên quan đến quy định pháp luật, sẽ cần thiết để mọi người nắm bắt, không vi phạm pháp luật để cùng chung tay bảo vệ động vật hoang dã.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/dua-voi-than-chet-111246.html