Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh

Ngày 12/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến lần thứ nhất Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Ủy ban Chỉ đạo quốc gia).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: ANH NGỌC

Tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và 28 điểm cầu của 28 tỉnh, thành phố có biển. Tham dự tại điểm cầu Phú Yên có Giám đốc Sở TN&MT Đặng Ngọc Anh (UBND tỉnh ủy quyền); lãnh đạo các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố ven biển.

Theo Ủy ban Chỉ đạo quốc gia, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 36 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, đến nay đã đạt được một số kết quả. Cả nước hiện có 12 khu bảo tồn biển với tổng diện tích khoảng 206.225ha. Du lịch biển đã có sự phát triển nhanh; kinh tế hàng hải đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáp ứng từng bước nhu cầu vận chuyển. Ngành Thủy sản giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng từ 8,8 tỉ USD năm 2018 lên hơn 10,9 tỉ USD vào năm 2022, đã xuất sang 160 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cả nước hiện có 19 khu kinh tế ven biển, với tổng diện tích khoảng 871.500ha. Đến năm 2022, các khu kinh tế ven biển có 553 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đạt 54,36 tỉ USD; có 1.604 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 1.371.723 tỉ đồng. Công tác bảo đảm an ninh chính trị khu vực ven biển, hải đảo được triển khai quyết liệt; chủ động đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa các âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước; triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương ven biển…

Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người ở một số tỉnh, thành phố ven biển còn thấp. Các hệ sinh thái biển quan trọng ở các khu bảo tồn đang bị suy thoái, thu hẹp; đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản giảm sút, thiếu bền vững. Quy mô kinh tế biển còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế. Phát triển khoa học và công nghệ biển chưa được quan tâm đúng mức, đầu tư chưa thích đáng…

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Phú Yên. Ảnh: ANH NGỌC

Tại Phú Yên, kinh tế biển luôn được tỉnh quan tâm, chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng ngành dịch vụ, du lịch biển trên cơ sở bảo tồn, phát huy tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025 thực hiện 41 đề án, dự án, nhiệm vụ thuộc 6 lĩnh vực trọng tâm, cấp bách về phát triển kinh tế biển. Tỉnh có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển là đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trung ương và địa phương ven biển đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững kinh tế biển; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, phát triển bền vững kinh tế biển. Bố trí nguồn lực, tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo tại các địa phương có biển. Huy động các nguồn lực, tiếp tục đầu tư, kết nối phát triển kinh tế biển giữa các vùng, địa phương. Chú trọng bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái biển, đảo; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải ảnh hưởng đến môi trường. Các địa phương có biển, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển.

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/315301/dua-viet-nam-tro-thanh-quoc-gia-bien-manh.html