Đưa vào khai thác và sử dụng 'Không gian tư liệu Tây Nguyên' tại Đà Lạt

'Không gian tư liệu Tây Nguyên' gồm khối tài liệu phong phú trên nhiều lĩnh vực, như khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, công nghệ… với hơn 1.300 tài liệu truyền thống và hơn 3.000 tài liệu điện tử.

Thực hiện nghi thức khai trương "Không gian tư liệu Tây Nguyên" tại Trường đại học Đà Lạt.

Thực hiện nghi thức khai trương "Không gian tư liệu Tây Nguyên" tại Trường đại học Đà Lạt.

Chiều tối 20/10, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Trường đại học Đà Lạt chính thức khai trương, đưa vào khai thác và sử dụng “Không gian tư liệu Tây Nguyên”.

Bước đầu, “Không gian tư liệu Tây Nguyên” đã tập hợp được những tài liệu và công trình khoa học liên quan đến Tây Nguyên của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Tài liệu được lựa chọn là các ấn phẩm có giá trị, tích hợp nguồn tư liệu phong phú trên nhiều lĩnh vực, như khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, công nghệ..., với hơn 1.300 tài liệu truyền thống và hơn 3.000 tài liệu điện tử, gồm các loại hình, như sách, luận văn, luận án, kết quả nghiên cứu… và một số hiện vật về vùng đất và con người Tây Nguyên.

Hiệu trưởng Trường đại học Đà Lạt (bìa phải) giới thiệu với đại biểu về "Không gian tư liệu Tây Nguyên".

Hiệu trưởng Trường đại học Đà Lạt (bìa phải) giới thiệu với đại biểu về "Không gian tư liệu Tây Nguyên".

Phát biểu ý kiến tại lễ khai trương, Tiến sĩ Lê Minh Chiến, Hiệu trưởng Trường đại học Đà Lạt khẳng định, bộ sưu tập tài liệu về Tây Nguyên tại “Không gian tư liệu Tây Nguyên” là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên của nhà trường trong học tập, nghiên cứu khoa học.

Đồng thời, là bước đi quan trọng trong thực hiện hóa mục tiêu xây dựng Trường Đại học Đà Lạt là địa chỉ tin cậy hàng đầu trong sưu tầm, kết nối, chia sẻ các tư liệu nghiên cứu có giá trị về vùng đất và con người Tây Nguyên, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của cộng đồng khoa học trong và ngoài nước, cũng như những người yêu quý vùng đất cao nguyên huyền ảo này.

Đại biểu khai thác tài liệu số hóa tại “Không gian tư liệu Tây Nguyên”.

Đại biểu khai thác tài liệu số hóa tại “Không gian tư liệu Tây Nguyên”.

“Không gian tư liệu Tây Nguyên” được đặt tại Trung tâm thông tin-thư viện hiện đại của Trường đại học Đà Lạt. Đây là không gian mở, nhằm kết nối, sẻ chia các tư liệu nghiên cứu, hiện vật có giá trị về vùng đất và con người Tây Nguyên.

Chia sẻ ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Trần Việt Hùng, nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, thành viên Hội đồng Trường đại học Đà Lạt, người truyền đạt ý tưởng xây dựng “Không gian tư liệu Tây Nguyên”, cho rằng, việc hình thành “Không gian tư liệu Tây Nguyên” có ý nghĩa quan trọng, đặt nền móng cho việc hình thành trung tâm, viện nghiên cứu về Tây Nguyên tại Trường đại học Đà Lạt.

Đồng chí Trần Việt Hùng (bên trái) tặng tài liệu về Tây Nguyên để bổ sung bộ sưu tập tại "Không gian tư liệu Tây Nguyên".

Đồng chí Trần Việt Hùng (bên trái) tặng tài liệu về Tây Nguyên để bổ sung bộ sưu tập tại "Không gian tư liệu Tây Nguyên".

Hiện bộ sưu tập còn chưa đầy đủ so với nguồn tư liệu đồ sộ về Tây Nguyên của các học giả trong và ngoài nước. Đồng chí mong muốn, nhà trường kết nối với các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan quản lý và các học giả, nhà sưu tầm… để bổ sung, làm phong phú nguồn tư liệu; quan tâm nguồn tư liệu số hóa, phục vụ đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước tham khảo.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dua-vao-khai-thac-va-su-dung-khong-gian-tu-lieu-tay-nguyen-tai-da-lat-post778690.html