Đưa tranh cá vàng của họa sĩ 'vẽ tiền' vào sản phẩm sơn mài

Các nhà sáng tạo trẻ đưa bức tranh cá vàng nổi tiếng 'Ngư tảo' của họa sĩ Nguyễn Huyến vào sản phẩm sơn mài.

Là một trong những họa sĩ học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khoảng năm 1932 – 1936), nhắc đến Nguyễn Huyến là nhớ đến tài hoa của ông khi tham gia vẽ tờ tiền 100 đồng "con trâu xanh". Lúc phát hành, 100 đồng "tiền cụ Hồ" bằng 100 đồng bạc Đông Dương, có giá trị 2700g bạc.

Ông cũng nổi tiếng với bút pháp tài hoa, hội họa Nguyễn Huyến mang tính chất hàn lâm châu Âu kết hợp với chất liệu Việt Nam truyền thống mang lại trải nghiệm rất khác lạ với người xem.

Trong các tác phẩm sơn mài của ông, sự kết hợp truyền thống và hiện đại được thể hiện rõ ở kỹ thuật và chủ đề sáng tác.

Bức tranh 'Ngư tảo' của họa sĩ Nguyễn Huyến.

Bức tranh 'Ngư tảo' của họa sĩ Nguyễn Huyến.

Ông có một kỹ thuật toát tranh điêu luyện, ít người làm được, thể hiện rõ nhất trong loạt tranh cá vàng. Tranh cá Nguyễn Huyến đưa người xem đến một thủy cung với những lớp nước bồng bềnh chân thực. Họa phẩm Ngư tảo của Nguyễn Huyến là một trong những nguồn cảm hứng cho BST Tết 2024 của các nhà sáng tạo trẻ thuộc dự án MnS.

Ngư tảo được họa sĩ Nguyễn Huyến sáng tác vào năm 1975, khi ông 60 tuổi. Thoạt nhìn tạo hình của bốn con cá vàng cùng vài nhánh rong rêu trang trí giống như những bức tranh khác, thế nhưng Nguyễn Huyến đã sử dụng "xung lực" của đường nhịp trong tạo hình, để người xem nắm bắt nhịp lượn nhanh, mạnh chứ không nhẹ nhàng, yểu điệu.

Ngoài ra, việc sử dụng các đốm xà cừ dưới nền tác phẩm cho thấy sự khác biệt về mặt tạo chất của Nguyễn Huyến. Ông lót vàng xuống dưới tạo hình thân cá, phủ sơn lên rồi mài theo chủ ý tạo khối chứ không dùng nét bút đi màu để tạo đậm nhạt và sáng tối.

Chọn Ngư tảo cho các thiết kế chủ đạo dành cho dịp Tết của người Việt, BST này thể hiện hy vọng về một năm mới tràn đầy năng lượng, mạnh mẽ, cùng sự an khang, thịnh vượng, may mắn, tài lộc, giống như ý nghĩa biểu tượng của cá vàng. Các nhà sáng tạo trẻ mong muốn truyền tải thông điệp về sự "kế thừa và phát triển văn hóa Việt".

BST là sự kết hợp của nghệ thuật hội họa Việt Nam, với họa phẩm Ngư tảo của họa sĩ Nguyễn Huyến cùng chất liệu sơn mài truyền thống của làng nghề Hạ Thái.

Đưa những tác phẩm thủ công thành sản phẩm thương mại gần gũi với cuộc sống hiện đại, đạt chất lượng cao và ổn định, dưới sự giám sát chặt chẽ và công nghệ chế tạo tiên tiến là cách mà các nhà sáng tạo trẻ thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/buc-tranh-ca-vang-noi-tieng-ngu-tao-cua-hoa-si-nguyen-huyen-san-pham-son-mai-2234377.html