Đưa thương hiệu Việt ra thế giới, Masan Consumer hướng đến 10 – 20% doanh thu từ thị trường toàn cầu

Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã ck: MSN) và hai công ty thành viên Masan Consumer (mã ck: MCH), Masan MEATLife (mã ck: MML) đã đồng tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 tại TP. Hồ Chí Minh, với chủ đề 'Consumer of Things – Kết nối vạn nhu cầu'.

WinCommerce hoàn thành tái cơ cấu năm 2023 và đặt mục tiêu đạt lợi nhuận ròng sau thuế là dương vào năm 2025.

Sở hữu 6 thương hiệu tỷ đô là mục tiêu chiến lược

Tại sự kiện, Tổng giám đốc của Masan Consumer Holdings (“MCH”) Trương Công Thắng đã đưa ra chiến lược của Masan Consumer tập trung vào hiện thực hóa tầm nhìn: “Mỗi gia đình Việt Nam, mọi sản phẩm Masan; mỗi gia đình thế giới, ít nhất một sản phẩm Masan”.

Theo CEO Masan Consumer Holdings, MCH đã gây dựng thành công 5 thương hiệu mạnh có doanh thu hàng năm từ 150 triệu đến 250 triệu USD gồm: Kokomi, Omachi, CHIN-SU, Nam Ngư và Wakeup 247, đóng góp vào 80% tổng tăng trưởng doanh thu.

Masan Consumer tăng trưởng với tốc độ gấp 2,2x tốc độ thị trường chung 2 kể từ năm 2017 đến năm 2023.

“Mục tiêu chiến lược của Masan Consumer là sở hữu 6 thương hiệu tỷ USD và đạt 10 – 20% doanh thu từ thị trường toàn cầu, cao cấp hóa sản phẩm và mở rộng phạm vi sản phẩm cho từng thương hiệu, mở rộng thị trường có thể tiếp cận từ 100 triệu người tiêu dùng tại Việt Nam lên 8 tỷ người trên toàn cầu” - ông Trương Công Thắng nhấn mạnh.

Còn bà Đinh Hồng Vân - Giám đốc cấp cao ngành hàng gia vị (Công ty Masan Consumer), đưa ra kế hoạch chi tiết để CHIN-SU trở thành thương hiệu tỷ đô bằng cách cao cấp hóa thương hiệu, mở rộng phạm vi danh mục sản phẩm và thực hiện chiến lược “Go Global”. Phục vụ hơn 30 triệu chén nước mắm mỗi ngày, Masan Consumer, chiếm hơn 65% lượng tiêu thụ nước mắm của Việt Nam.

Bà Nguyễn Trương Kim Phượng - Giám đốc Marketing Cấp cao ngành hàng thực phẩm tiện lợi (Công ty Masan Consumer) chia sẻ, lộ trình để Omachi trở thành thương hiệu tỷ đô bằng cách cao cấp hóa thương hiệu và mở rộng sang thị trường thay thế bữa ăn tại nhà hàng (“Restaurant meal replacement” hay “RMR”).

Omachi đã cao cấp hóa trải nghiệm mì ăn liền từ món ăn mang tính chất “thời điểm khó khăn” thành bữa ăn ngon, bổ dưỡng và thoải mái. Điều này giúp tăng định giá cao các sản phẩm.

Từ năm 2017 đến năm 2023, Omachi đã tăng gấp đôi số lượng bữa ăn phục vụ lên 544 triệu mỗi năm, thể hiện sức hấp dẫn đặc biệt đối với người tiêu dùng về trải nghiệm cao cấp. Omachi kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi bữa ăn phục vụ và giá trị trên mỗi khẩu phần ăn trong tương lai.

Omachi đặt mục tiêu mở rộng thị trường mục tiêu 3 từ 1 tỷ USD của ngành hàng mì ăn liền lên 17 tỷ USD của ngành hàng thay thế bữa ăn tại nhà hàng (RMR) với việc ra mắt lẩu tự sôi, cơm tự chín Omachi tại sự kiện.

Tổng giám đốc của Masan Consumer Holdings (“MCH”) Trương Công Thắng trình bày kế hoạch tại sự kiện

Hướng đến doanh thu 90.000 tỷ đồng

Trong khuôn khổ của đại hội đồng cổ đông, Tổng giám đốc của WinCommerce Nguyễn Thị Phương cho hay, WCM đã hoàn thành giai đoạn tái cơ cấu trong năm 2023, giúp mang đến những cải thiện đáng kể về hiệu quả tài chính với doanh thu tăng lên 7.957 tỷ đồng, đánh dấu mức tăng trưởng 9% trong quý I/2024 so với cùng kỳ năm ngoái.

WCM đặt mục tiêu có hơn 4.000 cửa hàng cuối năm nay (với 90% số siêu thị mini đạt mức hòa vốn ở cửa hàng). Công ty kỳ vọng việc tăng lượng người dùng hoạt động sẽ tăng doanh thu thêm 1 tỷ USD và có lãi ròng vào năm 2025.

Với Supra, nền tảng logisticis nội địa đã tiếp quản mảng hậu cần cho WCM với 8 kho tổng hàng khô và 8 kho tổng thực phẩm tươi sống. Điều này giúp tăng đáng kể về lượng hàng được thông qua các trung tâm phân phối từ dưới 30% lên 60%.

Về chỉ tiêu tài chính, trong năm 2024, Tập đoàn Masan đặt kế hoạch doanh thu từ 84.000 đến 90.000 tỷ đồng (tăng trưởng từ 7% đến 15%), lợi nhuận sau thuế dự kiến từ 2.250 – 4.020 tỷ đồng (tăng trưởng từ 15,4% đến 106,2%).

Về định hướng kinh doanh, Tập đoàn Masan tập trung vào các trụ cột chiến lược khi tiếp tục tập trung tăng trưởng lợi nhuận của các công ty thuộc mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi.

Masan Consumer (MCH) sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng doanh thu hai con số, đồng thời duy trì mức lợi nhuận cao để nâng tổng lợi nhuận của Tập đoàn Masan; tại WinCommerce (WCM), đơn vị này tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận bằng cách thúc đẩy tăng trưởng LFL (Phúc Long Heritage) và cải thiện hơn nữa biên lợi nhuận gộp thông qua việc đẩy mạnh chiến lược nhãn hàng riêng, tối ưu hóa chi phí logistics và giảm hao hụt hàng hóa.

Ngoài ra, chương trình hội viên WIN giúp tạo giá trị cho hệ sinh thái của Masan và các nhãn hàng đối tác; tập đoàn tiếp tục giảm đòn bẩy tài chính để cải thiện bảng cân đối kế toán; giảm sở hữu tại các mảng kinh doanh không cốt lõi trong khi vẫn duy trì chiến lược phân bổ vốn thận trọng.

Ngoài ra, nhằm ghi nhận đóp góp của người lao động cho Tập đoàn Masan và các công ty con, Tập đoàn Masan cũng đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với tỷ lệ tối đa 0,5% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ khi phát hành, giá phát hành dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu và triển khai trong năm 2024 hoặc 4 tháng đầu năm 2025.

Về kế hoạch huy động vốn, tại đại hội, Tập đoàn Masan cũng thông qua kế hoạch phát hành tối đa 10% tổng số lượng cổ phần đang lưu hành cho không quá 99 nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chuyên nghiệp, triển khai trong năm 2024 hoặc cho đến trước Đại hội đồng cổ đông năm 2025.

Kỳ Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dua-thuong-hieu-viet-ra-the-gioi-masan-consumer-huong-den-10-20-doanh-thu-tu-thi-truong-toan-cau-149656.html