Đưa rau màu, dưa lưới vào trồng trong nhà màng, nông dân Bình Dương không sợ thời tiết, cũng chẳng lo 'được mùa mất giá'

Phú Giáo là địa phương thế mạnh về phát triển nông nghiệp ở Bình Dương, với loạt sản phẩm nổi tiếng như dưa lưới, cam, bưởi, chanh không hạt… Huyện cũng đang là điểm sáng về sản xuất theo hướng an toàn sinh thái gắn với công nghệ cao.

Với tổng diện tích canh tác trên 200 ha, HTX Nông nghiệp Tam Lập ở ấp Gia Biện, xã Tam Lập đang phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong chăn nuôi như heo, bò, gà, cá và các loại ăn trái như cam, chanh, bưởi, chuối, tiêu, cùng với hệ thống nhà lưới trồng các loại rau củ ngắn ngày khác.

HTX làm nông nghiệp hiện đại

Mỗi ngày, HTX Tam Lập thu hoạch khoảng 50 loại rau củ quả để bán ra thị trường. Sản lượng bưởi đạt hơn 10 tấn/ha, chanh không hạt đạt hơn 50 tấn/ha, chuối đạt hơn 15 tấn/ha.

Ông Nguyễn Chiến, Giám đốc HTX, cho biết các loại cây ăn trái đều được đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được theo dõi kỹ lưỡng trong tất cả các khâu, từ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến khâu thu hoạch nông sản.

“Nhờ sản xuất sạch, nông sản được cung cấp ra thị trường bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng giá trị hàng hóa. Qua đó đóng góp tích cực vào sự gia tăng của ngành nông nghiệp địa phương và góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân tại khu vực nông thôn”, ông Chiến chia sẻ

Ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân Bình Dương nâng cao giá trị sản xuất (Ảnh: Thế Vinh).

Cùng với HTX Nông nghiệp Tam Lập, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long ở ấp Cà Na, xã An Bình cũng được đánh giá là một trong những HTX nông nghiệp điển hình trên địa bàn huyện Phú Giáo, mang lại doanh thu bạc tỷ mỗi năm nhờ sản xuất công nghệ cao.

Cán bộ kỹ thuật của HTX cho hay, thời gian qua, 100% dưa lưới của HTX được trồng bằng cách áp dụng công nghệ cao, trong nhà màng theo công nghệ Israel. Thế mạnh của HTX là kỹ thuật canh tác giúp giảm giá thành và tạo ra chất lượng dưa lưới đồng đều.

Nhờ sản xuất thông minh, dưa lưới của HTX đạt sản lượng trung bình khoảng 1.500 tấn/năm, với doanh thu khoảng 45 tỷ đồng. Dưa lưới của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long đang phân phối vào các hệ thống siêu thị lớn trong Nam cũng như ngoài Bắc.

Thúc đẩy nông nghiệp sinh thái

Đến nay, sau hơn 6 năm hoạt động và phát triển, HTX Kim Long đã có diện tích nhà màng nông nghiệp canh tác dưa lưới khoảng 20ha. Hàng năm, HTX cung cấp cho thị trường từ 1.500-1.800 tấn sản phẩm.

Sản phẩm của HTX đạt chất lượng OCOP 3 sao và Global GAP với hệ thống phân phối đa kênh gồm chợ đầu mối, các đại lý bán sỉ ở nhiều tỉnh, thành, đặc biệt các tỉnh, thành có phát triển du lịch. Song song đó là 4 hệ thống siêu thị lớn gồm: Bách hóa xanh, MM Mega, Go, CoopMart và các kênh bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như Vỏ sò, Sendo, Postmart…

Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX chia sẻ, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sản lượng tăng khoảng 30%, chi phí sản xuất giảm 20%. Hiện, HTX có 45 thành viên và 30 lao động, vị thế trên thương trường ngày càng được nâng lên.

Đáng chú ý, trên nền tảng sản xuất hiện đại, tạo ra môi trường xanh, sạch, thẩm mỹ cao, không ít HTX, nông dân trên địa bàn huyện Phú Giáo đã chủ động xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm, qua đó nâng cao giá trị sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.

Nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững (Ảnh: Thế Vinh).

Điển hình như HTX Nông nghiệp Bình Dương, xã Phước Sang, được thành lập từ năm 2015, hiện thành công với việc thuần hóa giống cây mới na dứa Đài Loan, vú sữa Hoàng Kim thành sản phẩm đặc trưng.

Đến nay, các sản phẩm của HTX đều đã được gắn sao OCOP, với tiêu chuẩn vượt trội, được lòng người tiêu dùng khắp cả nước. Bên cạnh liên tục nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, HTX đang đẩy mạnh các hoạt động thăm quan, trải nghiệm làm nông nghiệp cho du khách.

Ông Lê Văn Thuận, thành viên HTX Nông nghiệp Bình Dương, chia sẻ: “HTX phát triển sản phẩm chuỗi du lịch nông nghiệp công nghệ cao để thu hút du khách đến tham quan mô hình trồng na dứa Đài Loan, vú sữa Hoàng Kim. Qua đó, giúp quảng bá và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất”.

Không chỉ là hiện tượng cục bộ, nhằm phát huy thế mạnh sản phẩm nông nghiệp, ngành nông nghiệp huyện Phú Giáo đang hướng đến phát triển du lịch OCOP, tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm thực tế quy trình sản xuất và thưởng thức những sản phẩm OCOP chất lượng.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, huyện chủ trương xây dựng sản phẩm theo hướng mũi nhọn, khuyến khích đưa các giá trị văn hóa, đặc thù của huyện vào các sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá phát triển thị trường, hỗ trợ kết nối cung cầu, hệ thống phân phối...

Tiếp tục phát huy thế mạnh

Bên cạnh những cái tên nổi bật như trên, trên địa bàn huyện Phú Giáo hiện còn có hang loạt HTX điểm như HTX Nông nghiệp Phước Thành (thị trấn Phước Vĩnh), HTX Nông nghiệp ổi Thanh Kiên (xã Phước Hòa), HTX Nông nghiệp và dịch vụ Bông Trang (xã Phước Hòa),…

Các HTX đều đang chú trọng xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), tạo động lực cho người dân thi đua phát triển sản xuất, tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Đáng chú ý, không chỉ trong các HTX, phát triển sản xuất thông minh gắn với an toàn sinh thái đang là định hướng chung của ngành nông nghiệp huyện Phú Giáo. Vì vậy, thời gian qua, huyện đã quan tâm, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây được coi là khâu then chốt để tạo bước đột phá, là nền tảng của nền nông nghiệp đô thị hiện đại và bền vững.

Đến nay, huyện Phú Giáo có 547 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích gần 1.200 ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 600 triệu đồng/ha/năm, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Để tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn bảo đảm đúng định hướng về ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái, trong giai đoạn tới, huyện Phú Giáo chủ trương đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng khuyến khích chăn nuôi.

Đồng thời, huyện cũng sẽ quan tâm đến triển khai các ứng dụng truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và xây dựng mã vùng trồng trên địa bàn; đẩy mạnh việc liên kết giữa “4 nhà”, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/dua-rau-mau-dua-luoi-vao-trong-trong-nha-mang-nong-dan-binh-duong-khong-so-thoi-tiet-cung-chang-lo-duoc-mua-mat-gia-1098406.html