Đưa pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào cuộc sống

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật giúp người tiêu dùng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh… nâng cao nhận thức, hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong giao dịch thương mại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thị Nguyên Thảo và Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thanh Tuấn tham quan khu trưng bày sản phẩm trong chương trình trưng bày sản phẩm đặc trưng của tỉnh do Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh phối hợp với Sở Công Thương tổ chức trong năm 2023. Ảnh: KHANG ANH

Phóng viên Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh (Hội) về những vấn đề liên quan.

* Những hoạt động nổi bật liên quan đến người tiêu dùng mà Hội đã triển khai trong thời gian qua là gì, thưa bà?

- Hằng năm, Ban Chấp hành Hội tập trung nghiên cứu, tham gia đóng góp các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường tổ chức các hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng tiêu dùng.

Hội cũng đã phối hợp với Sở Công Thương tổ chức chuỗi hoạt động hưởng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3); quan tâm đến người tiêu dùng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, phụ nữ, học sinh, sinh viên, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Đồng thời kết hợp tuyên truyền hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng.

5 năm gần đây, Hội đã phát hành 100.000 tờ rơi, 270 pano cố định tuyên truyền về quyền của người tiêu dùng, đăng tải thông tin, khuyến cáo tiêu dùng, tuyên truyền về an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng tại các chợ hạng 1, 2, 3 trên địa bàn tỉnh; treo 320 băng rôn tuyên truyền về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Hội phối hợp với Sở Công Thương, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức 98 lớp tập huấn, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tư vấn tiêu dùng, hướng dẫn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giới thiệu sản phẩm đặc trưng, chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh… đến với người tiêu dùng tại các địa phương.

Bà Tô Thị Hòa

* Thưa bà, việc tuyên truyền về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay được trung ương, địa phương, các cấp hội triển khai với chủ đề, nội dung gì? Và mục tiêu của các hoạt động mà Hội hướng đến là gì?

- Chủ đề cho Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 là “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”. Các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng ngày này cũng sẽ được kết hợp, lồng ghép với các hoạt động của Kế hoạch 149/KH-UBND ngày 5/8/2019 của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Kế hoạch 206/KH-UBND ngày 22/9/2023 của UBND tỉnh tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Mục đích là khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước; góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh; nâng cao trách nhiệm, khuyến khích sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan, các tổ chức xã hội, tổ chức, cá nhân kinh doanh tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Năm nay, Hội phối hợp với Sở Công Thương, các sở, ban ngành, tổ chức đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố, cộng đồng doanh nghiệp tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam theo đúng chủ đề do Bộ Công Thương đưa ra.

Theo đó, Hội sẽ phối hợp với Sở Công Thương tổ chức lễ phát động, diễu hành hưởng ứng trong ngày 15/3 tại TP Tuy Hòa; tuyên truyền về ý nghĩa của ngày 15/3, quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; đồng thời khuyến cáo, tư vấn tiêu dùng, giới thiệu sản phẩm của tỉnh đến với đông đảo người dân.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức các hoạt động khuyến mại, giảm giá, tri ân khách hàng; treo băng rôn, ký cam kết với người tiêu dùng…

Thông qua những hoạt động này, Hội tin tưởng người tiêu dùng sẽ ngày càng nâng cao nhận thức, hiểu về pháp luật, quyền và nghĩa vụ của mình để tự bảo vệ lợi ích chính đáng, nhất là trước những tiêu cực của đời sống, thị trường.

* Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới đã được thông qua. Nội dung luật mới có những thay đổi hay những vấn đề gì cần lưu ý, thưa bà?

- Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới đã được Quốc hội biểu quyết thông qua vào tháng 6/2023. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có một số quy định mới liên quan đến đối tượng áp dụng, hành vi bị cấm, phương thức giải quyết tranh chấp...

Cụ thể, người tiêu dùng có 11 quyền: Quyền được bảo đảm an toàn, quyền được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch; quyền được lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; được góp ý với tổ chức, cá nhân kinh doanh; được tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; được khiếu nại, tố cáo…

Đi đôi với 11 quyền, người tiêu dùng còn có 6 nghĩa vụ: Kiểm tra sản phẩm, hàng hóa trước khi nhận theo quy định của pháp luật; lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tiêu dùng không vi phạm pháp luật, không trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không xâm phạm đến lợi ích quốc gia; tuân thủ điều kiện, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; thông tin kịp thời, chính xác cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn…

* Theo bà, người tiêu dùng hiện nay cần phải làm gì và Hội có những khuyến cáo gì để bảo vệ lợi ích cho chính người tiêu dùng?

- Luật đã có nhưng thực tế trong hoạt động mua bán hàng hóa tại các chợ, cửa hàng và việc cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp hiện nay, tình trạng quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm đang diễn ra hết sức tinh vi, phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng nhưng chưa được xử lý triệt để.

Để đảm bảo quyền lợi cũng như an toàn khi mua sắm, sử dụng hàng hóa dịch vụ, người tiêu dùng hãy lựa chọn hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng đáng tin cậy; chọn hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có nhãn hiệu, sản xuất trong nước và được nhiều người tiêu dùng biết đến; đọc kỹ thông tin, hướng dẫn, bảo quản khi sử dụng.

Nếu mua sắm trực tuyến, người dân chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương; phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, thông tin về người bán…

Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình trong việc sản xuất sản phẩm, cung cấp hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

Hội sẽ tiếp tục vận động, phát triển hội viên tập thể tại các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các đơn vị triển khai, thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới và sớm đưa luật đi vào cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

* Xin cảm ơn bà!

KHANG ANH (thc hin)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/314261/dua-phap-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-vao-cuoc-song.html