Đưa nông sản vùng cao vươn ra thế giới

Mới đây, một số sản phẩm nông sản của Lào Cai sau chế biến, trong đó có chè hữu cơ ở xã Bản Liền, huyện Bắc Hà đã xuất khẩu vào được thị trường châu Âu và châu Mỹ. Điều đó khẳng định giá trị thương hiệu nông sản của Lào Cai đã và đang có nhiều triển vọng mới.

Sản phẩm quế hữu cơ của đồng bào các dân tộc ở huyện vùng cao Bắc Hà. Ảnh: Kiều Lê

Thời điểm năm 2019, tin vui đến với vùng canh tác chè sạch của đồng bào Tày ở xã Bản Liền khi sản phẩm chè hữu cơ nơi đây đã được Hội đồng Trung ương Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên của tỉnh Lào Cai. Chè hữu cơ Bản Liền cũng là đại diện cho mặt hàng nông sản của Lào Cai có trong danh mục xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản...

Như vậy, sau 15 năm Hợp tác xã chè Bản Liền được thành lập, bằng hướng đi đúng theo lộ trình sản xuất organic, sản phẩm chè hữu cơ của người dân Bản Liền đã khẳng định thương hiệu khi phát huy được hiệu quả của giá trị hàng hóa từ cây chè. Từ hơn 100 thành viên ban đầu, đến nay, nơi đây đã có 310 hộ liên kết trồng chè và bán chè búp tươi đạt tiêu chuẩn chè hữu cơ cho Hợp tác xã chè Bản Liền.

Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: Ngành nông nghiệp đã và đang đẩy mạnh thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn hữu cơ, phục vụ xuất khẩu, nhằm hướng tới mục tiêu then chốt đưa nông sản Lào Cai vươn ra thế giới. Do đó, chúng tôi đã tăng cường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết với nông dân, thực hành tốt quy trình sản xuất hữu cơ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định trong sản xuất hữu cơ để sản phẩm đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Ông Phạm Quang Thận, Giám đốc Hợp tác xã chè Bản Liền cho biết: Hiện nay, 90% sản lượng chè được sản xuất tại Hợp tác xã chè Bản Liền được xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Canada... Trong đó, các sản phẩm chè phổ nhĩ, chè đen, búp hồng, búp trắng có giá bán cao nhất. Trong 3 năm qua, sản lượng xuất khẩu của chè Bản Liền tăng trung bình 10-15%/năm. Bình quân mỗi năm, doanh thu từ chế biến và tiêu thụ chè của Bản Liền đạt hàng chục tỷ đồng.

Để “đặt chân” được vào thị trường khó tính châu Âu, sản phẩm chè Bản Liền phải tuân thủ đầy đủ 25 tiêu chuẩn nghiêm ngặt do các tổ chức quốc tế quy định. Sản phẩm chè Bản Liền được canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi hộ trồng chè đều có mã số, sổ sách ghi chép và tuân thủ các quy định về chăm sóc, thu hái, vận hành dây chuyền chế biến và phân loại chè thành phẩm.

Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà khẳng định: Đến nay, xã Bản Liền có khoảng hơn 500ha chè Shan tuyết, trong đó có trên 400ha được công nhận chè hữu cơ. Nhờ có thị trường xuất khẩu ổn định, mỗi năm Hợp tác xã chè Bản Liền thu mua khoảng 400 tấn chè búp tươi. Trung bình mỗi ha chè có thể đem lại lợi nhuận 80 đến 100 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều lần so với các cây trồng truyền thống khác.

Cũng tại Bản Liền, mới đây, sản phẩm xơ mướp của đồng bào Tày đã chính thức được xuất khẩu thử nghiệm sang thị trường Áo. Theo đó, một doanh nghiệp trong nước sau khi khảo sát đã lựa chọn Bản Liền để xuất khẩu xơ mướp nhằm tạo sinh kế cho bà con nơi đây, mặt khác nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị những cây trồng tại địa phương, tạo ra sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường và tích cực hưởng ứng chương trình nói không với sản phẩm nhựa, ni lông. Hiện tại, sản phẩm xơ mướp xuất khẩu của người dân Bản Liền đã bước đầu được thị trường châu Âu đón nhận, làm đồ dùng trong sinh hoạt như bông tắm, đồ cọ rửa... Đây mới là lô xuất khẩu thử nghiệm nhưng cũng đã mở ra hướng phát triển mới cho người dân vùng cao Lào Cai, nhất là các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Sản phẩm xơ mướp ở Bản Liền đã được xuất khẩu thử nghiệm sang thị trường Áo. Ảnh: Kiều Lê

Theo ông Trịnh Trung, một chủ doanh nghiệp tại Hà Nội, người đã kết nối dự án xuất khẩu xơ mướp cho biết: Trong thời gian tới, sau khi được thị trường châu Âu đón nhận, nếu nhu cầu về sản phẩm xơ mướp tăng cao, chúng tôi sẽ liên kết với bà con Bản Liền tận dụng thế mạnh của cây trồng địa phương, mở rộng vùng nguyên liệu, nhưng vẫn đảm bảo theo hướng đa dạng sinh học, không quy hoạch trồng mướp tập trung mà vẫn đảm bảo được sản lượng để xuất khẩu.

Không chỉ có chè hữu cơ và xơ mướp, với thế mạnh có một vùng trồng quế rộng lớn, sản phẩm quế hữu cơ của Lào Cai cũng đã vươn ra thị trường thế giới thông qua liên kết sản xuất, thu mua chế biến của Hợp tác xã Tâm Hợi (xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng). Chị Tạ Thị Hợi, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Hợi cho biết: Xu hướng sản xuất các sản phẩm nông sản hữu cơ đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để bắt nhịp với thị trường nông sản thế giới. Không chỉ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước, điều này còn giúp sản phẩm nông sản của địa phương tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa thế giới bằng con đường xuất khẩu.

Hợp tác xã Tâm Hợi đang đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ khâu chế biến, chủ động liên kết với người dân ở các huyện có vùng trồng quế lớn trong tỉnh (Bảo Thắng, Bắc Hà, Bảo Yên) xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng quế thương phẩm. Đồng thời, tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt trong khâu chế biến quế hữu cơ. Hiện tại, khoảng 80% sản phẩm quế của hợp tác xã này được đóng hộp xuất khẩu sang thị trường Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan. Các sản phẩm quế bột, quế chẻ, quế sáo thanh, quế sáo vụn, quế ép kiện... dần được các khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, bình quân mỗi tháng tiêu thụ khoảng 190 tấn quế khô các loại.

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có khoảng 2.500 hộ nông dân tham gia chương trình nông nghiệp hữu cơ, tập trung sản xuất một số sản phẩm như: Chè, quế, rau, hoa quả... Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Lào Cai sẽ có khoảng 1,5% trong tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ. Với thế mạnh có nhiều nông sản đặc hữu, ngoài một số sản phẩm nêu trên, các địa phương trong tỉnh cũng đã bắt đầu manh nha triển khai quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thực hành quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGap để hướng tới chế biến phục vụ xuất khẩu.

Kiều Lê

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dua-nong-san-vung-cao-vuon-ra-the-gioi-post452389.html