Đưa nón lá vào trường học

Sáng kiến đưa nón lá vào trường học thông qua giáo dục STEM của cô giáo Trần Thị Minh Tâm, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Gia Thanh, huyện Phù Ninh cùng đồng nghiệp giúp học sinh hiểu biết về di sản văn hóa địa phương, góp phần bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa làng nghề truyền thống, đưa hình ảnh nón lá Việt Nam vươn tầm thế giới.

Sáng kiến nón lá Việt Nam của Trường THCS Gia Thanh, huyện Phù Ninh nhận giải thưởng sáng tạo trong phương pháp giảng dạy của UNESCO.

Cô giáo Trần Thị Minh Tâm dạy môn Ngữ văn, kiêm phụ trách Câu lạc bộ STEM nón lá của trường chia sẻ: “Bài giảng STEM nón lá tập trung vào thay đổi nhận thức việc sử dụng nón và phát triển làng nghề. Về góc độ giáo viên, việc đưa những thứ gần gũi, quen thuộc, thiết thực vào bài giảng vừa tiết kiệm, mở ra những hướng đi mới trong giảng dạy vừa hướng nghiệp cho người học. Học sinh rất hào hứng, say mê với các bài học. Các em được truyền cảm hứng và có thêm các ý tưởng để phát huy, bảo tồn những giá trị di sản của địa phương, tính tương tác thầy cô với học sinh khá nhịp nhàng, hiệu quả”.

Với việc vận dụng STEM nón lá vào giảng dạy, các tiết học trở nên hấp dẫn, sinh động hơn. Học sinh được tìm hiểu quy trình sản xuất nón lá, các thông số đặc trưng của nón lá Việt Nam; tìm hiểu về loại lá cây truyền thống dùng để làm nón, khám phá các phản ứng hóa học khi xử lý lá cây làm nón... Ngoài ra, việc khuyến khích học sinh thảo luận về ý nghĩa văn hóa, xã hội, thời trang và nguyên liệu xanh của chiếc nón lá giúp học sinh mở rộng kiến thức, cởi mở chia sẻ quan điểm, góc nhìn của bản thân.

Đối với môn Toán, thông qua hoạt động thiết kế và thực hành, học sinh áp dụng kiến thức toán học để tính toán kích thước, tỉ lệ, diện tích liên quan đến nón lá, sử dụng nón lá để rút ra kiến thức liên quan đến việc vẽ hình, tưởng tượng, tư duy khám phá hình học và phương pháp tính toán trong toán học. Với môn Mỹ thuật, học sinh thực hành vẽ phong cảnh làng quê trang trí nón, từ đó hình thành cho các em tình yêu quê hương, đất nước. Ở môn Hoạt động giáo dục địa phương, môn Ngữ văn, Lịch sử, các em được tìm hiểu ý nghĩa, nguồn gốc của nón lá ở các làng quê Việt Nam, được tiếp cận ca dao, dân ca, các bài thơ, bài hát có hình ảnh nón lá... Qua đó, thấy được vai trò, ý nghĩa, nguồn gốc và vì sao cần gìn giữ giá trị sản phẩm làng nghề.

Sáng kiến nón lá Việt Nam của Trường THCS Gia Thanh, huyện Phù Ninh nhận giải thưởng sáng tạo trong phương pháp giảng dạy của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO). Trường THCS Gia Thanh đã đưa chiếc nón vào bài giảng môn Toán, môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội lớp 6, lớp 7, môn Ngữ văn, Lịch sử, môn Công nghệ, môn Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật). Trường THCS Gia Thanh cũng là một trong sáu trường học trên thế giới nhận được tài trợ 1.000 USD để thí điểm các bài học sử dụng di sản sống của UNESCO. Cô giáo Trần Thị Minh Tâm còn đưa sản phẩm nón lá vào các đề tài nghiên cứu khoa học; hướng dẫn học sinh vận dụng thành công nội dung nón lá trong Cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp. Với đề tài “Bảo tồn, phát huy giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống nón lá Gia Thanh thông qua hoạt động giáo dục STEM”, em Hán Phương Thảo và Lưu Thị Thanh Hằng, học sinh lớp 8B của Trường THCS Gia Thanh đã đoạt giải Nhì Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2023-2024.

Năm học 2023-2024, nón lá được đưa vào giảng dạy ở hầu hết các bộ môn. Nội dung của các bài học STEM nón lá được xây dựng chặt chẽ, theo chương trình học và liên kết với di sản ở địa phương. Điều này giúp học sinh chủ động hơn trong việc tiếp nhận, ứng dụng kiến thức vào thực tế thông qua các hoạt động học tập cụ thể, đồng thời kích thích khả năng sáng tạo của học sinh. Thầy giáo Ngô Ngọc Thụy- Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Việc đưa nón lá, đưa “di sản sống” vào giảng dạy ở các môn học là giải pháp đổi mới đem lại hiệu quả tích cực, tạo hứng thú, khơi gợi sự say mê, sáng tạo cho người học. Đặc biệt, qua đó góp phần lan tỏa để sản phẩm nón lá truyền thống đến gần hơn với thế hệ trẻ và bạn bè thế giới.

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc/dua-non-la-vao-truong-hoc/207550.htm