Đưa 'nàng thơm' về đồng đất Thái Nguyên

Những nông dân ở Thái Nguyên vẫn thường gọi giống lúa J02 là 'nàng thơm'. Không chỉ có vị dẻo vừa đủ, J02 có hương thơm vừa đến, đậm và ngon cơm. Đặc biệt, giống lúa thuần chất lượng cao này hội tụ đủ rất nhiều ưu điểm như cứng cây, chống chịu thiên tai, hạn hán, sâu bệnh tốt và năng suất khá cao.

Những nông dân ở Thái Nguyên vẫn thường gọi giống lúa J02 là “nàng thơm”. Không chỉ có vị dẻo vừa đủ, J02 có hương thơm vừa đến, đậm và ngon cơm. Đặc biệt, giống lúa thuần chất lượng cao này hội tụ đủ rất nhiều ưu điểm như cứng cây, chống chịu thiên tai, hạn hán, sâu bệnh tốt và năng suất khá cao.

Đây chính là lời lý giải vì sao “nàng thơm” lại chiếm thế “thượng phong” trên đồng đất Thái Nguyên khi chỉ sau 7 năm, diện tích gieo cấy J02 đã chiếm đến 42% diện tích gieo cấy giống lúa thuần chất lượng cao của tỉnh.

Gạo J02 được bày bán ở khắp nơi trong tỉnh. Trong ảnh: Gạo J02 được bày bán tại Nhà đón tiếp, trưng bày ATK - Định Hóa.

Gạo J02 được bày bán ở khắp nơi trong tỉnh. Trong ảnh: Gạo J02 được bày bán tại Nhà đón tiếp, trưng bày ATK - Định Hóa.

Từ chủ trương đúng

Gần chục năm trước, J02 - giống lúa đến từ đất nước Nhật Bản vẫn còn rất xa lạ với những người nông dân ở Thái Nguyên. Cho đến vụ xuân năm 2015, mô hình trồng thử nghiệm 25ha giống lúa thuần chất lượng cao này mới được thực hiện tại xã Bảo Cường và Bình Thành (Định Hóa) với trên 190 hộ dân tham gia.

Mùa thu hoạch năm ấy, J02 đã cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt, đầu ra thuận lợi, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, giá trị kinh tế tăng cao so với các giống lúa vẫn được gieo cấy tại địa phương và được người dân đón nhận.

J02 là giống lúa thuần dòng Japonica có nguồn gốc từ Nhật Bản, được Viện Di truyền nông nghiệp nhập nội và tuyển chọn. Đây là một trong 10 bộ giống có chất lượng tốt nhất hiện nay.

Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nói: Từ thành công của mô hình, khi xây dựng Phương án sản xuất nông nghiệp năm 2016, ngành Nông nghiệp đã tham mưu với tỉnh đưa giống lúa J02 vào cơ cấu giống lúa của tỉnh và nông dân được hỗ trợ giá giống số tiền 30 nghìn đồng/sào. Đặc biệt, để nhân rộng diện tích giống lúa có nhiều ưu điểm này, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép với các hội nghị xóm, xã, huyện; tổ chức các lớp tập huấn cho người dân tham gia, năm 2018, chúng tôi tiếp tục xây dựng mô hình trình diễn tại Đại Từ, Phú Bình, Đồng Hỷ cùng một số địa phương khác và thành công ngoài sự mong đợi.

Chính từ sự “kích cầu” đúng thời điểm nên chỉ trong một thời gian ngắn, “nàng thơm” đã được phủ kín trên đồng đất Định Hóa, Phú Bình, Đại Từ… Dù sang năm 2021, J02 không còn là giống lúa được tỉnh trợ giá giống, nhưng đến hết năm 2022, Thái Nguyên vẫn nhân rộng diện tích gieo cấy giống lúa này lên 8.400ha, chiếm 15% diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh, sản lượng đạt trên 445 nghìn tấn.

Ông Ma Đình Hiểu, một người dân ở xã Bình Thành (Định Hóa), cho hay: Ban đầu, nhiều hộ còn băn khoăn về hiệu quả của giống lúa thuần J02. Tuy nhiên, sự thành công của các mô hình thử nghiệm và trình diễn đã giúp nông dân chúng tôi có cái nhìn đúng đắn về hiệu quả của giống lúa hoàn toàn mới này. Thêm vào đó, sự hỗ trợ giá giống của tỉnh càng khuyến khích chúng tôi nhân rộng diện tích giống lúa J02.

Đến những cánh đồng trĩu hạt

Để được “mục sở thị” những cánh đồng lúa J02 đã bén rễ nơi đồng đất Thái Nguyên, chúng tôi tìm về xóm Phú Nghĩa, Khôi Kỳ (Đại Từ), nơi đang gieo cấy giống lúa thuần chất lượng cao với diện tích khá lớn của tỉnh.

Trong tiết Thu dịu mát, những khóm lúa đang đứng cái làm đòng vươn mình trong sớm mai. Vậy là sau 5 năm đồng hành với người nông dân, “nàng thơm” đã trở thành giống lúa chủ lực trên đồng đất Khôi Kỳ.

Ông Phạm Ngọc Hướng, người đi đầu trong sản xuất giống lúa J02 ở Khôi Kỳ, chia sẻ: Chỉ hơn 1 tháng nữa, khi lúa chín, những cánh đồng này sẽ trĩu hạt, vàng óng, ngắm rất thích mắt. Chúng tôi đã từng rất trăn trở khi vụ nào cũng “một nắng, hai sương” mà hiệu quả thu được từ việc gieo cấy các giống lúa cũ đạt được không cao. Bởi lẽ ấy, năm 2018, J02 được đưa vào đồng đất Khôi Kỳ mang theo bao hy vọng của những người nông dân “chân lấm, tay bùn”. Điều khiến chúng tôi vui nhất là ngay từ vụ đầu tiên, J02 đã khẳng định được tính hiệu quả của nó khi có giá bán lên đến trên 20 nghìn đồng/kg. Sau nhiều nỗ lực và tìm tòi, chúng tôi đã tìm ra hướng sản xuất hàng hóa từ cây lúa. Hiện nay, diện tích gieo cấy J02 lên đến 80ha mỗi năm. Chúng tôi đã thành lập Hợp tác xã Nông sản Khôi Kỳ và đưa gạo J02 đến với thị trường trong, ngoài tỉnh.

Không chỉ riêng Khôi Kỳ, mảnh đất Tân Đức ở quê lúa Phú Bình cũng đã nhân rộng thành công giống lúa J02. Đến nay, toàn bộ cánh đồng mẫu xã Tân Đức đã được phủ kín bởi giống lúa J02.

Với năng suất đạt từ 2 đến 2,2 tạ/sào ở các vụ trước, vụ xuân năm 2023, Tân Đức tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa J02 lên trên 280ha, trong đó có trên 40ha của HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hiền.

Đáng nói, hiện nay, HTX đã có 15ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây cũng chính là sản phẩm gạo đầu tiên của Phú Bình đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ngoài Khôi Kỳ, Tân Đức, một trong những địa phương đi đầu trong gieo cấy giống lúa J02 phải kể đến là xã Kim Phượng (Định Hóa). Đến nay, trong 120ha cấy lúa của xã có đến 90ha cấy giống lúa J02.

Từ đồng đất của Thủ đô gió ngàn, thứ gạo J02 dẻo thơm, đậm đà đã đến với các siêu thị, cửa hàng ở khắp Thái Nguyên và các tỉnh lân cận, mở ra cho người dân Định Hóa nói riêng và Thái Nguyên nói chung hướng sản xuất lúa hàng hóa đầy triển vọng.

Giá của “nàng thơm” trong siêu thị

Người dân trong tỉnh không ngớt lời khen dành cho thứ cơm được nấu từ gạo J02. Vậy giá bán “nàng thơm” trên thị trường như thế nào khiến chúng tôi rất tò mò.

Tìm hiểu, chúng tôi thấy, từ các cửa hàng kinh doanh thực phẩm đến các cửa hàng tự chọn, siêu thị trên phạm vi toàn tỉnh, ở đâu “nàng thơm” cũng được người tiêu dùng chào đón dù giá mỗi kg gạo không hề rẻ (170 đến 220 nghìn đồng/10kg, đắt hơn loại gạo đặc sản Bao Thai của Định Hóa khoảng 30-50 nghìn đồng/10kg).

Ông Nguyễn Sỹ Hùng, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), nói: Tôi đã “nghiện” thứ cơm được nấu từ gạo J02. Không chỉ có hương thơm, mềm, dẻo mà không hề nát, cơm còn có vị ngọt đậm, hơi ngậy. Đặc biệt, khi nguội, cơm không hề bị hút ẩm, vẫn mềm dẻo, thơm ngon không khác gì cơm nóng. Đây chính là sự khác biết của J02 với nhiều loại khác mà tôi đã ăn trong nhiều năm qua.

J02 đã khẳng định được tính hiệu quả của nó, tuy nhiên việc tiếp tục phát triển và nhân rộng giống lúa thuần chất lượng cao này như thế nào vẫn đang được ngành Nông nghiệp tiếp tục quan tâm.

Theo đó, “đích” mà ngành Nông nghiệp đang tiếp tục hướng đến chính là khuyến khích người dân sản xuất lúa J02 theo hướng hàng hóa, đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, người tiêu dùng và góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người trồng lúa…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202308/dua-nang-thom-ve-dong-dat-thai-nguyen-a7967c2/