Đưa kiến thức pháp luật đến với đồng bào vùng cao

Không chỉ Pà Cò - điểm nóng ma túy trên mảnh đất Mai Châu (Hòa Bình) mà nhiều địa phương vùng cao xưa nay vốn ẩn chứa nhiều tệ nạn xã hội giờ đã rất bình yên.

Sự đổi thay đó có vai trò không nhỏ của công tác tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật đến với bà con vùng cao.

Nhiều cách làm hay, sáng tạo

Từ trung tâm huyện Mai Châu đi khoảng 30km, vượt qua ngọn núi cao, dốc, chúng tôi đến tới xã Pà Cò. Những ngày cuối năm, Pà Cò đẹp như tranh: Sương giăng lãng đãng giữa vùng núi bao la rộng lớn. Hai bên đường, những vườn mận, vườn đào vừa độ nở, những hộ dân tất bật dệt vải, làm nương. Chỉ ngần này thôi cũng đủ cho thấy cuộc sống ở Pà Cò giờ yên bình, thanh thản đến nhường nào.

Công an xã Hang Kia, huyện Mai Châu tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật với lực lượng đoàn viên thanh niên trên địa bàn

Tuy nhiên, trước ngày Pà Cò có được sự yên bình này thì nơi đây từng là điểm nóng về an ninh trật tự và nạn tảo hôn. Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Hàng năm, xã phối hợp với Sở Tư pháp, Ban Dân tộc tỉnh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các đạo luật cho hàng trăm lượt người tham gia. Cùng với đó, tuyên truyền về bình đẳng giới, sinh đẻ có kế hoạch, nhất là các biện pháp ngăn chặn tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Hiện Pà Cò có 1 tuyên truyền viên pháp luật, 1 câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật với 15 thành viên. Câu lạc bộ phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể xã lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền đẩy lùi hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, xây dựng đời sống văn hóa mới… Nhờ đó, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội cơ bản được kiềm chế, hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi.

Sức hấp dẫn của du lịch cộng đồng ở xã Pà Cò

Theo công chức tư pháp - hộ tịch xã Pà Cò Mùa A Phư: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở xã được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giảm các hành vi vi phạm pháp luật.

Ghi nhận tại huyện vùng cao Tủa Chùa (Điện Biên) cũng cho thấy, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, người dân có thêm hiểu biết, từng bước thay đổi tập quán lạc hậu trong hôn nhân nói riêng cũng như chấp hành các quy định của pháp luật nói chung; đặc biệt có ý thức trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững quốc phòng - an ninh vùng biên giới.

Số liệu thống kê cho thấy, hơn 95% số dân ở Tủa Chùa là đồng bào dân tộc thiểu số. Do thiếu hiểu biết pháp luật, cộng với điều kiện kinh tế khó khăn… khiến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở đây tồn tại khá phổ biến.

Từ thực tế này, nhờ nguồn kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng được phân bổ trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã chủ động hướng dẫn, duy trì hoạt động 30 tổ truyền thông cộng đồng; tổ chức 15 cuộc đối thoại chính sách tại cấp xã, cụm thôn bản đặc biệt khó khăn.

Cũng từ nguồn kinh phí được giao, từ đầu năm đến giữa tháng 10/2023, Phòng Dân tộc huyện Tủa Chùa tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn pháp luật về hôn nhân, gia đình và phòng chống tảo hôn - hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại 5 xã: Trung Thu, Lao Xả Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Sín Chải. Qua đó, giúp người học nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới, không kết hôn sớm.

Phòng Dân tộc huyện Tủa Chùa cũng chủ động phối hợp cùng 5 trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở ở 5 xã: Trung Thu, Lao Xả Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Sín Chải tổ chức tọa đàm, tư vấn, nói chuyện với học sinh về chuyên đề giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Cũng như Tủa Chùa, Kon Plong là huyện miền núi ở phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum với hơn 6.500 hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số. Do đói nghèo, lạc hậu, cộng đồng người dân tộc Xơ Đăng tại Kon Plong thường xuyên diễn ra tình trạng tảo hôn. Những bé gái chỉ mới 14 tuổi đã làm mẹ, đời sống đã khó lại càng khó hơn. Sau khi Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, huyện Kon Plông đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm giảm thiểu, tiến đến xóa bỏ tình trạng tảo hôn trên địa bàn.

Với trọng tâm là hoạt động truyền thông, vận động bằng nhiều hình thức phù hợp. Chính quyền địa phương không chỉ tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tập trung, mà các cán bộ còn tích cực đi từng nhà, vận động từng người dân, nhất là các em trong độ tuổi từ 12-16 tuổi, cha mẹ của các cặp tảo hôn, cha mẹ các em thuộc độ tuổi vị thành niên... về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… nhờ đó số trường hợp tảo hôn trên địa bàn huyện Kon Plong có xu hướng giảm dần theo từng năm, không có hôn nhân cận huyết thống.

Lãnh đạo tỉnh Điện Biên nhận định: Thông qua nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai và nhân rộng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp; từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần góp sức xây dựng hệ thống chính trị cơ sở các xã vùng cao, biên giới ngày càng vững mạnh.

Thông tin pháp luật cho đồng bào có vai trò quan trọng

Chia sẻ về vấn đề này, ThS.Cao Thị Hồng Minh - Ban Chính sách - Luật pháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - cho hay, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật, có vai trò quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật đến với bà con vùng cao

Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác này, đặc biệt là phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là nhóm đối tượng quan trọng.

Điều này được khẳng định trong Hiến pháp 2013 và cụ thể hóa trong Nghị định số 5/2011/NĐ-CP của Chính phủ về Công tác dân tộc quy định tại Điều 18 về chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, trong đó quy định rõ: “1. Đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật; 2. Chính quyền các cấp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng và địa bàn vùng dân tộc thiểu số; 3. Sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số”…

Cùng quan điểm với bà Minh, giới chuyên gia cho rằng, công tác tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có vai trò quan trọng, vì vậy cần nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; lựa chọn hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng.

Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, theo ThS. Cao Thị Hồng Minh: Trong quá trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải giúp đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi hiểu và nhận thức được pháp luật bảo vệ sự trong sáng của luật tục, bảo đảm cho luật tục tiến bộ, là công cụ hỗ trợ đặc biệt cho luật tục tiến bộ tồn tại và phát triển.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rằng việc chấp hành pháp luật cũng là chấp hành luật tục tiến bộ và ngược lại, nhằm hình thành trong cộng đồng niềm tin vào pháp luật, xóa dần khoảng cách giữa pháp luật và luật tục. Từ đó họ có tâm lý yên tâm để tập trung vào việc học hỏi và tiếp thu kiến thức pháp luật, xóa bỏ tư tưởng đối phó pháp luật.

Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông, địa phương cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xác định đây là một bộ phận của công tác giáo dục tư tưởng và nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Qua đó, thực hiện đầy đủ các thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật hiện hành, đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan; đổi mới, đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm phù hợp với nhu cầu của xã hội từng nhóm đối tượng.

Đặc biệt, cần đa dạng hóa nội dung, hình thức phổ biến pháp luật, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phải lựa chọn hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng, kết hợp thực hiện lồng ghép có hiệu quả với các chương trình công tác dân tộc và chính sách dân tộc có liên quan.

Chia sẻ tại hội thảo nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, diễn ra mới đây, một số đại biểu đề nghị: Nhà nước tăng cường đa dạng hóa nguồn lực xã hội, nguồn tài chính từ doanh nghiệp và xã hội hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chỉ đạo và thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền

Bên cạnh đó, huy động lực lượng công an, bộ đội biên phòng cùng vào cuộc; tiếp tục tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, các chủ trương chính sách mới cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy hiệu quả của mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua đội ngũ người có uy tín; nghiên cứu, xây dựng thêm các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật mới phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả.

Với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào thiểu số thời gian qua đã góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền công bằng trong tiếp cận công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân tộc thiểu số. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giúp đồng bào dân tộc thiểu số hiểu biết về quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi có tranh chấp, vướng mắc liên quan đến pháp luật...

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dua-kien-thuc-phap-luat-den-voi-dong-bao-vung-cao-286986.html