Đưa kiến thức pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, các địa phương, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã lựa chọn những nội dung, cách làm phù hợp để đưa kiến thức pháp luật đến với đồng bào.

Pa Cheo là xã nghèo của huyện vùng cao, biên giới Bát Xát, với phần lớn là người Mông sinh sống. Do tập quán lâu đời, nhận thức của một số người còn hạn chế, nên thời gian qua, tảo hôn trở thành vấn đề nhức nhối ở địa phương. Từ thực tế này, khi địa phương thành lập đội thi tham gia Hội thi tìm hiểu pháp luật dành cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bát Xát năm 2023, các thành viên thống nhất lựa chọn dàn dựng tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật với chủ đề phòng, chống tảo hôn.

Đội thi không chỉ phản ánh câu chuyện thực tế đã và đang diễn ra mà còn khéo léo lồng ghép những thông điệp về sự bình quyền cho phụ nữ và sự chung tay của cả hệ thống chính trị, ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong phòng, chống tảo hôn. Tiết mục diễn tiểu phẩm ấn tượng cùng với sự trôi chảy, thuyết phục ở các phần thi khác đã giúp đội thi xã Pa Cheo giành giải Nhất Hội thi.

Lần đầu tham gia cuộc thi tìm hiểu pháp luật giúp tôi có cơ hội tiếp cận, học tập, nghiên cứu các văn bản pháp luật của Nhà nước. Từ những kiến thức tích lũy được, tôi sẽ tuyên truyền cho người thân, gia đình, bạn bè trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và đặc biệt là tích cực tham gia phòng, chống tảo hôn trong cộng đồng, dân tộc mình.

Chị Vừ Thị Sung, thôn Kin Sáng Hồ, xã Pa Cheo

Hội thi tìm hiểu pháp luật dành cho đồng bào dân tộc thiểu số là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án 10 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I (từ năm 2021 đến năm 2025). Từ năm 2022 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì và phối hợp với các địa phương triển khai 4 hội thi tại các huyện Bảo Yên, Si Ma Cai, Bát Xát, Văn Bàn.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số có thêm thuận lợi khi chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai trên địa bàn. Nhiều nội dung có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào được đề cập trong Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em”; Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Dự án 10 về truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Trần Phùng, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ là nhiệm vụ của một ngành, một địa phương mà đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đơn cử như Hội Phụ nữ tỉnh hiện với hơn 111.000 hội viên, trong đó hơn 57% hội viên là người dân tộc thiểu số, từ đầu năm đến nay đã triển khai 4 đợt phổ biến pháp luật tới hội viên, nội dung tập trung vào các chính sách, pháp luật mới có hiệu lực, các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của hội viên, phụ nữ.

Trong tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, các cấp hội tổ chức tuyên truyền tại 381 tổ truyền thông cộng đồng; 9 cuộc thi sân khấu hóa. Tham gia Hội thi tìm hiểu kiến thức Luật Phòng, chống bạo lực gia đình khu vực miền Bắc do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai đã giành giải Nhì và giải tỉnh có đông người dân tộc thiểu số tham gia nhất tại Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022” với hơn 840 người tham gia.

Với Sở Tư pháp, bên cạnh việc tổ chức các đợt phổ biến, giáo dục pháp luật còn triển khai vận động đồng bào dân tộc thiểu số. Sở đã tổ chức 3 hội nghị phổ biến kiến thức và kỹ năng phổ biến pháp luật cho 65 đại biểu là trưởng thôn tại các huyện Si Ma Cai, Văn Bàn, thị xã Sa Pa; 3 hội nghị điểm phổ biến, chính sách pháp luật dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn tại xã Quan Hồ Thẩn (huyện Si Ma Cai), xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa), xã Nậm Tha (huyện Văn Bàn)…

Nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia và sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Điều đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật cho đồng bào, nêu cao vai trò của công dân sống và làm việc theo pháp luật. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng môi trường lành mạnh trong cộng đồng dân cư, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/dua-kien-thuc-phap-luat-den-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post375757.html