Đưa kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy vào chương trình giáo dục

Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, đưa nội dung kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào chương trình giáo dục phù hợp với từng cấp học, ngành học.

Nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về PCCC

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 33, ngày 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho rằng, việc xây dựng, ban hành Luật PCCC và CNCH là thực sự cần thiết, nhằm tăng cường sự lãnh đạo, quản lý về công tác PCCC, CNCH. Đồng thời, khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập trong công tác này, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan.

Thời gian qua, tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư với nhiều loại hình cơ sở mới xuất hiện đã và đang gây ra những thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, đời sống xã hội, môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội...

10 năm trở lại đây, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã trực tiếp thực hiện nhiệm vụ CNCH được 20.857 vụ; trong đó thực hiện CNCH đối với 13.613 vụ cháy; cứu được 6.468 người...

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long. Ảnh: Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long. Ảnh: Quốc hội.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí sự cần thiết ban hành Luật với những lý do đã được Chính phủ nêu trong Tờ trình.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy hoạch hạ tầng PCCC trong dự thảo Luật để quy định nội dung, yêu cầu cụ thể đối với quy hoạch hạ tầng PCCC và mối quan hệ với các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định đưa nội dung kiến thức, kỹ năng về PCCC, CNCH vào chương trình giáo dục phù hợp với từng cấp học, ngành học; thể hiện rõ hơn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo và trách nhiệm của cơ sở giáo dục và đào tạo trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng về PCCC, CNCH.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về CNCH; nghiên cứu làm rõ yêu cầu PCCC đối với từng loại quy hoạch để có giải pháp, thiết kế về PCCC phù hợp; nghiên cứu quy định yêu cầu, điều kiện về PCCC phù hợp với từng loại hình cơ sở, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh…

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: Quốc hội

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo tổng kết thực hiện pháp luật về xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực; quy định rõ tại dự thảo Luật này phương án xử lý đối với những công trình không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực...

Cần làm tốt công tác quy hoạch

Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao việc xây dựng dự án Luật. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, trong hơn 10 năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm tới công tác PCCC và CNCH, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác này. Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ, tai nạn vẫn xảy ra thường xuyên.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, cháy, nổ là mối lo ngại thứ ba của người dân sau tai nạn, thiên tai và tình hình cháy, nổ có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Đáng quan tâm, thời gian qua xảy ra nhiều vụ cháy, nổ gây thiệt hại tính mạng, tài sản do thiết kế đường xá không đủ cho xe PCCC. Thực tế, có địa phương xe PCCC chỉ chữa cháy được ở các tòa nhà quy mô cao 5 - 7 tầng, còn cao hơn thì không. Do vậy Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần làm tốt công tác quy hoạch; nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về PCCC.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “phòng hơn chống”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu để tiếp tục phân cấp, phân quyền trong việc thẩm tra, thẩm định thiết kế, nghiệm thu về PCCC. Đồng thời quan tâm đến trang thiết bị, lực lượng và ý thức, kỹ năng PCCC của từng người dân, mỗi gia đình, vì khi có cháy, nổ xảy ra thì xử lý tại chỗ là quan trọng nhất...

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Điều 13 dự thảo Luật quy định liên quan đến công tác quy hoạch về PCCC. Tuy nhiên, những quy định như này lại chưa có trong Luật Quy hoạch. Do vậy, cần thiết kế cụ thể rõ ràng hơn, tránh tình trạng “cháy nhà dân nhưng xe PCCC lại không vào được”...

Dự thảo Luật được xây dựng gồm 9 chương, 65 điều. Về phòng cháy, cùng với việc kế thừa các quy định phù hợp, dự thảo Luật đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và nâng cao hơn nữa yêu cầu, trách nhiệm trong việc quản lý, cung ứng, sử dụng điện và thiết bị điện có liên quan đến cháy, nổ.

Về chữa cháy, dự thảo Luật tiếp tục kế thừa quy định của Luật hiện hành, có chỉnh lý, bổ sung một số quy định để khắc phục những vướng mắc, bất cập và nâng cao hiệu quả hoạt động chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này...

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dua-kien-thuc-ky-nang-phong-chay-chua-chay-vao-chuong-trinh-giao-duc-170646.html