Đưa khèn Mông thành sản phẩm du lịch trên cao nguyên trắng Bắc Hà

Khèn Mông là nhạc cụ quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Mông. Theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh Lào Cai về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025 đã tạo điều kiện cho Bắc Hà đưa tinh hoa văn hóa dân tộc Mông, trong đó có cây khèn Mông trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn.

Trình diễn tinh hoa văn hóa: múa gậy sênh tiền, khèn Mông... phục vụ khách du lịch trên miền cao nguyên trắng Bắc Hà. Ảnh: Xuân Cường

Đã từ lâu, hình ảnh các trai bản, thôn nữ dân tộc Mông trong Câu lạc bộ văn nghệ dân gian Hồng Mi vào mỗi tối thứ 7 và sáng Chủ nhật hằng tuần mang theo cây khèn, cây gậy sênh tiền và các nhạc cụ khác về chợ đêm, chợ văn hóa Bắc Hà biểu diễn đã trở nên gần gũi, thân thương với nhân dân và khách du lịch. Các buổi biểu diễn thường được tổ chức tại sân khấu chợ đêm, khu trưng bày nhạc cụ và giao lưu văn hóa dân tộc Mông mang tên Haim Yang của anh Giàng A Hải, Chủ tịch Câu lạc bộ văn nghệ dân gian Hồng Mi.

Thôn nữ Vàng Thị Dín, 16 tuổi, ở thôn Bản Phố 2 và trai bản Vừ Seo Sèng, 22 tuổi, ở thôn Quán Dín Ngài, xã Bản Phố đã tham gia Câu lạc bộ khèn Mông Bắc Hà và nay là Câu lạc bộ văn nghệ dân gian Hồng Mi được hơn 3 năm. Trước đó, Trung tâm Văn hóa huyện Bắc Hà mở lớp dạy múa khèn, múa sênh tiền, họ đã tham gia học. Ngoài ra, trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, thông qua hoạt động văn nghệ của các nhà trường trên địa bàn xã Bản Phố và được các thế hệ đi trước truyền dạy nên Vàng Thị Dín và Vừ Seo Sèng đã thông thuộc cơ bản các điệu múa sênh tiền, dân ca Mông, sáo và múa khèn.

Từ đó, họ được lựa chọn vào câu lạc bộ, thường xuyên tham gia biểu diễn tại các lễ hội, chương trình, sự kiện văn hóa. Câu lạc bộ cũng biểu diễn phục vụ khách du lịch theo lịch hoạt động luân phiên vào chợ đêm tối thứ 7 hằng tuần, biểu diễn theo lịch đều đặn sáng Chủ nhật hằng tuần phục vụ khách du lịch. Trung bình, mỗi thành viên được hỗ trợ từ 400 - 500 nghìn đồng/tháng.

Hiện nay, khi đến thăm các bản, làng vùng đồng bào Mông, hay đến một số homestay, khách sạn, đặc biệt là đến với chợ đêm tối thứ 7 và phiên chợ văn hóa Bắc Hà vào Chủ nhật hằng tuần, du khách thích thú vì có sự xuất hiện biểu diễn của Câu lạc bộ văn nghệ dân gian Hồng Mi với những chàng trai, cô gái biểu diễn các làn điệu dân ca Mông, các điệu nhảy, múa sênh tiền, múa khèn, các làn điệu khèn Mông uyển chuyển, quyến rũ, hấp dẫn du khách. Chị Lê Hải Yến, khách du lịch đến từ Hà Nội cho biết, đã 5 năm nay, Bắc Hà trở thành điểm đến cuối tuần của mình và các bạn trẻ, nhất là vào mùa hoa mận, lê, đào..., hay mùa Đông lên đây để đi chợ thưởng thức ẩm thực, đi chợ đêm tối thứ 7 và chợ phiên vào Chủ nhật để xem văn nghệ, hòa cùng nhịp xòe dân tộc, điệu múa sênh tiền, múa khèn...

Trai bản trình diễn điệu múa khèn Mông. Ảnh: Xuân Cường

Sau đại dịch Covid-19, du lịch Bắc Hà phục hồi và phát triển, ngày một thu hút đông đảo du khách đến với miền cao nguyên trắng. Một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch chính là nét văn hóa truyền thống dân tộc đặc sắc, mà nổi bật là văn hóa dân tộc Mông với những làn điệu dân ca Mông trữ tình, sáo Mông réo rắt, êm du, trầm bổng, thánh thót, điệu múa sênh tiền sôi động, tiếng đồng xu loẹt xoẹt vui tai, điệu múa khèn uyển chuyển hấp dẫn...

Thông qua các kênh du lịch, các công ty lữ hành, các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Câu lạc bộ văn nghệ dân gian Hồng Mi đã được nhiều đoàn khách lựa chọn. Chính từ sự tin yêu, cổ vũ của du khách là động lực giúp các thành viên trong câu lạc bộ không ngừng sáng tạo, say mê, nhiệt tình biểu diễn.

Thực hiện Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Hà đã thành lập và đưa vào hoạt động 5 câu lạc bộ văn nghệ dân gian, trong đó có Câu lạc bộ văn nghệ dân gian Hồng Mi. Từ chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 06 đã tạo động lực cho các câu lạc bộ duy trì hoạt động, sáng tạo, đổi mới để càng có thêm nhiều tiết mục văn nghệ hay phục vụ du khách, góp sức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Qua đó, đã tạo thêm công việc ổn định cuối tuần cho một số thanh niên người dân tộc thiểu số Mông, Dao, Tày, Nùng, Phù Lá...

Để góp phần đưa khèn Mông thực sự trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, UBND huyện Bắc Hà đã giao cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thông huyện chủ trì tổ chức Hội thi khèn Mông lần thứ 2. Đây là hoạt động chính trong Festival mùa Đông cao nguyên trắng năm 2023, với những nét mới, có thêm nhiều đội thi đến từ các xã vùng đồng bào dân tộc Mông của huyện Bắc Hà, các huyện, thành phố của tỉnh Lào Cai. Đây là sân chơi vui tươi, lành mạnh, đặc sắc, thực sự là điểm đến hấp dẫn của du khách.

Ngọc Ánh - Xuân Cường

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dua-khen-mong-thanh-san-pham-du-lich-tren-cao-nguyen-trang-bac-ha-post472148.html