Đưa hoạt động công đoàn hướng về cơ sở

Đại hội Công đoàn tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã thành công tốt đẹp. Hòa chung vào không khí các cấp các ngành cả nước nỗ lực, bứt tốc để hoàn thành các nhiệm vụ của năm 2023 cũng như trong không khí hân hoan chào đón năm mới 2024; dịp này, đồng chí Nguyễn Thị Như Ý, Đại biểu Quốc hội, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đã dành cho Báo Lao động Thủ đô cuộc trò chuyện thân tình, đầy ý nghĩa xung quanh kết quả hoạt động và phương hướng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn tỉnh Đồng Nai.

Phóng viên: Một mùa Xuân nữa lại về, mùa Xuân mà các cấp Công đoàn Đồng Nai bắt đầu thực hiện các chương trình nhằm hiện thực hóa mục tiêu Đại hội XI đề ra. Với tư cách Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, đồng chí có thể cho biết đâu là ưu tiên trong hoạt động Công đoàn của đồng chí trong nhiệm kỳ mới?

Đồng chí Nguyễn Thị Như Ý: Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn tỉnh Đồng Nai, Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 và tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, Công đoàn Đồng Nai xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới.

Đồng chí Nguyễn Thị Như Ý - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể là đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động. Các cấp Công đoàn tăng cường công tác nắm bắt thông tin, lắng nghe phản ánh từ cơ sở, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động (NLĐ), tình hình quan hệ lao động, sản xuất, kinh doanh, thực hiện chế độ, chính sách của các doanh nghiệp (DN). Chủ động, tích cực lấy ý kiến rộng rãi của NLĐ trong quá trình xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở. Triển khai hiệu quả, thực chất việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động tổ chức tốt hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ.

Mở rộng độ bao phủ gắn với nâng cao chất lượng Thỏa ước lao động tập thể, trọng tâm là nâng cao tiền lương, thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc. Quan tâm tuyên truyền giáo dục và nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ về công tác an toàn vệ sinh lao động; coi hoạt động phòng ngừa là biện pháp ưu tiên hàng đầu trong an toàn vệ sinh lao động; tích cực tham gia xây dựng văn hóa an toàn trong sản xuất, công tác; tăng cường năng lực đối thoại, thương lượng về an toàn vệ sinh lao động. Triển khai các giải pháp tạo việc làm, đảm bảo việc làm bền vững và bảo vệ việc làm của đoàn viên, NLĐ. Nắm chắc tình hình công nhân, quan hệ lao động, triển khai hiệu quả các giải pháp phòng ngừa và tham gia giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Cạnh đó, tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở ở các DN ngoài khu vực Nhà nước. Thực hiện toàn diện, đồng bộ công tác đoàn viên, từ việc phát triển đoàn viên, chăm lo lợi ích đoàn viên đến quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ Công đoàn, nhất là cán bộ Công đoàn chuyên trách và Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Coi trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, bảo đảm số lượng, tỷ lệ đoàn viên đủ điều kiện thực hiện quyền đại diện NLĐ tại DN.

Đổi mới hoạt động của Công đoàn cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở; rà soát, nghiên cứu tham mưu sửa đổi, bổ sung, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các loại hình Công đoàn cơ sở; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Công đoàn cơ sở theo nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên và NLĐ.

Triển khai thực hiện tốt các quyền của đoàn viên, bảo đảm tất cả quyền lực của tổ chức Công đoàn thuộc về đoàn viên, trọng tâm là ở cơ sở. Mọi hoạt động của tổ chức Công đoàn, của cán bộ Công đoàn đều phải phục vụ lợi ích của đoàn viên; bảo đảm hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên.

Đồng thời, xây dựng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là Chủ tịch Công đoàn tại DN ngoài khu vực Nhà nước. Tập trung xây dựng cán bộ Công đoàn các cấp, trọng tâm là đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Người đứng đầu Công đoàn cơ sở phải luôn sâu sát, tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ.

Phóng viên: Xin đồng chí khái quát kết quả của Công đoàn các cấp tỉnh Đồng Nai trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 về phát triển lực lượng và chất lượng đoàn viên công nhân, viên chức, lao động. Khái quát các kết quả quan trọng của hoạt động Công đoàn với tinh thần “Đổi mới, tập trung hướng về cơ sở”?

Đồng chí Nguyễn Thị Như Ý: Trong 5 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các Ban chuyên đề, các cấp Công đoàn thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2018 - 2023. Nổi bật là thực hiện Chương trình đột phá về công tác phát triển đoàn viên gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ Công đoàn giai đoạn 2018 - 2023.

Theo đó, công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở của Đồng Nai đã đạt kết quả cao, nhiều chỉ tiêu được giao đã đạt và vượt. Về số lượng tuy có giảm so với đầu kỳ, nhưng chất lượng đoàn viên và tổ chức ngày càng được nâng cao, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận của đoàn viên và NLĐ cũng như người sử dụng về vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn. Chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp được nâng lên rõ rệt, cán bộ chủ chốt Công đoàn cấp trên, lãnh đạo các ban chuyên đề 100% đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị theo quy định chức danh, vị trí việc làm.

Đồng chí Nguyễn Thị Như Ý - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai trao quà cho đoàn viên, người lao động.

Có 99,99% cán bộ chuyên trách Công đoàn có trình độ đại học, 19% có trình độ sau đại học; 97% cán bộ chuyên trách Công đoàn được cấp chứng chỉ Lý luận và nghiệp vụ Công đoàn; 85% cán bộ không chuyên trách Công đoàn được tiếp cận chương trình bồi dưỡng kỹ năng và phương pháp hoạt động Công đoàn. Công tác đánh giá xếp loại Công đoàn các cấp dần đi vào thực chất, đánh giá trở thành động lực cho việc đổi mới phương thức, nội dung hoạt động của tổ chức Công đoàn.

Với tinh thần “Đổi mới, tập trung hướng về cơ sở”, công tác xây dựng và hướng dẫn hoạt động lực lượng đoàn viên nòng cốt được các cấp Công đoàn quan tâm chú trọng.

Phóng viên: Trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, một trong những mục tiêu trọng tâm mà Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đề ra là: Nâng cao vai trò đối thoại, thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể. Vậy, để đạt được mục tiêu hết sức quan trọng này, xin đồng chí chia sẻ các giải pháp của Công đoàn các cấp tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới?

Đồng chí Nguyễn Thị Như Ý: Sau thành công của Đại hội XI Công đoàn tỉnh Đồng Nai, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đang tập trung xây dựng Chương trình đột phá về xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ trong DN, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể giai đoạn 2023 - 2028. Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động. Trong đó, Công đoàn Đồng Nai hướng đến việc mở rộng độ bao phủ gắn với nâng cao chất lượng Thỏa ước lao động tập thể, trọng tâm là nâng cao tiền lương, thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc cho đoàn viên, NLĐ. Ngoài ra nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả của đội ngũ chuyên gia về Thỏa ước lao động tập thể. Tăng cường ứng dụng, khai thác Thư viện Thỏa ước lao động tập thể. Biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình trong công tác đối thoại, Thỏa ước lao động tập thể cũng như đánh giá tầm quan trọng, hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể nhóm DN để định hướng phát triển.

Phóng viên: Dự báo khó khăn kinh tế sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2024. Trước bối cảnh đó, bản thân đồng chí và Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh Đồng Nai có giải pháp gì để góp phần cùng hệ thống chính trị tỉnh Đồng Nai ổn định việc làm và thu nhập cho công nhân; đặc biệt là ổn định mối quan hệ lao động, hạn chế tối đa các tranh chấp lao động tập thể có thể xảy ra trên địa bàn?

Đồng chí Nguyễn Thị Như Ý: Năm 2024 dự báo tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại, tình hình trong nước có nhiều khó khăn, thách thức; một bộ phận DN vẫn tiếp tục bị thiếu đơn hàng, giảm sức chống chọi sau đại dịch, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, việc làm, thu nhập của NLĐ. Vì vậy để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ, các cấp Công đoàn tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện Văn bản số 2881/LĐLĐ ngày 27/9/2023 của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Đồng Nai về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa tranh chấp lao động tập thể, đình công và phối hợp nắm tình hình các doanh nghiệp khó khăn trong những tháng cuối năm 2023; thực hiện hiệu quả, thiết thực các hoạt động theo Kế hoạch số 02/KH-LĐLĐ ngày 17/11/2023 của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Đồng Nai về việc tổ chức các hoạt động chăm lo Tết Giáp Thìn 2024 cho đoàn viên Công đoàn, công nhân, viên chức, lao động tỉnh Đồng Nai.

Thứ hai, tập trung thực hiện hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm theo Quyết định số 7785/QĐ-TLĐ ngày 25/8/2023 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên Công đoàn, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do DN bị cắt, giảm đơn hàng ban hành kèm theo Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ, đảm bảo đúng thời gian, đúng quy định, không để sót đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ.

Thứ ba, triển khai hiệu quả, nắm chắc tình hình quan hệ lao động, tình hình sản xuất, kinh doanh, chấp hành pháp luật, chế độ, chính sách với NLĐ của các DN, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ để kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết khi nảy sinh các vấn đề phức tạp, vi phạm pháp luật. Quan tâm đặc biệt tới các Công đoàn cơ sở DN có quan hệ lao động không ổn định, hay xảy ra tranh chấp lao động tập thể, các DN trong khu công nghiệp, các DN có đông lao động, DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, không có thưởng Tết, có nguy cơ mất an toàn lao động, DN có chủ bỏ trốn...

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới NLĐ, người sử dụng lao động về việc đồng hành, chia sẻ khó khăn để duy trì, ổn định và phát triển DN là cơ sở quan tâm, chăm lo tốt hơn đối với NLĐ, mục tiêu hàng đầu là đảm bảo việc làm, đời sống, thu nhập, điều kiện làm việc an toàn, hạn chế xảy ra mâu thuẫn, xung đột dẫn tới tranh chấp lao động.

Thứ năm, tăng cường phối hợp, đối thoại với các hiệp hội người sử dụng lao động, chính quyền, chuyên môn đồng cấp để kịp thời phản ánh, thảo luận, tháo gỡ những khó khăn cho DN trong sản xuất, kinh doanh, những nguyện vọng, mong muốn hợp pháp, chính đáng của đông đảo NLĐ; chủ động, phối hợp thực hiện tốt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, Công đoàn tại địa phương, đơn vị.

Thứ sáu, phối hợp với các cấp chính quyền, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, rà soát, lập danh sách các DN có nguy cơ phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động để tham mưu với cấp ủy, chính quyền có phương án ngăn chặn, hỗ trợ, giải quyết kịp thời, giảm thiểu tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tự phát xảy ra. Đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn Công đoàn cơ sở, NLĐ, người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng giải quyết, xử lý nhanh nhất các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, không để kéo dài, lây lan.

Phóng viên: Trước thời khắc đất nước chuyển mình, sẵn sàng tâm thế mới để bước sang năm mới Giáp Thìn 2024; đồng chí gửi gắm tâm tư, tình cảm gì tới đoàn viên, công nhân, NLĐ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung?

Đồng chí Nguyễn Thị Như Ý: Với vai trò, trách nhiệm của thủ lĩnh Công đoàn Đồng Nai, trước thời khắc đất nước chuyển mình, sẵn sàng tâm thế mới để bước sang năm mới Giáp Thìn 2024, tôi xin gửi lời chúc tới tất cả anh chị em đoàn viên, công nhân, NLĐ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung được hưởng một mùa Xuân thật ấm áp, sum vầy và tràn đầy hạnh phúc. Bên cạnh đó, tôi rất mong mỏi anh chị em đoàn viên, NLĐ cùng gia đình đón Tết cổ truyền trên tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, đồng thời đề nghị đoàn viên, NLĐ quay trở lại làm việc sau Tết đúng thời gian quy định, tham gia cùng DN tiếp tục sản xuất.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dua-hoat-dong-cong-doan-huong-ve-co-so-165372.html