Đưa giá trị tài liệu lưu trữ nhập cuộc đời sống

Cần thiết phải có sự chủ động liên kết, phối hợp, phát huy sáng kiến của các đơn vị, địa phương để phát huy tối đa giá trị của tài liệu lưu trữ trong đời sống, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, phục vụ sự phát triển của đất nước.

Kho thông tin khổng lồ nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội

Tài liệu lưu trữ quốc gia là những bằng chứng lịch sử quý giá, chứa đựng những thông tin xác thực về nhiều vấn đề, sự kiện thuộc mọi lĩnh vực của đời sống, phản ánh thành tựu sáng tạo của Nhân dân qua các thời kỳ, góp phần xác lập, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Những tài liệu này không chỉ có giá trị phục vụ nghiên cứu lịch sử, mà còn có giá trị đặc biệt trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ đất nước.

Triển lãm “Đô thị biển Đà Nẵng qua tài liệu lưu trữ" là một trong những hình thức công bố tài liệu mà địa phương thực hiện thời gian qua Ảnh: Lê Lâm

Việt Nam có tiềm lực thông tin quá khứ khá đồ sộ và tăng lên từng ngày, vật mang tin đa dạng, nhiều ngôn ngữ. Theo thống kê, lưu trữ lịch sử nhà nước ở Trung ương hiện có 33.000m giá, 1.000 phông/sưu tập; lưu trữ lịch sử của 63 tỉnh, thành phố có 68.000m giá, 3.317 phông, phản ánh toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước từ thế kỷ XIX đến nay.

Nhận thức được giá trị của tài liệu lưu trữ, thời gian qua, lưu trữ lịch sử từ địa phương đến Trung ương đã đẩy mạnh công tác giới thiệu, phát huy giá trị. Tuy nhiên, việc công bố tài liệu lưu trữ quốc gia còn hạn chế, bất cập, một phần do nhận thức của nhiều người chưa đầy đủ về giá trị của tài liệu lưu trữ và việc phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.

“Có lẽ nhiều lúc, nhiều nơi chưa thực sự xác định và cân bằng giữa bảo quản và sử dụng, giữa phục vụ thụ động và chủ động cung cấp, giữa chạy theo nhu cầu và định hướng dư luận… Từ đó dẫn đến mâu thuẫn là các lưu trữ lịch sử đang bảo quản kho thông tin khổng lồ nhưng lại chưa đáp ứng được nhu cầu của một xã hội đang đói thông tin" - bà Luyện Thị Thu Thủy, Phòng Quản lý Văn thư - Lưu trữ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước chia sẻ tại Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm công bố tài liệu lưu trữ quốc gia" ngày 30.6.

Bên cạnh đó, việc triển khai các giải pháp kỹ thuật, xử lý nghiệp vụ tài liệu làm tiền đề cho hoạt động công bố tài liệu lưu trữ tại các lưu trữ lịch sử chưa được thực hiện một cách khoa học, đồng bộ. Cụ thể như việc giải mật tài liệu theo quy định của pháp luật, biên tập chú thích và xác minh thông tin của tài liệu ảnh chưa chuyên nghiệp; vẫn còn rào cản ngôn ngữ khi tiếp cận các tài liệu tiếng Hán - Nôm, tiếng Pháp; đội ngũ viên chức làm công tác công bố tài liệu ít về số lượng, thiếu kinh nghiệm thực tiễn...

Công bố, khai thác giá trị tài liệu lưu trữ bài bản, khoa học

Thời gian qua, nhiều địa phương đã có sáng kiến trong quá trình thực hiện công bố tài liệu lưu trữ. Chẳng hạn, tại Hà Tĩnh, tiềm năng tài liệu lưu trữ nằm tại các cá nhân, gia đình, dòng họ rất lớn. Nhiều tài liệu quý, hiếm chủ yếu nằm trong hòm, cuộn tròn trong túi bóng tại các gia đình, dòng họ. Đa số tài liệu quý, hiếm của Hà Tĩnh và về Hà Tĩnh độc đáo về ngôn ngữ thể hiện nên việc dịch thuật, thống kê lập danh mục mất thời gian và chi phí, thiếu thông tin về các nguồn tư liệu.

Từ thực tế đó, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh Mai Trường Sinh cho biết, Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình, tham mưu UBND tỉnh về công tác sưu tầm tài liệu quý, hiếm và xác định đây là nhiệm vụ có tính lâu dài. “Cán bộ làm công tác lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh tăng cường đến các hộ dân đang lưu giữ tài liệu quý, hiếm để tuyên truyền, phổ biến cho người dân về mục đích, ý nghĩa của tài liệu; vận động họ kê khai, tự nguyện giao nộp, hiến tặng, chuyển nhượng, ký gửi tài liệu quý, hiếm vào Lưu trữ lịch sử”.

Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử TP. Đà Nẵng Ngô Lan Anh chia sẻ cách làm của Đà Nẵng, đó là phối hợp với các Trung tâm Lưu trữ quốc gia tổ chức các triển lãm, trưng bày, sưu tầm tài liệu lịch sử nhằm làm phong phú, sâu rộng nguồn tài liệu, văn bản quốc gia và địa phương. “Từ kinh nghiệm thực tiễn, chúng tôi tập hợp in thành tài liệu nội bộ; đặt hàng nhà khoa học, chuyên gia và giao nhiệm vụ tới các bộ phận kỹ thuật, xử lý nghiệp vụ làm tiền đề cho hoạt động công bố tài liệu lưu trữ được thực hiện một cách khoa học, đồng bộ; khắc phục các rào cản ngôn ngữ khi tiếp cận các tài liệu".

Đây cũng là kinh nghiệm của Bảo tàng tỉnh Nam Định khi phối hợp Trung tâm lưu trữ quốc gia I thực hiện triển lãm “Dấu ấn Thành Nam” với mong muốn quảng bá một số loại hình di sản văn hóa tiêu biểu của Nam Định gắn với Thành Nam xưa, tạo dựng không gian văn hóa phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng thức các giá trị văn hóa truyền thống của Nhân dân.

Đồng tình với phương thức hợp tác trong công bố, phát huy giá trị tài liệu, ông Lâm Trường Định, Trưởng phòng Cải cách hành chính Văn thư lưu trữ - Sở Nội vụ Bình Định bổ sung, cần thêm các hình thức triển lãm thực tế ảo, khai thác thế mạnh của khoa học - công nghệ thông tin, đạt hiệu quả quảng bá, truyền thông. Xác định công bố tài liệu lưu trữ là việc làm thường xuyên hàng năm, Bình Định đề nghị Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cụ thể hóa về mặt cơ chế, chính sách cho dịch vụ công của ngành lưu trữ; quan tâm, định hướng nội dung trọng tâm cần công bố tài liệu hàng năm của địa phương (nguồn tài liệu, công tác dịch thuật…), sao cho mỗi trung tâm lưu trữ trở thành nơi trải nghiệm, học tập, nghiên cứu, tham khảo tài liệu của các thành phần, lứa tuổi.

Bà Luyện Thị Thu Thủy cho biết, hoạt động công bố tài liệu lưu trữ tới đây sẽ không dừng ở các lưu trữ lịch sử với nhau, các cơ quan nhà nước với nhau, mà có sự vào cuộc của một số cá nhân, tổ chức văn hóa, tổ chức di sản, các đơn vị sáng tạo nội dung trong việc chia sẻ cách làm hay với mục đích nâng giá trị của tài liệu lưu trữ nhập cuộc đời sống xã hội. Đây cũng là cơ hội tốt cho những người làm lưu trữ khi tham gia vào mạng lưới này.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/dua-gia-tri-tai-lieu-luu-tru-nhap-cuoc-doi-song-i334581/