Đưa dòng nước, con chữ về Cù Bai

Ngày giúp bà con xây bể nước dưới cái nắng đổ lửa, tối lại lên lớp dạy chữ cho đồng bào, nhưng những người lính Biên phòng chưa khi nào nề hà vất vả, bởi tất cả đều vì mục đích làm cho cuộc sống của bà con tốt hơn. Những việc làm đầy trách nhiệm, thắm tình quân dân ấy là nền móng vững chắc để cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ở dải đất biên cương xa xôi này.

Đồn Biên phòng Hướng Lập khánh thành, bàn giao công trình nước sạch cho nhân dân bản Cù Bai. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Đồn Biên phòng Hướng Lập khánh thành, bàn giao công trình nước sạch cho nhân dân bản Cù Bai. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Dòng nước của tình quân dân

Mới 6 giờ sáng, Đại úy Nguyễn Đăng Anh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng cùng Thiếu tá Hồ Văn Lừa, nhân viên Đội Vũ trang đã có mặt tại thôn Cù Bai (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) kiểm tra việc hoàn thiện công trình nước sạch để sẵn sàng bàn giao cho bà con sử dụng. Công trình nước sạch gồm các hạng mục như: Mái che, bể chứa nước 20m3, 2 phòng tắm, 2 nhà vệ sinh khép kín, có kinh phí xây dựng là 120 triệu đồng do Đồn Biên phòng Hướng Lập và nhóm thiện nguyện Trường Sa HQ 571/2014 xây tặng nhân dân thôn Cù Bai.

Để tiết kiệm chi phí, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập nhận phần thi công, phần lớn số tiền 120 triệu đồng dùng để mua nguyên, vật liệu. Thời điểm khởi công vào tháng 7, đúng đỉnh nóng Hè này, nên mọi người thường phải làm từ rất sớm. Đây là công trình nước sạch thứ 2 được Đồn Biên phòng Hướng Lập xây dựng từ đầu năm 2023, mọi người đã có “kinh nghiệm”, bởi vậy mà tốc độ đã vượt kế hoạch.

Dịp này, Đồn Biên phòng Hướng Lập cũng vận động nhà tài trợ xây dựng công trình cổng chào tặng thôn Cù Bai, với tổng kinh phí gần 30 triệu đồng. Già làng Hồ Văn Đôn cho biết: “Già sinh ra ở Cù Bai nên được chứng kiến sự thay đổi của bản làng mình theo thời gian. Mừng lắm vì bản làng ngày càng giàu đẹp. Nhìn chiếc cổng chào ở đầu thôn, già vui lắm vì chưa khi nào có cái cổng chào to, đẹp thế này. Rõ ràng, chiếc cổng này khiến bộ mặt của thôn nhìn khang trang hơn hẳn so với trước”.

Cũng theo già làng Hồ Văn Đôn, trong chiến tranh, người Cù Bai kiên cường, dũng cảm; ngày hòa bình, người Cù Bai vẫn luôn một lòng tin theo Đảng, chăm chỉ, cần mẫn làm ăn, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Người dân cũng tích cực cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Có lẽ, chính những điều ấy khiến những người lính Biên phòng luôn coi việc giúp đỡ người dân không chỉ là tình cảm, mà còn là trách nhiệm. Vào ngày gieo hạt hay ngày mùa, trên cánh đồng lúa nước Cù Bai luôn có màu xanh áo lính. Đồn Biên phòng Hướng Lập cũng kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp cùng chung tay giúp người dân vượt qua khó khăn bằng việc xây nhà, hỗ trợ cây, con giống để ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Trung tá Nguyễn Công Trình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Lập chia sẻ: “Đời sống của bà con nhân dân Cù Bai còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 60%. Việc tiếp cận với các nhu cầu thiết yếu, cơ bản còn thấp so với mặt bằng chung của toàn xã. Do mưa lũ, hệ thống nước tự chảy của thôn bị xuống cấp không sử dụng được, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Thấu hiểu những khó khăn vất vả ấy, chúng tôi đã kêu gọi nhà hảo tâm đóng góp kinh phí để xây dựng. Được dùng nước sạch bà con rất phấn khởi”.

“Khúc hát” đêm biên cương

Ngày vất vả là vậy, nhưng buổi tối, những người lính Biên phòng lại có thêm nhiệm vụ khác. Câu chuyện bắt đầu từ 3 tháng trước, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa triển khai kế hoạch mở lớp học xóa mù chữ tại thôn Cù Bai.

Lễ khánh thành, bàn giao cổng chào bản Cù Bai. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Lễ khánh thành, bàn giao cổng chào bản Cù Bai. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Theo Trung tá Hồ Lê Luận, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập, việc mở các lớp xóa mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rất cần thiết và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Các lớp học này không chỉ giúp người dân nơi biên cương biết đọc, biết viết, mà còn mở ra cơ hội để bà con tìm hiểu, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình kinh tế hay áp dụng vào sản xuất để cuộc sống mỗi ngày ấm no hơn.

Đặc biệt, việc nâng cao dân trí giúp người dân thay đổi nhận thức, bài trừ các hủ tục, tệ nạn xã hội để xây dựng cuộc sống mới; tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng BĐBP thực hiện công tác vận động, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần với người dân hơn. Đồn Biên phòng Hướng Lập đã phối hợp với Ban Giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Lập khảo sát và vận động người dân đăng ký tham gia.

Thực tế, thôn Cù Bai vốn “có nhiều người trở thành cán bộ nhất” trong các bản ở xã Hướng Lập. Điển hình là Chủ tịch UBND xã Hồ Thị Ven hay nhiều người công tác tại BĐBP Quảng Trị, như Thiếu tá Hồ Văn Tiến (nguyên Đội trưởng Đội Kiểm sát hành chính, Đồn Biên phòng Hướng Lập), Trung úy Hồ Văn Chi (nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Thanh). Ông Hồ Sỹ Nói, nhà ở đầu thôn, năm 1976 đã tốt nghiệp Khóa 1, Trường Sĩ quan Biên phòng 2...

Những tấm gương này được các thầy, cô giáo và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập đưa ra để “thuyết phục” những người chưa biết chữ tới lớp. Và 21 học viên, độ tuổi từ 23-59 đã đăng ký tham gia lớp học tại điểm trường Cù Bai (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Lập). Từ thứ 2 đến thứ 6, đúng19 giờ, mọi người lại có mặt đông đủ mang theo đồ dùng học tập bắt đầu “chinh phục” những con chữ, phép toán.

Lớp học đã bước vào tháng thứ 4. Điều đáng mừng là thay vì “học viên rơi rớt” theo thời gian thì lại nhiều hơn danh sách đã đăng ký. Thiếu tá Hồ Văn Lừa (người đứng lớp) cho biết: “Lúc đầu, bà con có tâm lý ngại ngần vì lớn tuổi còn đi học. Thế nhưng, khi lớp học bắt đầu, nhiều người thấy các chị, các cô đi học, còn mình ở nhà thì cũng không yên nên đến lớp đăng ký. Chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận bà con”.

Bà Hồ Thị Bay vui vẻ chia sẻ câu chuyện của mình: “Tôi năm nay 59 tuổi rồi, nhiều tuổi nhất lớp học đấy. Lúc đầu thì ngại đi học lắm vì cũng thấy hơi xấu hổ, rồi ngại học sẽ khó. Thế nhưng, đến lớp, chúng tôi được cô giáo Quý, thầy Tiến, thầy Lừa, thầy Anh hướng dẫn rất tận tình nên giờ đã nhớ hết các mặt chữ, đọc được nhiều rồi. Học xong, khi đi ra xã làm giấy tờ không còn phải nhờ ai viết. Đi mua, bán cái gì cũng có thể tự tin tính toán rồi. Đúng như các anh Biên phòng nói, đi học sẽ giúp mình biết được nhiều thứ hơn”.

Và những điều tưởng chừng như rất giản dị của lớp học biên cương mang lại không chỉ là tri thức, mà còn là tương lai tươi sáng cho đồng bào Vân Kiều ở Cù Bai.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dua-dong-nuoc-con-chu-ve-cu-bai-post464721.html