Du xuân ở Quảng trường Gia Lai ngắm hơn 30.000 hiện vật cổ

Đến với Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP Pleiku, Gia Lai) dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người dân phố núi và du khách sẽ được chiêm ngưỡng hơn 30.000 cổ vật, hiện vật độc đáo của các dân tộc ở 5 tỉnh Tây Nguyên.

Với việc trang trí công phu, đẹp mắt, phù hợp với chủ đề xuân Giáp Thìn 2024, những ngày này, Quảng trường Đại Đoàn Kết đã thu hút hàng ngàn người dân trong và ngoài thành phố tham quan.

Trong đó, nổi bật bởi đường hoa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được thiết kế mang chủ đề chính là "Cao nguyên xanh - Khát vọng vươn xa". Đường hoa là sự kết hợp giữa hình tượng văn hóa đặc trưng của vùng đất cao nguyên Gia Lai với bộ đôi linh vật rồng vàng – xanh.

 Linh vật rồng vàng được đặt tại trung tâm Quảng trường Đại Đoàn Kết

Linh vật rồng vàng được đặt tại trung tâm Quảng trường Đại Đoàn Kết

Đặc biệt ấn tượng ở Quảng trường Đại Đoàn Kết là không gian trưng bày "Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai" với sự góp mặt của hơn 30.000 cổ vật, hiện vật. Đây thực sự đã trở thành điểm đến tham quan hấp dẫn của người dân và du khách dịp Tết Nguyên đán 2024.

 Không gian trưng bày "Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai"

Không gian trưng bày "Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai"

Theo đó, hoạt động trưng bày này do UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Công ty TNHH Việt Mốt, nhà nghiên cứu Đặng Minh Tâm tổ chức, diễn ra trong một năm và kết thúc vào cuối năm 2024. Hoạt động nhằm triển khai hiệu quả Đề án Bảo tồn phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của người đồng bào Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.

 Hơn 30.000 cổ vật, hiện vật độc đáo của các dân tộc ở 5 tỉnh Tây Nguyên được trưng bày tại Quảng trường Đại Đoàn Kết

Hơn 30.000 cổ vật, hiện vật độc đáo của các dân tộc ở 5 tỉnh Tây Nguyên được trưng bày tại Quảng trường Đại Đoàn Kết

Thông qua trưng bày cũng giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc các cổ vật của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, qua đó tiếp tục động viên bà con giữ gìn, phát huy ngành nghề truyền thống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

 Du khách tham quan, tìm hiểu những hiện vật, cổ vật được trưng bày tại quảng trường

Du khách tham quan, tìm hiểu những hiện vật, cổ vật được trưng bày tại quảng trường

Hàng nghìn hiện vật cổ quý hiếm được trưng bày tại Quảng trường Đại Đoàn Kết gắn bó với đời sống, văn hóa của các dân tộc ở Tây Nguyên như: Công cụ dệt, các loại nỏ săn bắn, nhạc cụ dân tộc, trang sức cổ, thổ cẩm đặc trưng của các tộc người, tượng gỗ, ghè, chóe cổ, trống da trâu, tượng gỗ… Cùng với đó, những nếp nhà sàn có bóng dáng người phụ nữ Jrai cần mẫn bên khung dệt; phục dựng ngôi nhà rông Ba Na vững chãi cùng vô số hiện vật dân tộc học trên vách nhà.

Tất cả đã mang đến cho công chúng một cái nhìn tổng thể về các tinh hoa, văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc Tây Nguyên. Đặc biệt, trong không gian trưng bày, triển lãm lần này có bảo vật - chiếc ghế làm từ xương voi trắng có niên đại 700 năm cùng bộ sưu tập dụng cụ săn bắt voi rừng Tây Nguyên có niên đại trên 100 năm của dân tộc M’Nông - Lào.

 Chiếc ghế được làm từ xương voi trắng có niên đại 700 năm

Chiếc ghế được làm từ xương voi trắng có niên đại 700 năm

Nhà nghiên cứu Đặng Minh Tâm, chủ chiếc ghế độc đáo, cho biết: "Ghế được làm bằng từ nhiều khúc xương voi trắng to lớn, kết hợp bằng dây thừng tạo vẻ bề thế, uy nghi, được sưu tầm trong 5 năm ở Đăk Lăk. Ngày xưa, người dân săn bắt voi rừng để làm sức kéo, sản xuất, chở người và hàng hóa.

Các nhóm thợ săn không săn bắt voi mẹ, chỉ săn bắt voi con, voi đực. Trong lịch sử, đối với Tây Nguyên và nhiều nước Đông Nam Á, voi trắng là món quà từ thiên nhiên cực kỳ quý hiếm, được quan niệm mang tới uy quyền, may mắn và thịnh vượng”.

 Trống da voi, da bò có niên đại hàng trăm triệu năm

Trống da voi, da bò có niên đại hàng trăm triệu năm

Chị Nguyễn Thị Thùy Dung (trú tại huyện Đăk Đoa, Gia Lai) cho biết: “Tết năm nào gia đình mình cũng đến Quảng trường Đại Đoàn Kết để du xuân, lưu lại những hình ảnh đầu năm. Năm nay quảng trường trang trí rất đẹp, ngoài bộ đôi linh vật rồng, đặc biệt còn có không gian trưng bày "Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai”.

Ở đây gia đình mình được tận mắt chiêm ngưỡng hàng nghìn cổ vật, tham quan trực tiếp giúp hai vợ chồng có thêm nhiều trải nghiệm, hiểu biết hơn về văn hóa các dân tộc Tây Nguyên”.

 Người dân tham quan những hình thù tượng gỗ độc đáo trưng bày xung quanh trụ đá

Người dân tham quan những hình thù tượng gỗ độc đáo trưng bày xung quanh trụ đá

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: “Qua hoạt động triễn lãm lần này sẽ giúp cho du khách, người dân trong tỉnh được tận mắt chiêm ngưỡng, tìm hiểu các hiện vật gắn với đời sống của đồng bào Tây Nguyên. Đồng thời, qua hoạt động trải nghiệm này, các em học sinh, thế hệ trẻ sẽ được trang bị kiến thức về di sản văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên một cách thiết thực, sống động và bổ ích.

Tôi mong muốn không gian trưng bày như một “bảo tàng mở” phục vụ hoàn toàn miễn phí, để người dân và du khách có cơ hội tìm hiểu các hiện vật gắn với đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Qua đó cùng chung tay bảo vệ, gìn giữ hiện vật, góp phần vào hoạt động bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc”.

Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/du-xuan-o-quang-truong-gia-lai-ngam-hon-30000-hien-vat-co-post284294.html