Du Xuân Hòa Bình - trải nghiệm hấp dẫn

Với địa hình có cả sông hồ trong xanh, núi non hùng vĩ, lại có nhiều điểm di tích văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng đặc sắc, Hòa Bình là một điểm đến du Xuân khá hấp dẫn với nhiều người.

Du lịch lòng hồ Hòa Bình hút khách

Trong ánh nắng vàng hanh hao kèm theo chút se se lạnh cuối Đông còn sót lại, những bếp than nướng cá trên bến tàu Ngòi Hoa chờn vờn nhả từng chùm khói mỏng manh, mang theo mùi thơm rất đặc trưng của cá sông Đà ướp hạt dổi rừng, thứ gia vị quý mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất Hòa Bình.

Lòng hồ Hòa Bình được ví như "vịnh Hạ Long trên cạn". Ảnh: Duyên Bùi

Lòng hồ Hòa Bình được ví như "vịnh Hạ Long trên cạn". Ảnh: Duyên Bùi

Là một trong những cảng mới được đưa vào khai thác phục vụ du lịch lòng hồ Hòa Bình chưa lâu, cảng Ngòi Hoa, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình hoạt động khá tấp nập. Hàng trăm chiếc ô tô khách nhiều màu sắc nối nhau xếp ngay ngắn thành hàng thả khách xuống bến, rồi lại cần mẫn nằm im chờ khách lên bờ.

Đầu năm, nhất là dịp cuối tuần, lượng khách đổ về du lịch lòng hồ Hòa Bình, lễ đền Chúa Thác Bờ khá đông nên nếu không đặt trước, du khách có thể không thuê được tàu riêng cho đoàn.

Năm nay, trên khu vực lòng hồ Hòa Bình chỉ còn khoảng hơn 100 tàu đủ điều kiện phục vụ khách nên nếu không đặt sớm, du khách có thể không thuê được tàu. Ảnh: Duyên Bùi

Năm nay, trên khu vực lòng hồ Hòa Bình chỉ còn khoảng hơn 100 tàu đủ điều kiện phục vụ khách nên nếu không đặt sớm, du khách có thể không thuê được tàu. Ảnh: Duyên Bùi

Đưa tay quệt những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt rám nắng, anh Hạnh - lái tàu cao tốc đón chúng tôi nhoẻn miệng cười: “Khách đông quá nên hai anh em phải chạy sô từ sáng đến giờ, cứ đưa đoàn khách này lên thăm đền là quay lại đón đoàn tiếp theo”.

Chiếc tàu cao tốc vừa đủ chỗ cho gần 20 người trong đoàn, màu sơn, nội thất khá mới và khang trang, rẽ gió lướt sóng băng băng trên lòng hồ Hòa Bình, để lại những vệt nước trắng xóa va vào nhau dập dềnh.

Mặt nước ở vịnh Ngòi Hoa xanh thẫm, êm ả được bao quanh bởi những dãy núi đá nhấp nhô, uốn lượn mang đến cho du khách trải nghiệm như đang ở vịnh Hạ Long.

Cá nướng - đặc sản của du lịch lòng hồ Hòa Bình.

Cá nướng - đặc sản của du lịch lòng hồ Hòa Bình.

Hòa mình trong không gian đầy màu xanh của cây cối, núi non và hơi nước mát lành ấy, mỗi người đều cảm nhận được sự thư thái, nhẹ nhàng trong tâm hồn, gạt đi biết bao lo toan, áp lực của nhịp sống ồn ào nơi phố thị.

Ngày cuối tuần, đền Chúa Thác Bờ đông nghịt du khách đến tham quan, lễ bái. Những bậc cầu thang dẫn lên đền nhộn nhịp người lên, xuống. Những hàng quán hai bên lối đi bày la liệt đủ thứ đặc sản của địa phương từ cá nướng, tôm nướng, trám đen, măng chua, cây thuốc nam đến những chiếc vòng tay xinh xắn, đồ thủ công mỹ nghệ…

Lối lên đề Chúa Thác Bờ tấp nập người lên xuống. Ảnh: Duyên Bùi

Lối lên đề Chúa Thác Bờ tấp nập người lên xuống. Ảnh: Duyên Bùi

Đền Chúa Thác Bờ nằm trên địa phận xã Thung Nai, huyện Cao Phong và xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Đền được xây dựng theo thế nhìn sông tựa núi với phong cảnh hữu tình.

Tương truyền, đền Chúa Thác Bờ thờ hai vị nữ tướng là bà Đinh Thị Vân, người dân tộc Mường và một bà (không rõ tên) người dân tộc Dao. Dưới thời vua Lê Lợi, hai bà đã có công giúp dân và quân vận chuyển lương thực, thuyền bè qua Thác Bờ lên Mường Lễ (Sơn La) dẹp loạn.

Sau khi mất, hai bà thường hiển linh giúp người dân an toàn vượt qua con thác nổi tiếng hiểm trở khi sông Đà chưa ngăn dòng. Nhân dân biết ơn nên lập đền thờ hai bà nhằm tỏ lòng thành kính và mong muốn hai bà sẽ phù hộ, che chở cho họ khỏi nguy hiểm khi đi qua dòng nước.

Đền Chúa Thác Bờ thu hút đông đảo du khách đến tham quan, lễ bái. Ảnh: Duyên Bùi

Đền Chúa Thác Bờ thu hút đông đảo du khách đến tham quan, lễ bái. Ảnh: Duyên Bùi

Di tích đền Chúa Thác Bờ nằm trong chuỗi du lịch lòng hồ sông Đà và di tích danh thắng động Thác Bờ. Hàng năm, đền không chỉ đón một lượng lớn khách hành hương đến xin lộc Chúa Bà mà còn đón cả khách du lịch tới tham quan, thưởng ngoạn phong vị của “vịnh Hạ Long trên cạn”.

Hồ Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, có chiều dài 70km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, TP của tỉnh Hòa Bình. Trong khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn, nhỏ với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng cùng nền văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc như Mường, Tày, Dao, Thái. Hiện, tỉnh Hòa Bình đang thực hiện các bước đầu tư, tôn tạo để khu du lịch hồ Hòa Bình sớm đáp ứng các tiêu chí khu du lịch quốc gia.

Nhiều điểm du lịch sinh thái, cộng đồng hấp dẫn

Tỉnh Hòa Bình đang thực hiện các bước đầu tư, tôn tạo để khu du lịch hồ Hòa Bình sớm đáp ứng các tiêu chí khu du lịch quốc gia. Ảnh: Duyên Bùi

Tỉnh Hòa Bình đang thực hiện các bước đầu tư, tôn tạo để khu du lịch hồ Hòa Bình sớm đáp ứng các tiêu chí khu du lịch quốc gia. Ảnh: Duyên Bùi

Đến Hòa Bình, du khách có rất nhiều lựa chọn để dừng chân nghỉ ngơi như khu du lịch Mai Châu, khu du lịch suối khoáng Kim Bôi… Nằm ngay giáp Thủ đô Hà Nội, những năm gần đây, du lịch Hòa Bình càng khẳng định sức hút khi hàng loạt khu nghỉ dưỡng ra đời với nhiều tiện ích, song vẫn giữ được bản sắc văn hóa của một vùng đất cổ gắn liền với đời sống đồng bào dân tộc Mường, Thái, Mông, Dao...

Hiện nay tỉnh Hòa Bình đang triển khai Dự án phát triển hạ tầng du lịch tỉnh Hòa Bình (vay vốn ADB) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất dự án tại Quyết định số 1016/QĐ-TTg ngày 30/8/2022. Dự án bao gồm 3 hạng mục gồm: Xây dựng cầu Hòa Bình 5, nâng cấp cảng Thung Nai, xây dựng đường ven hồ trên khu du lịch Hòa Bình với tổng mức đầu tư chung đã xác định là khoảng 2.937 tỷ đồng.

Với người trẻ đam mê khám phá, việc tìm ra những địa điểm mới lạ luôn là ưu tiên hàng đầu và huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình là một trong số đó.

Men theo tuyến Tỉnh lộ 436 ngoằn nghèo, uốn lượn quanh những ruộng lúa xanh non mới cấy, chúng tôi đến với xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, một trong những xã trung tâm vùng Mường Bi, có trên 95% người dân tộc Mường sinh sống với nền văn hóa lâu đời.

Du khách thích thú khám phá, check-in ruộng lúa bậc thang tại xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Du khách thích thú khám phá, check-in ruộng lúa bậc thang tại xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Tỉnh lộ 436 khá nhỏ, mặt đường nhiều đoạn còn gồ ghề như chính nét mộc mạc, hoang hoải của vùng núi Tân Lạc. Hé cửa kính ô tô, hít hà cái không khí trong lành ngày đầu Xuân, mùi ngai ngái của cỏ cây, mới thấy trọn vẹn hai chữ “bình yên”.

Xe đến Ún’s House – Homestay, xóm Mương Dạ, xã Nhân Mỹ vừa kịp xế chiều. Khiến – cô quản lý trẻ xinh xắn của homestay, người dân tộc Mường cùng một vài nhân viên ở đây, tươi cười, đon đả chào khách rồi xăng xái hỗ trợ khách vận chuyển những chiếc va li, ba lô, túi xách lỉnh kỉnh.

Ún’s House – Homestay nằm trên một sườn đồi cao, phóng tầm mắt ra xa là nhìn thấy cả cánh đồng ruộng bậc thang uốn lượn một màu xanh non của lúa mới cấy. Phía bên kia là dãy núi điệp trùng, nhấp nhô được bao phủ bởi những màn mây lãng đãng, ánh lên sắc vàng kim lấp lánh khi những tia nắng cuối ngày xiên qua, đẹp như một miền cổ tích.

Ún’s House – Homestay nhìn từ trên cao.

Ún’s House – Homestay nhìn từ trên cao.

Chị Phạm Thị Thủy, chủ Ún’s House – Homestay chia sẻ, ban đầu chị xây dựng Ún’s House – Homestay như một chốn để đi về, nghỉ ngơi cuối tuần. Là một người ưa khám phá, chị Thủy đã đặt chân đến rất nhiều nơi và rồi say đắm bén duyên với vùng đất Mương Dạ, xã Nhân Mỹ bởi khí hậu trong lành, người dân hiền hòa, dễ mến và đặc biệt là nét văn hóa Mường độc đáo.

Thế rồi, từ chỗ chỉ là nơi gia đình nghỉ ngơi, giờ đây Ún’s House – Homestay đã được mở rộng với hai khối nhà sàn, hơn 10 phòng rộng rãi, đáp ứng cho vài chục du khách với tiện nghi đủ đầy, cảnh quan được chăm chút tỉ mỉ từng cụm cây xanh, hoa tươi, bộ bàn ghế gỗ mộc mạc…

Du khách thích thú check-in hoàng hôn tại Ún’s House – Homestay.

Du khách thích thú check-in hoàng hôn tại Ún’s House – Homestay.

Chị Thủy chia sẻ, từ ra Tết đến nay, lúc nào Ún’s House – Homestay cũng đông khách, đặc biệt nơi đây còn được nhiều đoàn khách chọn làm địa điểm tổ chức dã ngoại, team building, các khóa tập huấn, khóa thiền…

Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hòa Bình Bùi Xuân Trường cho biết, ngoài thế mạnh về nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, phong cảnh hữu tình với núi non, sông hồ, hang động, thác nước… Hòa Bình còn là vùng đất cổ với nhiều di chỉ khảo cổ và nền văn hóa Mường đậm đà. “Đây chính là nguyên liệu quý để tỉnh phát triển du lịch” – ông Bùi Xuân Trường bày tỏ.

Những ruộng lúa bậc thang tuyệt đẹp tại xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Những ruộng lúa bậc thang tuyệt đẹp tại xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Theo thống kê, năm 2022, tỉnh Hòa Bình đón hơn 3,1 triệu du khách, trong đó khách quốc tế đạt hơn 137.500 lượt, khách nội địa hơn 2,9 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 3.614 tỷ đồng.

Năm 2023, tỉnh phấn đấu đón được 3.500.000 lượt khách thăm quan du lịch, trong đó khách quốc tế là 450.000 lượt khách, khách nội địa 3.050.000 lượt. Thu nhập từ du lịch đạt 3.900 đồng.

Du khách trải nghiệm hoạt động lội suối bắt cá tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Du khách trải nghiệm hoạt động lội suối bắt cá tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Hòa Bình cho biết, để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tập trung phát triển nhiều sản phẩm du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch thể thao

Cùng với đó, ngành du lịch tỉnh cũng từng bước khắc phục những hạn chế về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Đồng thời ưu tiên thu hút đầu tư phát triển du lịch, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, liên kết, hợp tác phát triển du lịch...

Những năm trước, trên khu vực hồ Hòa Bình có khoảng 300 tàu các loại phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên năm nay, tỉnh siết chặt công tác quản lý tàu thuyền, nhất là đăng kiểm, chấn chỉnh các phương tiện không đạt. Do vậy, hiện chỉ còn hơn 100 tàu thuyền phục vụ khách trên lòng hồ, kéo theo giá vé cũng tăng.

Chúng tôi kỳ vọng, sau đợt chấn chỉnh, các chủ tàu thuyền sẽ hoàn thiện hồ sơ, đưa phương tiện vào hoạt động chuyên nghiệp, quy củ hơn, qua đó bảo đảm an toàn cho du khách và xây dựng hình ảnh đẹp về du lịch Hòa Bình.

Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hòa Bình Bùi Xuân Trường

Thiên Tú - Phạm Công

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/du-xuan-hoa-binh-trai-nghiem-hap-dan.html