Du xuân Hà Nội qua các tác phẩm hội họa

Không khí đón Tết cổ truyền và phong cảnh của Thăng Long-Hà Nội vẫn luôn là nguồn cảm hứng dồi dào cho các họa sĩ sáng tác.

Hà Nội cổ kính thâm nghiêm; Thủ đô rộn ràng lộng lẫy và lịch lãm; những hoa, những gương mặt người rạng rỡ đón Xuân,... các sắc thái phong phú ấy mang đến nhiều trải nghiệm và cảm xúc cho khách tham quan trong Triển lãm mỹ thuật “Xuân Hà Nội”.

Triển lãm khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) trong ngày đầu năm mưa phùn gió bấc đặc trưng thời tiết áp Tết của Hà Nội (và diễn ra đến hết ngày 25/2 - tức 16 tháng Giêng năm Giáp Thìn), vẫn có sức thu hút đông đảo người dân Thủ đô và du khách yêu hội họa.

Khách tham quan thưởng lãm bộ tranh dân gian “Tứ bình” bằng công nghệ trình chiếu kỹ thuật số.

36 tác phẩm hội họa trưng bày tại Triển lãm được chọn lọc từ bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và dòng tranh dân gian Hàng Trống nổi tiếng của Hà Nội, với ý nghĩa chào Xuân Giáp Thìn 2024, kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024) và hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).

Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam-Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, mùa xuân Hà Nội xuất hiện trong tác phẩm của cả các nghệ sĩ từng sống và gắn bó với Hà Nội, hay dù chỉ một lần dừng chân trên mảnh đất thiêng lắng hồn núi sông ngàn năm này. Cùng với việc giới thiệu các tác phẩm bản gốc, sự kết hợp với kỹ thuật đồ họa, trình chiếu mapping 3D (không gian ba chiều) đem đến cho người xem hiệu ứng thị giác rất ấn tượng và trải nghiệm mới mẻ.

“Thời gian tới, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục khai thác tính ưu việt của công nghệ số trong việc phát huy giá trị các tác phẩm mỹ thuật, đặc biệt là các tác phẩm quý, bảo vật quốc gia sẽ thường xuyên xuất hiện hơn, tiếp cận nhiều hơn với công chúng trong nước và quốc tế” - Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh.

Chiêm ngưỡng “Xuân Hà Nội”, có thể nhận thấy tuy số lượng tranh không hẳn nhiều nhưng đều là những tác phẩm đặc sắc, dù vẽ Tết xưa cách đây nhiều thập kỷ nhưng cho đến nay những vẻ đẹp của phố xá và con người, của những phong tục đón Tết đậm giá trị truyền thống văn hóa Việt vẫn vẹn nguyên với người Hà Nội ở nhịp sống hối hả hiện tại.

Triển lãm còn giúp công chúng tiếp cận tác phẩm của nhiều danh họa thuộc “thế hệ mỹ thuật Đông Dương” với cá tính nghệ thuật riêng và những chất liệu đặc trưng làm nên tên tuổi họ. Chẳng hạn như đề tài du xuân, vãng cảnh, lễ chùa được các danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Nghĩa Duyện, Nguyễn Trọng Kiệm, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Trọng Vũ... tái hiện qua các tác phẩm: Phố, Làng hoa Ngọc Hà, Gò Đống Đa, Văn Miếu, Chùa Láng, Hội đền Phù Đổng, Xuân Hồ Gươm...

Tại triển lãm, họa sĩ Trần Nguyên Đán xúc động khi bức tranh bột mầu Thăng Long-Đông Đô (vẽ năm 1984) của mình được nhiều người xem tán thưởng. Họa sĩ có sự nghiệp mỹ thuật đồ sộ, từng giành nhiều giải thưởng mỹ thuật uy tín và được biết đến với nhiều tác phẩm mang tính dân tộc, cảm hứng dân gian, năm nay đã ở tuổi 83. Ông cho biết tác phẩm Thăng Long-Đông Đô vẽ quang cảnh khai hội Gò Đống Đa vào ngày mồng 5 Tết Nguyên đán (lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, tưởng nhớ và tri ân công ơn của Vua Quang Trung-Nguyễn Huệ). Đối với nhiều người con Hà Nội cũng như du khách thập phương, lễ hội Gò Đống Đa là điểm du xuân đặc biệt dịp đầu năm, gắn với nhiều truyền thống và kỷ niệm đẹp.

Tết Nguyên đán cổ truyền ở Hà Nội - cũng giống như nhiều vùng miền khác trên khắp đất nước - có chợ Tết, chợ hoa xuân, mâm ngũ quả... nhưng lại mang nhiều đặc trưng riêng. Các danh họa Lê Quốc Lộ, Nguyễn Tư Nghiêm, Phạm Việt Hải, Nguyễn Tiến Chung, Phạm Văn Đôn, Trần Lưu Hậu, Nguyễn Ngọc Tuấn... đã vẽ nên những bức tranh đầy sức sống của Hà Nội với cảnh dòng người đi chợ mua đào, các thiếu nữ mặc áo dài xuống phố, xe cộ tấp nập trên những nẻo đường Hà thành, hay thời khắc muôn người náo nức chờ đón Giao thừa. Mỗi chất liệu khác nhau (tranh lụa, khắc gỗ, sơn dầu, bột mầu...) lại mang đến hiệu ứng và cảm xúc khác biệt.

Tác phẩm tĩnh vật Hoa quả Tết (năm 1977) của họa sĩ Trần Lưu Hậu gây ấn tượng với bố cục hoàn hảo và màu sắc ấm áp, tươi vui, khơi gợi liên tưởng của mỗi người về tuổi thơ, gia đình và cội nguồn.

Một tác phẩm “nhìn là thấy Tết” khác là Đón giao thừa (năm 1957) của họa sĩ Lê Quốc Lộc (được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật năm 2000). Cố danh họa chuyên vẽ sơn mài bằng kỹ thuật truyền thống, chọn chủ đề về quê hương, đất nước.

Sau khi thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật theo cách truyền thống, khách tham quan triển lãm sẽ bước vào gian phòng trình chiếu đồ họa kỹ thuật số với công nghệ màn chiếu tân tiến kết hợp với âm nhạc. Bộ tranh dân gian Tứ bình hiện lên với hình ảnh chim én chao liệng, cánh hoa đào, hoa mai rung rinh trong gió thoảng rồi khẽ rời cành... Các tác phẩm khổ nhỏ vẽ “Xuân Hà Nội” cũng được phóng lớn với độ phân giải cao đến từng chi tiết, giúp khách tham quan như được hòa mình vào tranh, hoặc ghi lại những bức ảnh “check-in” mà mình trở thành nhân vật chính.

Một trong những khoảnh khắc dễ thương, đáng nhớ tại triển lãm là khi nữ họa sĩ Nguyệt Nga và con trai - nguyên mẫu trong tác phẩm Ngày Tết Nguyên đán (năm 1981), sau gần nửa thế kỷ đã cùng đứng bên tranh và giao lưu với khán giả.

Bức tranh khắc gỗ với khung cảnh giản dị nhưng thân thuộc với hàng triệu gia đình miền bắc một thời: một em bé thơ ngây má hồng mặc áo bông đỏ, đi giày đỏ đứng bên chậu hoa đào. Nữ họa sĩ đã 84 tuổi rưng rưng xúc động bên “đứa con tinh thần” của mình, kể rằng, bà thực hiện tác phẩm với cảm hứng là chính con trai mình, khi ấy mới bốn tuổi. Ngắm tranh, bà như được sống lại ký ức đam mê hội họa và những mùa Tết đã đi qua trong cảm xúc ấm áp của tình thân gia đình.

Triển lãm “Xuân Hà Nội” đã góp thêm một địa chỉ văn hóa cho người dân Thủ đô và du khách, lan tỏa vẻ đẹp của hội họa và truyền thống văn hóa Việt Nam trong dịp đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn này.

Theo Báo Nhandan.vn

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giai-tri/du-xuan-ha-noi-qua-cac-tac-pham-hoi-hoa/206669.htm