Dự thảo Luật Đường bộ: Thanh tra đường bộ không được dừng xe xử lý vi phạm

Dự thảo Luật Đường bộ quy định theo hướng Thanh tra đường bộ không kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường, chỉ xử lý thông qua các điểm giao thông 'tĩnh', cơ sở dữ liệu.

Sáng 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết dự án Luật Đường bộ là dự án luật được Quốc hội, Chính phủ tích cực chuẩn bị công phu trong thời gian dài. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, báo cáo làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, tiếp thu ý kiến của các Đoàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các cơ quan hữu quan theo quy định.

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Trọng Hải)

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Trọng Hải)

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ. Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Trong quá trình thảo luận về dự thảo luật, liên quan đến việc quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ, đa số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo luật.

Trong đó, một số ý kiến đề nghị quy định lực lượng Thanh tra đường bộ được dừng phương tiện để xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; một số ý kiến đề nghị quy định rõ lực lượng Thanh tra đường bộ không thực hiện thanh tra đối với hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kiểm định phương tiện trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân.

Nói rõ thêm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu, bổ sung tại khoản 2 Điều 83 của dự thảo luật để bảo đảm thống nhất với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; bởi lẽ, việc thanh tra hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và kiểm định phương tiện trong lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến ĐBQH, bổ sung tại khoản 2 Điều 83 của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, vì việc thanh tra hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và kiểm định phương tiện trong lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện”, ông Lê Tấn Tới cho hay.

Đối với ý kiến đề nghị quy định Thanh tra đường bộ được dừng phương tiện để xử lý, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, để bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng Thanh tra đường bộ, tránh phiền hà cho người tham gia giao thông khi có nhiều lực lượng có thẩm quyền xử lý vi phạm trên đường bộ, dự thảo Luật quy định theo hướng Thanh tra đường bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, không thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường, chỉ xử lý trách nhiệm thông qua các điểm giao thông “tĩnh”, qua cơ sở dữ liệu; việc tuần tra, xử lý trên đường do lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện.

Anh Thư

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/du-thao-luat-duong-bo-thanh-tra-duong-bo-khong-duoc-dung-xe-xu-ly-vi-pham-88237.html