Dư nợ cho vay hợp tác xã đạt hơn 6.000 tỷ đồng 2 tháng đầu năm

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với HTX, Liên hợp Hợp tác xã (LHHTX) đạt 6.024 tỷ đồng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023 cho khoảng 1.200 HTX, LHHTX.

Tại Hội thảo “Tháo vỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp cùng Liên minh HTX Việt Nam tổ chức sáng 23/4, bà Phạm Thị Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết NHNN đã trình Chính phủ ban hành nghị định riêng về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó quy định nhiều cơ chế tín dụng ưu đãi đối với kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX).

Cụ thể, chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm (TSBĐ) tối đa 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác; tối đa 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã; tối đa 2 tỷ đồng đối với hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tối đa 3 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ;

Mức cho vay không có TSBĐ đối với HTX, Liên hiệp HTX sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị tối đa từ 70% đến 80% giá trị của dự án vay vốn liên kết.

Cá nhân, hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là thành viên HTX được vay không TSBĐ từ 100 đến 500 triệu đồng tùy mục đích SXKD.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN). Ảnh: SBV.

HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác được hưởng trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ thấp hơn lĩnh vực sản xuất thông thường từ 1-1,5% (hiện áp dụng 4%/năm) khi hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên; được giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng khi khách hàng mua bảo hiểm trong nông nghiệp.

NHNN cũng đề xuất cơ chế đặc thù trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai dịch bệnh trên phạm vi rộng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; khoanh nợ).

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với HTX, Liên hợp Hợp tác xã (LHHTX) đạt 6.024 tỷ đồng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023 cho khoảng 1.200 HTX, LHHTX.

Trong đó, tín dụng đối với HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 2.000 tỷ đồng; cho vay không có TSBĐ đối với HTX, LHHTX trong nông nghiệp đạt 153 tỷ đồng (Cho vay không có TSBĐ trong nông nghiệp nói chung đạt 647.000 tỷ đồng). Cho vay liên kết trong nông nghiệp đạt 10.012 tỷ đồng, tăng 3,76% so với 31/12/2023. Các HTX không phát sinh dư nợ vay theo mô hình liên kết.

Theo loại hình tổ chức tín dụng (TCTD), dư nợ chủ yếu tập trung tại khối Ngân hàng thương mại nhà nước, chiếm tỷ trọng 79%.

Thực tế hiện nay nhiều HTX gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Những khó khăn này được nhận diện chủ yếu xuất phát từ điều kiện nội tại của các HTX chưa đáp ứng các điều kiện tín dụng.

Do đó, bên cạnh giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía, cần sự nỗ lực của bản thân từng HTX, của từng thành viên để tổ chức hoạt động, quản lý một loại hình kinh tế tập thể phù hợp, hiệu quả, đúng bản chất.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX, thời gian tới NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng;

Tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản và phù hợp với đối tượng khách hàng là các HTX, nhưng vẫn phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật và quản lý được chất lượng tín dụng; Nghiên cứu, triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của KTTT, HTX, tăng cường kết nối để tháo gỡ khó khăn trong vay vốn.

Ngọc Tuân

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/du-no-cho-vay-hop-tac-xa-dat-hon-6-000-ty-dong-2-thang-dau-nam-2273556.html