Đủ nguồn lực để 'chặn' lạm phát, bão giá

Giá thực phẩm tăng cao trở lại, khiến áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm rất lớn. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ nỗ lực 'gồng mình' bình ổn giá, còn sản xuất trong nước đang có những tín hiệu khả quan. Điều này cho thấy, cung - cầu nông sản (thịt lợn, lúa gạo, rau quả…) những tháng cuối năm sẽ không căng thẳng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định, giá các mặt hàng trong nền kinh tế đang tăng rất mạnh, từ giá vận tải hành khách, giá lương thực thực phẩm, giá ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ vui chơi giải trí, giá các mặt hàng may mặc, giày dép...

Bình ổn để không tạo mặt bằng giá mới

Tổng cục Thống kê công bố lạm phát 6 tháng đầu năm của Việt Nam chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, nhưng trên thực tế ông Long cho rằng “sức nóng” từ việc tăng giá hàng hóa, dịch vụ còn cao hơn nhiều. “Từ xe ôm, dân văn phòng…đến bà nội trợ giờ đều cảm nhận rất rõ áp lực tăng giá trong từng bữa ăn", ông Long nói.

Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, nhưng các nhà sản xuất nỗ lực bình ổn, phát huy vai trò để giữ giá tốt nhất cho người tiêu dùng.

Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, nhưng các nhà sản xuất nỗ lực bình ổn, phát huy vai trò để giữ giá tốt nhất cho người tiêu dùng.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế, lượng cầu tăng rất nhanh, trong khi cung thiếu sẽ tác động trực tiếp tới chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước, giá thành sản phẩm, đẩy giá hàng hóa lên cao, tăng áp lực lạm phát. Đặc biệt, hiện giá lương thực thực phẩm (chiếm 28% quyền số trong rổ hàng hóa CPI) tăng trở lại khi dịch được kiểm soát, nhu cầu người dân tăng lên cũng gây áp lực không nhỏ với lạm phát.

Điển hình, qua 6 tháng, gía xăng dầu tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm; giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ( giá xi măng, sắt thép, cát…) tăng đến gần 8% làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm... Như vậy, có thể thấy lạm phát của Việt Nam không phải đến từ chính sách tiền tệ, mà chủ yếu do “nhập khẩu lạm phát.

Trong thời điểm giá cả tăng, với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang nỗ lực bình ổn, phát huy vai trò để giữ giá tốt nhất cho người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Hiền (chủ siêu thị mini H7 tại Linh Đàm, Hà Nội) cho rằng, giá xăng dầu tăng cao đã khiến nhiều mặt hàng thực phẩm liên tục biến động. Mặc dù siêu thị cũng đang cố gắng kìm giá bán, tăng sản phẩm khuyến mại nhưng hiện một số nhà cung cấp đã đề xuất tăng giá bán những mặt hàng thiết yếu từ 15/7.

“Để hạn chế mức tăng giá bán, siêu thị cũng đã chủ động tăng 20% lượng hàng dự trữ trong 2 tháng sắp tới, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như mì tôm, dầu ăn, gạo... Với các mặt hàng đông lạnh, siêu thị cũng tăng khoảng 10% để cung cấp hàng tuần cho người tiêu dùng”, chị Hiền cho hay.

Theo nhiều nhà cung cấp tại các hệ thống siêu thị lớn như MM Mega Market, Lotte mart, Winmart,... Việc tăng lượng thu mua sẽ giúp họ bán được mức giá tốt hơn và duy trì được giá bán ổn định nhờ lượng hàng dự trữ lớn.

Ngoài việc tăng lượng hàng dự trữ, những đơn vị này cũng chấp nhận giảm lợi nhuận để phối hợp với nhà cung cấp tăng cường các chương trình khuyến mãi 10 - 20% cho những mặt hàng có mức tăng giá cao như dầu ăn, nước mắm, gia vị, gạo, sữa...

Dư địa kiểm soát lạm phát còn khá lớn

Mặc dù, áp lực tăng giá các mặt hàng hóa là rất lớn, nhưng các chuyên gia cho rằng dư địa kiểm soát lạm phát trong năm nay vẫn còn nhiều. Tại hội thảo về giá được tổ chức ngày 6/7, PGS, TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính đưa ra dự báo CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 3,3% - 3,9%. Ông cho rằng, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thời gian qua phát triển khá tốt với nhiều tín hiệu khả quan cho thấy cung - cầu nông sản (thịt lợn, lúa gạo, rau quả…) ở Việt Nam những tháng cuối năm 2022 sẽ không căng thẳng, giúp cho giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm không bị tăng đột biến…

Một nguyên nhân “kìm” đà tăng của lạm phát đó là cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra.

Đồng tình, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế, Tài chính nhận định với mức lạm phát hiện nay, dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm nay còn khá lớn.

Hiện nay, giá xăng dầu và giá nhiều nguyên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và Fed tăng lãi suất mạnh với tần suất cao. Bởi vậy, kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn là giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới và tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ ở mức thấp hơn 0,5%/tháng. Theo kịch bản này, TS. Nguyễn Đức Độ dự báo lạm phát trung bình trong năm nay sẽ trong tầm kiểm soát, ở mức dưới 3,5%.

Căn cứ diễn biến giá cả thị trường đầu năm 2022 và dự báo cho cả năm, Bộ Tài chính nhìn nhận, việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2022 sẽ có nhiều rủi ro. Vì vậy, để bình ổn giá từ nay đến cuối năm, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp, trong đó tập trung thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Cơ quan chức năng tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/du-nguon-luc-de-chan-lam-phat-bao-gia-1086499.html