Dữ liệu số là tài sản của quốc gia

Ngày 22/9, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng UBND tỉnh Bình Định và Hội Tin học Việt Nam tổ chức Hội thảo hợp tác phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam lần thứ 24 năm 2023, tại TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng phụ trách, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình bày về nội dung chuyển đổi số quốc gia năm 2023.

Hiện nay, các bộ ngành, địa phương đang thực hiện các văn bản của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số. Trong đó tập trung vào 3 trụ cột chuyển đổi số quốc gia gồm: Chính phủ số; kinh tế số; xã hội số.

Ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Quốc gia.

Định hướng năm 2023 “năm dữ liệu số”, các bộ ngành và địa phương tập trung xây dựng dữ liệu, triển khai nền tảng, phân tích dữ liệu.

Trong nhiệm vụ quý 4 năm 2023, khẩn trương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, công khai thông tin về dịch vụ chia sẻ dữ liệu theo quy định của Nghị định số 47 năm 2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, công khai trên toàn quốc để các địa phương làm căn cứ xác định các cơ sở dữ liệu của mình. Ban hành kế hoạch về dữ liệu mở, bao gồm danh mục dữ liệu mở, kế hoạch công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý; cung cấp lần đầu dữ liệu mở theo kế hoạch.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ định hướng phát triển công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giai đoạn tới.

Cùng trao đổi, đề xuất kiến nghị các giải pháp, nhiệm vụ, hành động, phương thức phối kết hợp, phương án huy động nguồn lực, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm triển khai các nội dung về chuyển đổi số.

Ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại hội thảo

Theo ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đối với tỉnh Bình Định, thời gian qua, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của các ngành, đơn vị trong tỉnh, nhiệm vụ chuyển đổi số của Bình Định đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp đã từng bước dựa vào dữ liệu; công nghiệp công nghệ thông tin có nhiều khởi sắc với việc hình thành Khu Công viên phần mềm Quang Trung – Bình Định và sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam.

Đặc biệt, Bình Định đang phấn đấu xây dựng Quy Nhơn trở thành một trong những Trung tâm trí tuệ nhân tạo của cả nước trong thời gian đến.

“Peter Drucker - chuyên gia hàng đầu thế giới về tư vấn quản trị, người được mệnh danh là “cha đẻ của quản trị kinh doanh hiện đại” đã khẳng định: “Cái gì không đo lường được thì không quản lý được”; Bộ Thông tin và Truyền thông chọn năm 2023 là “Năm dữ liệu số”; và đặc biệt với chủ đề của Hội thảo năm nay là “Dữ liệu số và các nền tảng hỗ trợ ra quyết định” – cùng với mục tiêu chính là “Hợp tác – Phát triển”, chúng tôi tin tưởng rằng Hội thảo lần thứ 24, năm 2023 tại Bình Định sẽ là nơi tiếp thêm động lực để các nền tảng số thực sự đi vào cuộc sống, trở thành các công cụ hỗ trợ ra quyết định cho các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp”, ông Tuấn cho hay.

Ký kết biên bản ghi nhớ về việc phối hợp triển khai, thúc đẩy chữ ký số trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Quốc gia cho biết, dữ liệu số và nền tảng số là 2 thành tố cơ bản nhất của chuyển đổi số.

Dữ liệu được sinh ra từ các nền tảng và được khai thác từ các nền tảng, có dữ liệu thì các nền tảng hoạt động mới hiệu quả. Chính vì vậy, các bộ ngành và địa phương cần tập trung kết nối chia sẽ dữ liệu, mở dữ liệu để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này.

Dữ liệu số cũng không phải phần cứng cũng không phải phần mềm, không phải nền tảng số mà tài sản của các bộ, ngành địa phương, tài sản của quốc gia là dữ liệu số.

Vì vậy một ngày nào đó chúng ta có thể thay phần cứng, có thể thay phần mềm, có thể thay nền tảng nhưng dữ liệu sẽ là tài sản còn mãi.

“Tôi rất mong muốn các bộ ngành địa phương thúc đẩy chuyển đổi số tại lĩnh vực mình, địa bàn mình. Điều đầu tiên cần tập trung phát triển dữ liệu ngành, dữ liệu địa phương mình. Cần tập trung kết nối chia sẻ dữ liệu, mở dữ liệu để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này. Dữ liệu càng được chia sẻ, càng được dùng nhiều càng tạo ra giá trị”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đức Hồ

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/du-lieu-so-la-tai-san-cua-quoc-gia-396650.html