Du lịch xanh phía Tây Quảng Nam gặp khó vì 'điểm nghẽn' hạ tầng

Du lịch xanh phía Tây Quảng Nam được các đươn vị đầu tư với nhiều mô hình độc đáo, nhưng nỗi lo liên kết tour, hạ tầng đang là 'điểm nghẽn' lớn.

Bám theo xe chiếc xe máy của “phượt thủ” Nguyễn Văn Tùng (36 tuổi, Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng) ngang dọc trên đường ĐT. 609- tuyến huyết mạch nối từ vùng Đông Quảng Nam, Đại Lộc lên phía Tây (Đông Giang, Quảng Nam) không ít lần, cánh “lái mới” phải bất ngờ trước những đoạn đường bị hư hỏng, xuống cấp.

Đáng kể, đoạn qua các xã của huyện Đông Giang xuất hiện ổ gà, bong bật mặt đường bê tông nhựa. “Đi phượt thế này cũng có cái thú vui riêng, vừa ngắm núi đồi trập trùng, nhưng cũng mệt vì phải căng mắt, luyện tay lái tránh đường hư”, anh Tùng cười nói.

Một đoạn tuyến ĐT 609 phát sinh hư hỏng năm 2021. Chủ trương phát triển du lịch xanh phía Tây tỉnh Quảng Nam rất cần sự đầu tư đồng bộ, đặc biệt hạ tầng, hệ thống giao thông kết nối.

Một đoạn tuyến ĐT 609 phát sinh hư hỏng năm 2021. Chủ trương phát triển du lịch xanh phía Tây tỉnh Quảng Nam rất cần sự đầu tư đồng bộ, đặc biệt hạ tầng, hệ thống giao thông kết nối.

Ghi nhận PV, tuyến ĐT.609 từ Đại Lộc lên phía Đông Giang đang bị xuống cấp nặng. Theo ông Hồ Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, ĐT.609 là đường trọng yếu của huyện, không chỉ kết nối lên Đông Giang mà cả Tây Giang và khu cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc.

"Đường được đầu tư lâu đời, cùng với ảnh hưởng mưa lũ, thiên tai liên tiếp trong thời gian qua, đoạn tuyến khoảng 20km qua huyện đang bị hư hỏng, xuống cấp cần được nâng cấp, sửa chữa kịp thời, vừa đảm bảo giao thông, vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đặc biệt du lịch trên địa bàn", ông Minh nói.

Đông Giang là 1 trong 9 huyện miền núi được HĐND tỉnh ra nghị quyết hỗ trợ phát triển du lịch từ năm 2018 đến năm 2025 với tổng số 21 điểm du lịch trên các địa bàn này.

Năm 2021, UBND tỉnh Quảng nam cũng ban hành Quyết định xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới theo hướng xanh, bền vững, an toàn để thu hút khách, tạo nét độc đáo, khác biệt đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường chủ trương, trong đó nhấn mạnh khu vực du lịch phía Tây tỉnh với nhiều cơ chế chính sách, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ.

Chủ trương là vậy nhưng thời gian qua, du lịch miền núi Quảng Nam vẫn chưa thể bứt phá do hứng chịu tác động của dịch Covid-19 và “điểm nghẽn” giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu. Điển hình như khu Du lịch Cổng Trời Đông Giang đưa vào vận hành thử nghiệm từ ngày 29/4 để đón dịp nghỉ lễ 30/4-1/5/2022, nhưng thách thức lớn nhất vẫn là hạ tầng đang có dấu hiếu xuống cấp. Ngoài ĐT.609, các tuyến giao thông khác như QL.14G... chủ yếu có quy mô mặt đường nhỏ 3,5-4,5m, nhiều vị trí phát sinh hư hỏng.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Liên hợp vận tải và du lịch VITRACO (gọi tắt VITRACO), chuyên về lữ hành du lịch cho biết, nhiều đoàn khách có nhu cầu lên du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở khu vực Đông Giang, Tây Giang nhưng đường xá vẫn là nỗi lo thường trực.

Đường dẫn từ ĐT. 609 vào Khu dư lịch Cổng trời Đông Giang

Đường dẫn từ ĐT. 609 vào Khu dư lịch Cổng trời Đông Giang

Theo ông Tùng, muốn phát triển du lịch xanh bền vững, Quảng Nam cần ưu tiên đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ cho hạ tầng, đặc biệt giao thông. Khảo sát của VITRACO, từ Đà Nẵng lên KDL Cổng trời Đông Giang chừng 150km, nhưng mất vài chục km đường qua Đông Giang đã xuống cấp nặng. Nếu đi vòng qua đường HCM sẽ kéo dài quãng đường, mất thời gian.

Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam cho biết, sau thời gian dài khai thác, cộng thêm sự tác động của mưa lũ, nhiều đoạn ĐT.609 bị hư hỏng. Hiện, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng ĐT609 này, với tổng vốn đầu tư 260 tỷ đồng và giao Ban QLDA các công trình giao thông Quảng Nam chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, Quảng Nam phối hợp Bộ GTVT tăng cường nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025, tập trung một số dự án như Mở rộng QL.40B (đã hoàn thành kết nối đến Tiên Phước, chuẩn bị triển khai đoạn nối đến Trà My và 02 cầu Sông Trường, Nước Oa trên tuyến, tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng); QL14E (Bộ GTVT đang chuẩn bị thực hiện với kinh phí 1.830 tỷ đồng); Mở rộng, nâng cấp các công trình cầu trên ĐT.609 (Phong Thử, Hà Tân trên 400 tỷ đồng)…

Theo lãnh đạo Ban QLDA các công trình giao thông Quảng Nam, đơn vị tập trung đẩy nhanh các thủ tục và khởi công dự án nâng cấp, mở rộng ĐT.609 từ tháng 6/2022 tới. Ngoài ra, Quảng Nam xúc tiến nguồn vốn ODA để triển khai đề án nâng cấp hạ tầng phục vụ địa bàn miền núi với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng, trong đó có Đông Giang, Tây Giang để sớm khởi công hệ thống đường liên xã, huyện này vào tháng 8/2022.

Theo đại diện tập đoàn FVG (chủ đầu tư KDL sinh thái Cổng trời Đông Giang), để khắc phục hạn chế về giao thông, hỗ trợ nhu cầu đi lại của du khách, ngoài hệ thống giao thông nội khu, đơn vị chủ động đầu tư, nâng cấp đường kết nối từ ĐT.609 vào khu du lịch.

Bên cạnh đó, FVG ký hợp đồng vận chuyển với hãng lữ hành uy tín VITRACO để đảm bảo chất lượng phương tiện, an toàn, thuận lợi trên mỗi hành trình. Chúng tôi kiến nghị Quảng Nam ưu tiên nguồn lực, đẩy tiến độ nâng cấp hạ tầng giao thông phía Tây, sớm tháo gỡ điểm nghẽn này, để du lịch thực sự bứt phá.

Ngày 29/4 này, Cổng trời Đông Giang vận hành giai đoạn 1 để đón khách với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, thiên nhiên và văn hóa Cơ Tu bản địa...

Đại Khải, Ngân Hà

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/du-lich-xanh-phia-tay-quang-nam-gap-kho-vi-diem-nghen-ha-tang-d550443.html