Du lịch tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Thời gian gần đây, những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra trong hành trình du khách tự khám phá tại những điểm đến chưa được cấp phép khai thác du lịch. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết khá bất thường như hiện nay, rủi ro dễ chực chờ với dạng thức du lịch tự phát.

Du lịch tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi du khách thiếu kiến thức về an toàn. Ảnh: Tiêu Dao

Du lịch tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi du khách thiếu kiến thức về an toàn. Ảnh: Tiêu Dao

Nguy hiểm tính mạng trong du lịch tự phát

Hoạt động du lịch tự phát được xem như một bước khởi đầu có ý nghĩa mở ra những điểm đến, sản phẩm du lịch mới, nhưng đi liền với đó là những nguy cơ mất an toàn cho du khách, những người đam mê trải nghiệm. Những ngày cuối tháng 5/2023, dư luận xôn xao trước vụ việc học sinh và phụ huynh một trường tư ở Tây Mỗ (thành phố Hà Nội) trong quá trình tham quan, trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy (tỉnh Nam Định) đã bị nước cuốn trôi, dẫn đến tử vong.

Được biết, đoàn tham quan này do phụ huynh tự tổ chức theo kiểu tự phát, tự liên hệ với chủ tàu, thuyền đưa đi tham quan, trải nghiệm, không thông báo đến Ban quản lý Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Đây không phải là vụ tai nạn đầu tiên khi du khách chọn loại hình du lịch tự phát. Trước đó, tháng 2/2023, nam sinh lớp 11 của Trường Trung học phổ thông Lý Thánh Tông (thành phố Hà Nội) bị đuối nước trong khi đi dã ngoại tại huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình).

Chưa hết, sự việc xảy ra hôm 27/6/2023 khi một nhóm bạn trẻ rủ nhau đến khám phá thác nước Edu (xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) đã khiến một người trong nhóm bạn trẻ mất tích. Cũng ở miền núi Khánh Hòa, cách đây 3 năm, một đoàn du khách 50 người bị mắc kẹt giữa mưa lũ trong rừng khi khám phá Tà Giang. Còn ở tỉnh Lâm Đồng cũng từng xảy ra những trường hợp du khách thiệt mạng trong chuyến du lịch tự khám phá ở Bidoup - Núi Bà.

Trước đó, vào tháng 4/2023, 2 người đàn ông khỏe mạnh, trong đó có một người bơi rất giỏi đã thiệt mạng tại hồ Trị An, Đồng Nai, do bị đuối nước khi du lịch khám phá. Trước đó 1 ngày, cũng đã có người tử vong vì lý do tương tự. Chỉ trong 1 tuần, 3 người thiệt mạng khi du lịch tự phát tại đây.

Chính sự phát triển rầm rộ trong một thời gian ngắn của hoạt động du lịch tự phát ở một số địa điểm đã khiến cho cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong công tác quản lý. Do tính biến động và phức tạp của hoạt động du lịch tự phát từ du khách và người dân nên không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn, mà chính quyền các địa phương cũng tỏ ra bối rối. Du khách đến bất chợt, người dân tự ý cung ứng dịch vụ để có thêm thu nhập mà không quan tâm đến các quy định của Nhà nước, đặc biệt là với nhiều địa điểm du lịch mạo hiểm chưa được cấp phép rất dễ xảy ra những trường hợp xấu.

Nhiều cơ sở du lịch đã đầu tư khá nhiều lều trại, ca nô, thuyền hay những dụng cụ dành cho du lịch khám phá mạo hiểm trong rừng sâu, các thác nước..., nhưng loại hình này không tuân thủ một điều kiện tiêu chuẩn cụ thể nào nên không lường trước được mức độ an toàn. Thậm chí, dù đã có biển cảnh báo nhưng du khách vẫn bất chấp sự nguy hiểm.

Hơn nữa, các điểm du lịch này không đăng ký kinh doanh nên rất khó quản lý và giám sát thường xuyên, không có người làm công tác cứu hộ hay cung cấp trang thiết bị bảo đảm an toàn khi tham gia dịch vụ, nhiều khu vực sông suối, thác nước không cắm các biển cảnh báo độ sâu. Hầu hết các hộ dân sinh sống trong khu vực tự đứng ra khai thác du lịch nên không có nhiều kiến thức, kỹ năng cảnh báo hay xử lý các tình huống rủi ro có thể xảy ra. Bởi vậy, sự cẩn trọng càng đặt lên hàng đầu với những người có sở thích du lịch tự khám phá, nhất là khi đến với những vùng rừng núi.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ trên báo chí, thời gian gần đây, tại một số tỉnh đang bùng nổ các dịch vụ du lịch tự phát tại những điểm đến có phong cảnh đẹp. Điều đáng nói là những chương trình du lịch tự phát này đều do cá nhân đứng ra hoặc do được review trên mạng. Trong khi đó, các cá nhân này không hề biết cách hướng dẫn du lịch cũng như kỹ năng đảm bảo an toàn, kỹ năng sinh tồn. Bên cạnh đó, việc đi du lịch tự phát không thông qua chính quyền địa phương, dẫn tới khi có sự cố xảy ra đều không thể có sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng chức năng, dẫn tới nhiều hệ lụy đau xót.

Tiền mất, tật mang vì du lịch tự phát

Thực tế cho thấy, tại những điểm du lịch tự phát, bên cạnh môi trường du lịch chưa được kiểm định chất lượng thì cơ sở hạ tầng, công trình phục vụ du lịch còn sơ khai, thiếu nhà vệ sinh, biển chỉ dẫn... Việc tổ chức du lịch tự phát đều thuộc dân địa phương, hoạt động theo thời vụ, theo lượng khách nên có hạn chế về kiến thức, kỹ năng du lịch, không thể cung cấp đầy đủ những thông tin chính xác cũng như yếu tố rủi ro về thiên tai, khí hậu liên quan đến trải nghiệm. Hơn hết, để bảo đảm được an toàn dành cho du khách, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, các mô hình du lịch phải tuân thủ các quy định của pháp luật khi kinh doanh các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển.

Nhiều khu du lịch tự phát tại Đà Nẵng bị xử phạt vì không đảm bảo các điều kiện theo quy định. Ảnh: Tiêu Dao

Nhiều khu du lịch tự phát tại Đà Nẵng bị xử phạt vì không đảm bảo các điều kiện theo quy định. Ảnh: Tiêu Dao

Nguy hại hơn, lợi dụng hình thức du lịch tự phát, nhiều đối tượng đã rao bán hàng loạt chương trình giá rẻ nhằm lừa đảo, trục lợi. Điển hình như mới đây, do tin vào lời quảng cáo giới thiệu tour du lịch tự phát do người dân đảo thực hiện với giá rẻ 4 triệu đồng, đã bao gồm dịch vụ xe đưa đón, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, phí chèo thuyền kayak, lặn ngắm san hô... Thế nhưng khi đã chuyển khoản đặt cọc trước 50% thì người bán tour đã thay website, số điện thoại, không thể liên lạc được. Tình trạng nhiều “tour du lịch ảo” được bán cho những người đi du lịch tại các tuyến điểm tự phát khiến nhiều người tiền mất, tật mang mà đành ngậm đắng nuốt cay.

Để kiểm soát hoạt động du lịch tự phát, qua đó bảo đảm an toàn và quyền lợi cho du khách, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng và các doanh nghiệp du lịch đều có chung kiến nghị, UBND các tỉnh, thành phố cần tăng cường tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch, nhất là tại những khu, điểm du lịch tự phát, nơi có hồ, sông, suối, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoang sơ. Bên cạnh đó, kiên quyết không cho tổ chức, cá nhân tiếp tục khai thác, kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là các loại hình vui chơi, giải trí mặt nước, trò chơi mạo hiểm khi chưa được cấp phép.

Đồng thời, để quản lý tốt hoạt động du lịch tự phát cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, địa phương. Không thể cấm hoạt động du lịch tự phát, nhưng khi ở một điểm nào đó có sự tăng trưởng nóng về du lịch mà nằm ngoài quy hoạch của tỉnh thì địa phương theo chức năng, nhiệm vụ phải vào cuộc kiểm tra, giảm sát. Có như thế mới đảm bảo được an toàn dành cho du khách, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, phải cảnh báo người dân cần tuân thủ các quy định của pháp luật khi kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển.

Tiêu Dao

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/du-lich-tu-phat-tiem-an-nhieu-nguy-co-post465871.html