Du lịch sẵn sàng đón 'cơ hội vàng' hút khách du lịch quốc tế cuối năm

Thị trường du lịch những tháng cuối năm được dự báo tiếp tục bùng nổ nhờ chính sách mới sắp có hiệu lực. Ngay từ thời điểm này, các doanh nghiệp dịch vụ đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút khách quốc tế cho mùa cao điểm cuối năm.

Mới đây, Quốc hội đã nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày và không không giới hạn số lượng nhập, xuất cảnh. Cùng với đó, thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực cũng được nâng từ 15 lên 45 ngày.

Khách quốc tế tăng mạnh

Trong tháng 6/2023, Việt Nam đón 975.000 lượt khách quốc tế, tăng 6,4% so với tháng 5. Tính chung 6 tháng đầu năm, ngành du lịch phục vụ 5,57 triệu lượt khách quốc tế, đạt khoảng 69% kế hoạch năm 2023 và bằng khoảng 66% cùng kỳ năm 2019...

Theo đánh giá của ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, chính sách mới có hiệu lực từ ngày 15/8 sẽ là động lực lớn để hút khách quốc tế. Theo đó ông dự báo thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, nhất là vào mùa cao điểm cuối năm. “Khả năng cao ngành du lịch sẽ đạt và có thể vượt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm nay”, ông Siêu nói.

Mỗi ngày, Nhà hát múa rối Thăng Long đón tiếp hơn 1.000 lượt khách, trong đó 80% là khách quốc tế.

Chính sách mới cũng được các doanh nghiệp dịch vụ kỳ vọng sẽ tạo ra một cú hích thúc đẩy ngành du lịch, đặc biệt là luồng khách du lịch quốc tế sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Ông Max Lambert, chủ sở hữu của công ty Fuse Hostels & Travel tại Việt Nam cho biết, đã khai trương 2 khách sạn ở thành phố Hội An vào cuối năm ngoái, trong 3 tháng qua, số lượng khách quốc tế lưu trú tại các khách sạn đã tăng đáng kể, đồng thời số lượng đặt phòng đã trở lại mức của năm 2019.

Tại Nhà hát múa rối Thăng Long, mỗi ngày đón tiếp hơn 1.000 lượt khách, 80% là khách quốc tế. Tính từ đầu năm đến nay, lượng khách quốc tế đã tăng đến 60% so với cùng kỳ năm 2022. Bà Trần Thị Hiền, Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long, dự kiến số lượng khách quốc tế đến xem các chương trình biểu diễn tại Nhà hát tăng cao hơn nữa ngay sau khi nâng thời hạn thị thực điện tử từ giữa tháng 8. Do đó, doanh nghiệp đã tính đến phương án tăng số buổi diễn.

"Hiện nay, mỗi ngày chúng tôi làm 4 tăng biểu diễn, cuối năm phải 6 - 7 tăng biểu diễn, chúng tôi hy vọng rằng kỷ lục là 9 tăng biểu diễn trong thời gian tới. Cùng với đó, doanh thu sẽ tăng đến 40%", bà Hiền cho biết.

Đa dạng phương án đón 2,4 triệu lượt khách quốc tế

Mặc dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận, so với năm 2019, Việt Nam đón gần 19 triệu lượt khách quốc tế, hiện tại, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được mức giống như trước đại dịch. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam đang cạnh tranh với du lịch Thái Lan. Hiện, quốc gia này có nhiều chính sách ưu đãi để kích cầu du lịch, hút khách quốc tế nhằm đạt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách cuối năm nay. Do đó, Việt Nam cần có những chiến lược đột phá để tăng sức cạnh tranh và đạt được mục tiêu.

Trong nửa cuối năm, ngành du lịch Việt Nam cần đón khoảng 2,4 triệu lượt khách quốc tế để đạt mục tiêu 8 triệu lượt trong năm nay, thời điểm này, các doanh nghiệp lữ hành đã chuẩn bị đa dạng phương án như: xây dựng các sản phẩm tour dài ngày, các sản phẩm du lịch mới hay xây dựng các tour liên tuyến để hút khách quốc tế.

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty CP Flamingo Redtours, cho hay: "Chúng tôi đang xây dựng các sản phẩm tour liên quốc gia, có thể là đến Việt Nam, Hà Nội, Lào, Campuchia, Thái Lan, sau đó quay trở lại TP Hồ Chí Minh và về nước. Như vậy, sản phẩm tour sẽ đang dạng hơn nhiều".

Còn theo đại diện Công ty lữ hành Hanoitourist, mở mới các sản phẩm du lịch trải nghiệm theo yêu cầu của du khách sẽ kéo dài thời gian lưu trú thêm 60 ngày, khiến mức chi tiêu của khách cũng tăng lên.

"Khách hàng có những yêu cầu đặc biệt, có mức chi trả liên quan đến chương trình tăng gấp đôi so với tour truyền thống. Chúng tôi đang ước tính doanh thu riêng đối với khách quốc tế đến Việt Nam khả năng chi trả của khách tăng trung bình khoảng 20%", ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, thông tin.

Hiện nay, các địa phương cũng đang đẩy mạnh hoạt động kết nối, quảng bá du lịch địa phương. Điển hình, mới đây, lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM đã thực hiện hoạt động quảng bá du lịch tại Bangkok (Thái Lan) và Phnompenh (Campuchia). Tại Campuchia, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, thành phố là một trong những địa phương có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi với nước bạn Campuchia, cùng với chính sách miễn thị thực cho các thành viên của khối ASEAN. TP.HCM – Phnompenh sẽ là điểm đến quen thuộc của khách du lịch của hai quốc gia.

Theo các chuyên gia du lịch, để đạt được mục tiêu 8 triệu khách du lịch vào cuối năm, Việt Nam sẽ vẫn cần phải cải thiện ở một số lĩnh vực để tối đa hóa tiềm năng của mình. Bởi, du lịch là nền kinh tế hội nhập, bên cạnh việc xây dựng các sản phẩm hấp dẫn, sự phối hợp giữa các bộ, ngành phải chặt chẽ. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, kể cả hệ thống đường cao tốc, đường sắt, đường bộ cũng phải đáp ứng được sự phát triển của du lịch.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/du-lich-san-sang-don-apos-co-hoi-vang-apos-hut-khach-du-lich-quoc-te-cuoi-nam-1093827.html