Du lịch Hà Nội hứa hẹn bứt phá

Quý I/năm 2024, lượng khách du lịch chọn Hà Nội là điểm đến lý tưởng để vui chơi, khám phá, tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên so với tiềm năng vốn có, ngành du lịch Hà Nội vẫn còn rất nhiều dư địa hút khách, đòi hỏi phải có sản phẩm tour, tuyến mới mang đặc trưng của Thủ đô.

Khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Lượng khách tăng cao

Nhằm thu hút và tạo sức hấp với du khách trong và ngoài nước đến với Hà Nội, ngay trong kỳ nghỉ Tết vừa qua, du lịch Hà Nội đã tung ra nhiều sản phẩm du lịch với địa điểm trải nghiệm mới, hấp dẫn như tour đêm tại Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò, chương trình “Chào năm mới 2024” tại Quảng trường Đông kinh Nghĩa Thục và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám…

Đặc biệt, tại không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ người dân và du khách. Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, để thu hút du khách, người dân làng cổ Đường Lâm đã đưa vào hoạt động không gian sáng tạo “Đoài Creative” cùng những trải nghiệm ẩm thực truyền thống tại “Bếp làng”.

Báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, trong quý I/2024, Hà Nội đón 6,54 triệu lượt du khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023, du khách nội địa đạt 5,14 triệu lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Lượng khách du lịch tăng cao nên nhiều khách sạn và các homestay, resort trên địa bàn Hà Nội đều kín phòng kéo theo doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 24,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến ngành du lịch Thủ đô khởi sắc ngay trong những tháng đầu năm là do DN đã đổi mới sản phẩm. Đồng thời khai thác có chiều sâu những thế mạnh của Thủ đô như du lịch di sản, làng nghề, khai thác những lĩnh vực du lịch mới, gắn với thế mạnh của từng địa phương.

Thực tế cho thấy, thời gian qua DN lữ hành đã xây dựng nhiều tour mới du lịch văn hóa, tâm linh kết hợp chăm sóc sức khỏe tại huyện Sóc Sơn; Tìm về Kinh đô người Việt cổ tại di tích Thành Cổ Loa; Hành trình di sản tại Hoàng thành Thăng Long và làng cổ Bát Tràng…

Chia sẻ về tour du lịch “Tìm về kinh đô người Việt cổ”, Giám đốc Công ty du lịch bền vững S.T.I.D Phùng Quang Thắng cho rằng, đây là sản phẩm được công ty và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long (Hà Nội) lên ý tưởng từ lâu theo hướng mang đến trải nghiệm mới lạ cho du khách để di sản Cổ Loa có sức sống mới trong đời sống đương đại.

Còn nhiều tiềm năng cần khai thác

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ, ngành du lịch Hà Nội mới tập trung khai thác theo hướng dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những cái sẵn có mà chưa đầu tư trở lại được nhiều.

Thực tế cho thấy ngoài thời gian tham quan Hà Nội trong ngày, nhu cầu tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí của du khách là rất lớn nhưng nguồn cung lại hoàn toàn thiếu. Đặc biệt, mặc dù đã có đề án phát triển kinh tế đêm nhưng với những chương trình như múa rối nước của Nhà hát múa rối Thăng Long, chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm với một số điểm trình diễn nghệ thuật nhỏ lẻ… vẫn còn quá ít so với những gì Hà Nội có thể mang lại cho du khách.

Hiến kế để ngành du lịch Thủ đô hoàn thành mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, thời gian tới Hà Nội cần tập trung phát triển nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.

“Hà Nội cần khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch đêm, hoạt động trải nghiệm gia tăng với các nhóm sản phẩm du lịch truyền thống, ẩm thực, mua sắm… qua đó tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế” - ông Phùng Quang Thắng đề xuất.

Dưới góc độ nhà quản lý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chỉ đạo, trong thời gian tới ngành du lịch tích hợp quy hoạch các khu, cụm du lịch trọng điểm gắn với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đồng thời, thúc đẩy triển khai xây dựng các dự án vui chơi, giải trí lớn phục vụ du lịch trên địa bàn TP. Xây dựng, triển khai đề án phát triển sản phẩm du lịch; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các sự kiện mang dấu ấn thương hiệu du lịch Thủ đô.

Thông tin về việc đẩy mạnh khai thác tiềm năng văn hóa, làng nghề, thiên nhiên thành những tour đặc trưng của Hà Nội trong việc thu hút khách, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang thông tin, ngay trong quý I/2024 ngành du lịch Thủ đô đã chính thức công bố tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội”.

Theo đó, tuyến du lịch có các điểm đến gồm: đình Nội Bình Đà (Thanh Oai), làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa), nghề tơ tằm, tơ sen (Mỹ Đức).

Không dừng ở đó, trong năm 2024 sẽ tiếp tục triển khai tuyến du lịch trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên gồm nhiều điểm đến, trong đó điểm nhấn là làng Ngâu (Thanh Trì), nổi tiếng với nghề nấu rượu, đình chùa Ngâu có kiến trúc đẹp, làng Phúc Am (Thường Tín) chuyên sản xuất vàng mã, và làng Cựu (huyện Phú Xuyên) với những ngôi nhà cổ kiến trúc châu Âu pha trộn với kiến trúc phương Đông, được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Ngoài 2 tuyến du lịch trên, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống, hoàn thiện tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đổng Tử, tiến tới mở rộng tuyến du lịch từ bến Chương Dương Độ đi khu vực Sơn Tây, Ba Vì.

Ngoài ra, du lịch Hà Nội đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau. Cụ thể tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình, tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu...

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/du-lich-ha-noi-hua-hen-but-pha.html