Dự kiến, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng

Dự kiến, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ giai đoạn 2022 - 2026 với giá tối thiểu là 10 USD/1 tấn CO2.

 Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: B.T)

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: B.T)

Sáng 27/9, tại Hà Nội, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp cùng Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp Emergent (tổ chức điều phối của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp - LEAF) tổ chức Hội thảo chia sẻ thông tin về LEAF cho các bên liên quan.

Thông tin tại Hội thảo cho biết, LEAF là liên minh tập hợp các quốc gia có rừng, các doanh nghiệp và các chính phủ tài trợ tham gia thúc đẩy các giao dịch tín chỉ các-bon rừng quy mô quốc gia, do ART (nền tảng giao dịch REDD+) phát hành theo tiêu chuẩn TREES (tiêu chuẩn môi trường REDD+ tối ưu).

Tiêu chuẩn TREES đảm bảo chất lượng về môi trường và an toàn xã hội ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, LEAF cũng đặt ra các tiêu chí nghiêm ngặt để sàng lọc người mua từ khối tư nhân. Doanh nghiệp chỉ có thể tham gia LEAF nếu thực tế doanh nghiệp có thực hiện các chương trình giảm phát thải, nhằm đảm bảo rằng tín chỉ được mua thông qua LEAF là bổ sung mà không phải là bù đắp cho hành động giảm phát thải của doanh nghiệp.

Liên minh LEAF được hỗ trợ bởi 4 Chính phủ tài trợ (Anh, Mỹ, Na Uy, Hàn Quốc) và hơn 25 tập đoàn là các thành viên có cam kết mạnh mẽ về giảm mất rừng.

Thực tế, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Bộ NN&PTNT và Tổ chức Emergent đã ký Ý định thư thiết lập hợp tác giữa Việt Nam với Liên minh giảm phát thải và tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF).

Theo đó, hai bên đồng ý đàm phán, ký kết và thực hiện Thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng vùng Tây nguyên và Nam Trung bộ (ERPA). Dự kiến, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ giai đoạn 2022-2026 với giá tối thiểu là 10 USD/1 tấn CO2. Diện tích rừng tham gia chương trình dự kiến 4,26 triệu ha, gồm 3,24 triệu ha rừng tự nhiên và 1,02 triệu ha rừng trồng.

Theo ông Trần Quang Bảo – Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, vùng Nam Trung bộ và Tây nguyên, năm 2022, với tổng diện tích rừng khoảng 4,29 triệu ha, chiếm trên 29% diện tích rừng cả nước, có tầm quan trọng đặc biệt về tài nguyên rừng, đa dạng sinh học đã được lựa chọn để thực hiện sáng kiến LEAF.

Theo Ý định thư trên, toàn bộ lượng tín chỉ chuyển nhượng cho LEAF sẽ được tính vào cam kết đóng góp giảm phát thải (NDC) của Việt Nam.

Cũng theo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, từ khi ký Ý định thư đến nay, Cục Lâm nghiệp - cơ quan đầu mối được Bộ NN&PTNT giao đã phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Emergent để thúc đẩy, triển khai sáng kiến LEAF bảo đảm tiến độ.

“Hội thảo chia sẻ thông tin về sáng kiến LEAF này là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là cột mốc trong tiến trình chuẩn bị, ký kết và thực thi ERPA. Hội thảo nhằm cung cấp, chia sẻ cho các bên liên quan ở cấp Trung ương và cấp địa phương, cộng đồng địa phương và dân tộc thiểu số vùng Nam Trung bộ và Tây nguyên về nội dung, tiến trình triển khai sáng kiến LEAF” – Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho hay./.

B.T

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/du-kien-viet-nam-se-chuyen-nhuong-cho-leaf-5-15-trieu-tan-co2-giam-phat-thai-tu-rung-647986.html