Dự kiến từ tháng 4/2024, người chuyển khoản sẽ phải xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt

Dự kiến từ 1/4/2024, khi giao dịch chuyển tiền, người thực hiện phải xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt để đảm bảo an toàn.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giao dịch thanh toán qua hệ thống ngân hàng mỗi ngày tương đương 35 tỷ USD (khoảng 800 ngàn tỷ đồng). Do đó, ngành ngân hàng phải đảm bảo an toàn cho các giao dịch đó và sẽ phải cung cấp dịch vụ tốt hơn, đảm bảo tiện - lợi - an toàn.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết đối với hệ thống bảo mật, hiện nay, hàng năm NHNN tổ chức đi kiểm tra các tổ chức tín dụng và kết quả là 100% các ngân hàng có hệ thống bảo mật chống xâm nhập, xác định khách hàng đa thành tố, dữ liệu, lọc nội dung, ghi nhật ký giao dịch… Ngoài ra, NHNN đang xây dựng và xác lập mạng lưới xử lý sự cố toàn hệ thống.

NHNN khẳng định ứng dụng của ngân hàng là an toàn, không có chuyện hack vào máy chủ của ngân hàng, hack tài khoản.

Trong trường hợp sự cố xảy ra đối với ngân hàng thương mại (NHTM) thì NHNN cùng các NHTM sẽ hỗ trợ nhau để xử lý sự cố an ninh, an toàn. Hiện nay, NHNN và các NHTM đã ban hành đầy đủ quy định, đảm bảo hệ thống an toàn để chuyển đổi số, an toàn bảo mật.

Về vấn đề bảo mật thông tin, đại diện NHNN cũng thừa nhận, những năm qua, nạn lừa đảo diễn ra khá nhức nhối. Các đối tượng luôn tìm kẽ hở để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có cả đánh cắp thông tin cá nhân. Bên cạnh các biện pháp của NHNN, người tiêu dùng phải ý thức được việc bảo mật thông tin cá nhân của mình.

“Vừa qua, chúng tôi cũng đã có văn bản yêu cầu tất cả tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán khi gửi thông tin qua tin nhắn, email đến người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng đường link. Bởi hiện nay, việc giả mạo đường link trong tin nhắn đã khiến người tiêu dùng bị lừa. Một số ngân hàng trong khu vực cũng đã có các chỉ đạo tương tự”, ông Tuấn cho hay.

Đồng thời, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán cho biết vừa qua, NNHNN đã nghiên cứu dự thảo gửi các tổ chức tín dụng, lấy ý kiến về biện pháp xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt, thu thập lấy dữ liệu từ căn cước công dân và đây là tiền đề để đảm bảo chính chủ khi mở bằng email PC và cũng là tiền đề đảm bảo người mở tài khoản đó là người thực hiện nhiệm vụ thanh toán.

“Dự kiến quyết định này sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2024 để các tổ chức tín dụng có thời gian thu thập thông tin của người tiêu dùng. Khi đó, chúng tôi tin rằng tình trạng về lừa đảo, gian lận khó xảy ra. Khi người tiêu dùng thực hiện giao dịch ở một hạn mức nhất định sẽ được kiểm tra bằng khuôn mặt sinh trắc học phải khớp với khuôn mặt khi mở tài khoản", ông Tuấn nói.

Chia sẻ thêm về bảo mật thông tin, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cam kết: “Ứng dụng của ngân hàng là an toàn, không có chuyện hack vào máy chủ của ngân hàng, không có chuyện hack tài khoản”.

Theo ông Dũng, vấn đề người dùng băn khoăn chính là dùng dịch vụ có an toàn không, bên cạnh câu hỏi dịch vụ có rẻ không, dễ không, hợp lý không?

Câu chuyện an toàn xuất phát từ phía người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ. Tài khoản ngân hàng của nạn nhân không hề bị hack, mà chỉ bị chiếm đoạt do chủ tài khoản đã vô tình cung cấp thông tin đăng nhập cho kẻ lừa đảo thông qua website giả mạo. Sau khi nạn nhân đăng nhập vào tài khoản, kẻ gian sẽ có được thông tin về username, password của người dùng. Đây chính là công cụ giúp chúng thâm nhập vào tài khoản thật.

Thông thường, website giả mạo sẽ bịa ra lý do nào đó yêu cầu nạn nhân nhập mã OTP mà họ vừa nhận được từ ngân hàng. Đây là mảnh ghép cuối cùng để kẻ lừa đảo thực hiện lệnh chuyển tiền ra khỏi tài khoản.

Do đó, Phó Thống đốc đề nghị truyền thông rộng rãi về các phương thức, cách thức lừa đảo như qua tin nhắn, điện thoại, giả danh cán bộ, lừa đảo qua facebook… để người dân nắm được các nguy cơ lừa đảo, cách phòng tránh.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-so/du-kien-tu-thang-4-2024-nguoi-chuyen-khoan-se-phai-xac-thuc-sinh-trac-hoc-bang-khuon-mat-1095961.html