Dự kiến đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT - sửa đổi). Trong đó, đáng lưu ý, mặt hàng phân bón dự kiến sẽ đưa vào diện chịu thuế GTGT 5%, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, đảm bảo mặt hàng này cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu cùng loại.

Luật Thuế GTGT góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Một trong những thành công khi thực hiện Luật Thuế GTGT thời gian qua là đã quy định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT đã tạo thuận lợi cho người nộp thuế, giảm chi phí khai nộp thuế và giảm chi phí hành thu của cơ quan thuế, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, Luật Thuế GTGT đã góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, chú trọng đến khuyến khích phát triển nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; giảm chi phí đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội.

Luật Thuế GTGT quy định hàng hóa, dịch vụ trong ngành nông nghiệp chủ yếu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 5%. Quy định này đã góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành nông nghiệp.

Việc quy định đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc thuế suất ưu đãi 5% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đã góp phần giảm chi phí cho người tiêu dùng và đảm bảo an sinh xã hội. Luật cũng đã góp phần định hướng sản xuất và tiêu dùng, định hướng đầu tư sản xuất, theo đúng đường lối chủ trương chính sách của Đảng; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển công nghệ, đầu tư đổi mới tài sản cố định, khuyến khích xuất khẩu; góp phần thúc đẩy vốn đầu tư xã hội tăng trưởng.

Đáng chú ý, Luật Thuế GTGT quy định hoàn thuế đối với dự án đầu tư và hàng hóa dịch vụ xuất khẩu trong khi các cơ sở kinh doanh thông thường chỉ được khấu trừ vào các kỳ tiếp theo, không được hoàn thuế. Theo số liệu của cơ quan thuế, số tiền hoàn thuế GTGT tăng dần qua các năm. Số tiền hoàn thuế bình quân giai đoạn 2013-2021 chiếm khoảng 27,1% tổng thu từ thuế GTGT.

Do vậy, thuế GTGT đã khuyến khích xuất khẩu, hạ giá bán của sản phẩm xuất khẩu tạo điều kiện cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế, kim ngạch xuất khẩu qua các năm đều tăng. Theo đó, nếu như năm 2013 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 132,2 tỷ USD, thì đến năm 2022 đã đạt 371,3 tỷ USD (tăng trưởng khoảng 281% so với năm 2013).

Bên cạnh đó, thông qua việc hoàn thuế đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển công nghệ, đầu tư đổi mới tài sản cố định, tạo điều kiện để doanh nghiệp hạ giá hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, từ đó khuyến khích xuất khẩu tăng trưởng; góp phần thúc đẩy vốn đầu tư xã hội, đặc biệt là đối với nguồn vốn ngoài nhà nước.

Thống kê cho thấy, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cũng tăng trưởng đều năm sau cao hơn năm trước, cụ thể: năm 2013 khoảng 1.094.543 tỷ đồng thì đến năm 2022 đã tăng lên khoảng 3.219.800 tỷ đồng, tăng gần 294% so với năm 2013.

Sửa đổi những bất cập hiện hành

Tuy nhiên, cần thiết phải sửa luật, bởi trên thực tế, các hành vi gian lận thuế GTGT ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Theo đó, các doanh nghiệp thường lợi dụng kẽ hở trong các quy định để tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ. Các hành vi ngày càng trở nên phức tạp hơn. Nhiều doanh nghiệp thành lập, đăng ký kinh doanh nhiều sản phẩm, hoạt động trong nhiều ngành nghề nhưng lại không có kho hàng hay trụ sở. Mục đích là bán hóa đơn GTGT cho các doanh nghiệp khác, tìm cách hợp thức hóa bán hàng buôn lậu trốn thuế và ăn chặn tiền hoàn thuế.

Mặt hàng phân bón đưa vào diện chịu thuế góp phần hỗ trợ người nông dân.

Mặt hàng phân bón đưa vào diện chịu thuế góp phần hỗ trợ người nông dân.

Gian lận tăng thuế GTGT đầu vào do doanh nghiệp có thể tự in ấn, sử dụng hóa đơn thuế GTGT mua bán nội địa. Lợi dụng kẽ hở này, nhiều doanh nghiệp dùng hóa đơn bất hợp pháp, bao gồm hóa đơn chưa hết giá trị sử dụng hoặc chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn giả hay hóa đơn của các đơn vị đã bị hủy, bỏ địa chỉ kinh doanh để hợp thức hóa việc khấu trừ thuế GTGT.

Một trong những hành vi sai phạm phổ biến khác đó là các doanh nghiệp sẽ bán hàng nhưng không xuất hóa đơn. Mục đích là giấu doanh thu đầu ra để tránh nộp thuế, thậm chí là chiếm đoạt thuế. Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hay kinh doanh bất động sản thực hiện hành vi gian lận bằng cách xuất hóa đơn sớm, hoặc chưa thu tiền của khách hàng ngay cả khi dự án, dịch vụ đã được thực hiện. Đối với các doanh nghiệp hoạt động sử dụng hàng hóa tiêu dùng nội bộ, cố tình khai thiếu hoặc không khai thuế GTGT đầu ra...

Trước những bất cập của thuế GTGT hiện hành với mặt hàng phân bón, dự kiến sửa đổi Luật Thuế GTGT lần này sẽ đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT, với thuế suất 5%.

Do hiện nay, Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Phần lớn các nước này đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT nên doanh nghiệp của họ được hoàn thuế đầu vào khi xuất khẩu sang Việt Nam. Mặt khác, phân bón nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế GTGT tại khâu nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán và cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất trong nước.

Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lại gặp nhiều khó khăn. Do phân bón không thuộc diện chịu thuế GTGT nên các doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế đầu vào mà phải tính vào chi phí sản phẩm. Điều này khiến giá thành sản phẩm tăng 5 - 8%, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại; đồng thời không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Không chỉ doanh nghiệp mà Nhà nước và nông dân cũng đều chịu thiệt. Nhà nước mất nguồn thu ngân sách do không thu được thuế GTGT ở khâu nhập khẩu với phân bón trong khi thuế nhập khẩu thì vốn rất thấp hoặc đã được đưa về mức 0%. Còn nông dân phải mua phân bón với giá cao do các nhà sản xuất trong nước đã đẩy một phần chi phí thuế vào giá thành sản phẩm - nghĩa là mục tiêu giảm giá phân bón để hỗ trợ nông dân không đạt được./.

Từ thực trạng này, theo các chuyên gia, quá trình sửa đổi Luật Thuế GTGT, cần đưa phân bón vào diện chịu thuế với thuế GTGT với thuế suất 5%.

Theo phân tích của các chuyên gia, việc áp thuế GTGT 5% với phân bón vừa không làm tăng giá thành sản phẩm, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phân bón trong nước. Khi đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT với thuế suất 5%, cần sửa đổi các quy định về hoàn thuế cho đồng bộ để tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/du-kien-dua-phan-bon-vao-dien-chiu-thue-gia-tri-gia-tang-5-143246.html