Dự kiến cần hơn 10.300 tỷ đồng để giải quyết các vướng mắc của 8 dự án BOT

Việc đàm phán với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và tổ chức tín dụng kéo dài do còn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa thể thống nhất về quan điểm, giải pháp xử lý cũng như mức độ chia sẻ của các bên...

Thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội việc thực hiện một số nghị quyết chất vấn và giám sát chuyên đề, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đã thông tin về tình hình giải quyết vướng mắc, bất cập về trạm thu phí, dự án BOT.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đang bị sụt giảm doanh thu.

Trong 54 dự án BOT đang thu phí, lũy kế doanh thu đến năm 2022 có 7 dự án cao hơn so với hợp đồng, 43 dự án đạt 30 -100% (27 dự án đạt 70-100%, 11 dự án đạt 50-70%, 5 dự án đạt 30-50% so với hợp đồng) và 4 dự án đạt dưới 30%.

Ảnh minh họa

Riêng năm 2022, có 6 dự án doanh thu cao hơn so với hợp đồng, 41 dự án đạt 30 - 100% và 7 dự án đạt dưới 30%.

Vướng mắc nữa là vị trí trạm thu phí. Theo ông Thắng, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT rà soát tổng thể các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ, đánh giá bất cập, đồng thời phối hợp các bộ, ngành và địa phương, đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để triển khai giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại các trạm thu phí.

“Sau khi thực hiện các giải pháp như di dời trạm về vị trí phù hợp, gộp trạm thu phí, thực hiện giảm giá cho các phương tiện khu vực lân cận trạm thu phí..., hầu hết các dự án BOT đã thu phí ổn định” - ông Thắng thông tin.

Các trạm thu phí đã xử lý được gồm 02 trạm của dự án Quốc lộ 6 và đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình; 02 trạm trên Quốc lộ 5; trạm Nam Cầu Giẽ; trạm Tân Đệ; trạm Bến Thủy; trạm Cầu Rác; trạm Quán Hàu; trạm Nam Hải Vân; trạm Ninh Xuân; trạm Trảng Bom; trạm Cai Lậy và trạm thành phố Sóc Trăng.

Tuy nhiên, với 06 trạm thu phí còn lại (trạm Bỉm Sơn, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài, trạm T2 trên Quốc lộ 91, trạm Quốc lộ 3 Thái Nguyên, cơ chế thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan, phương án thu phí trên một số cảng thủy nội địa để hoàn vốn cho dự án cầu đường sắt Bình Lợi), dù Bộ GTVT và địa phương đã triển khai áp dụng các giải pháp xử lý nhưng không khả thi, cần phải bổ sung vốn nhà nước để xử lý.

Nêu giải pháp xử lý với 08 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý, Bộ trưởng Thắng đề xuất bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, ngân hàng tín dụng và chấm dứt hợp đồng trước hạn đối với 5/8 dự án. Gồm dự án tuyến tránh phía Tây thành phố Thanh Hóa (bất cập trạm Bỉm Sơn), dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi, dự án xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3, dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, dự án cải tạo Quốc lộ 91 TP. Cần Thơ.

Ông Thắng cũng kiến nghị sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước tham gia (tối đa 49%) để tiếp tục thực hiện hợp đồng đối với 3/8 dự án BOT còn lại (BOT cầu Ba Vì - Việt Trì; BOT cầu Thái Hà; BOT hầm Đèo Cả).

“Dự kiến, tổng mức vốn nhà nước để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT khoảng 10.342 tỷ đồng (số liệu cập nhật đến tháng 3/2023)” - ông Thắng báo cáo.

Trước đó, yêu cầu giải quyết dứt điểm các bất cập, vướng mắc về trạm thu phí, dự án BOT đã được Quốc hội khóa XV đặt ra với Chính phủ tại Nghị quyết số 62. Tuy nhiên, sau gần một năm, Bộ GTVT cho biết việc này “chưa bảo đảm tiến độ theo yêu cầu”.

Nguyên nhân việc đàm phán với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và tổ chức tín dụng kéo dài, ông Thắng giải thích, do các bên còn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa thể thống nhất về quan điểm, giải pháp xử lý cũng như mức độ chia sẻ của các bên khi thực hiện giải pháp xử lý.

“Đây là khó khăn lớn nhất, đến thời điểm hiện tại các bên vẫn chưa thể thống nhất” – ông Thắng nhìn nhận và cho biết Bộ GTVT sẽ tiếp tục đàm phán với các bên để xác định mức chia sẻ phù hợp, bảo đảm nguyên tắc “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”, sau đó báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định giải pháp xử lý cũng như bố trí nguồn vốn Nhà nước để thực hiện.

Song song với đó, Bộ trưởng GTVT cho hay, Bộ đang nghiên cứu, đánh giá tổng thể những tác động đối với các dự án BOT khi đưa các tuyến cao tốc vào khai thác sử dụng, làm cơ sở để xây dựng, đề xuất giải pháp phù hợp.

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/giao-thong-24h/du-kien-can-hon-10342-ty-de-giai-quyet-cac-vuong-mac-8-tram-bot_153802.html