Dù khó khăn, thị trường bất động sản vẫn được đánh giá còn nhiều cơ hội hơn thách thức

Mặc dù thị trường bất động sản còn rất nhiều khó khăn, nổi bật là vướng mắc về cơ chế chính sách. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường này vẫn có nhiều cơ hội hơn là thách thức…

Ngày 28/9, Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam và Reatimes đã tổ chức Diễn đàn Bất động sản Mùa Thu lần thứ nhất với chủ đề: "Dự báo thời điểm phục hồi của thị trường bất động sản và khuyến nghị đầu tư”. Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, chia sẻ: theo khảo sát của chúng tôi, khoảng 23% doanh nghiệp bất động sản có thể chỉ “cầm cự” được hết quý 3 năm nay. Tuy nhiên, nhận định về khả năng hồi phục của thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, tại thời điểm này, thị trường đã có những chuyển biến tốt hơn trước.

NHIỀU TÍN HIỆU CHO THẤY KHÓ KHĂN NHẤT ĐÃ QUA

Trong quý 1 năm nay, nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng, gần như đứng im, thị trường chỉ có hơn 1.000 giao dịch thì sang quý 2 đã có sự chào bán trở lại, với khoảng 3.700 giao dịch thành công. Trong hai tháng đầu quý đã có hơn 5.000 giao dịch thành công và 300 dự án trên toàn quốc mở bán. Nếu quý 1/2023, các chủ đầu tư chưa sẵn sàng đưa hàng ra thị trường thì đến quý 3, do niềm tin có dấu hiệu tăng lên nên giao dịch tăng và nguồn cung cũng tăng hơn.

"Với đà như vậy, hoạt động chào bán sản phẩm xuất hiện nhiều hơn, tất nhiên, chủ yếu là các dự án cũ. Các dự án đưa hàng ra thị trường đều có dấu hiệu tái cấu trúc sản phẩm và mức giá được điều chỉnh tương đối sát với giá trị thực nên giao dịch tăng lên. Trong đó, 70% giao dịch đến từ phân khúc chung cư, phân khúc đất nền giao dịch còn ít do giá cả chưa có điều chỉnh mạnh”, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết.

Diễn biến này cho thấy, điều hành của Chính phủ đã bắt đầu có kết quả. Tuy nhiên, thời gian tới cần đẩy nhanh hơn việc hoàn thiện các luật, các cơ chế, chính sách. Trong quá trình chờ đợi các quy định pháp luật có hiệu lực, cần xem xét đẩy nhanh các nghị định, quy trình, thủ tục hành chính để hỗ trợ thủ tục đầu tư được nhanh chóng, giải quyết vướng mắc, thực sự tháo gỡ khó khăn cho các dự án mới để đưa vào thị trường, từ đó tăng nguồn cung. Nguồn cung dồi dào sẽ tăng giao dịch, tăng mua bán trên thị trường.

“Từ quý 3 năm nay, thị trường đã có nhiều tín hiệu mừng, tất nhiên so với thời điểm 2018 - 2019 thì vẫn còn xa, chỉ là con số vài nghìn so với vài chục nghìn lượt giao dịch trong quá khứ. Nhưng trong thời điểm khó khăn này, vài nghìn đã là một con số đáng khích lệ, có nhiều tín hiệu đáng mừng để tạo động lực cho quý 4/2023 và quý 1 năm 2024, hy vọng có nhiều khởi sắc khi các chính sách tháo gỡ khó khăn có tác động tốt với thị trường”, Theo lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản nhìn nhận.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Trần Kim Chung thì thị trường bất động sản đang ở thời điểm “lên chưa lên mà xuống cũng không xuống”, nhưng cơ hội chắc chắn nhiều hơn thách thức. Và cơ hội lớn nhất là chúng ta đang hoàn thiện các quy hoạch và pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản, cùng với đó, mối quan hệ Việt - Mỹ đã được nâng cấp”.

“Thị trường không thể khó khăn hơn được nữa mà chỉ tốt lên thôi, vì khó khăn lớn nhất đã đi qua. Tuy nhiên, tốt lên như thế nào phụ thuộc rất lớn vào kỳ họp Quốc hội tháng 10 – tháng 11 tới, khi các Luật quan trọng liên quan đến bất động sản như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở sẽ được sửa đổi và thông qua”, ông Chung nói.

DỰ KIẾN THỊ TRƯỜNG SẼ KHỞI SẮC HƠN TỪ 2024

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực khẳng định đây không phải là giai đoạn khủng hoảng bất động sản, mà là giai đoạn thanh lọc. Ông Lực cũng đưa ra 3 xu hướng của thị trường này.

Thứ nhất, hiện nay cơ hội nhiều hơn thách thức vì thách thức lớn nhất thì thị trường bất động sản đã vượt qua rồi.

Thứ hai, thị trường bất động sản đã và đang phục hồi. Tất nhiên so với thời điểm hoàng kim thì thị trường hiện nay mới chỉ phục hồi được khoảng 20-30%.

Thứ ba, thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ diễn biến theo kịch bản tốt hơn, cú huých lớn sẽ bắt đầu từ đầu quý 1/2024, bởi lãi suất đã và đang giảm; độ “ngấm” của chính sách tại thời điểm đó cũng sẽ tốt hơn, đặc biệt với mức độ tường minh khi 4 luật được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới. Ngoài ra, những vụ việc vi phạm pháp luật, pháp lý trong năm nay về cơ bản sẽ được xử lý. Thời điểm đó, tình hình phục hồi kinh tế và vĩ mô của Việt Nam, thế giới cũng sẽ rõ nét hơn.

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng

"Để các chính sách, giải pháp, biện pháp của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Xây dựng cùng các ban ngành đề ra đạt được kết quả như mong đợi thì cần có thời gian và cần có sự vào cuộc phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp ban ngành, sự ủng hộ, đồng tình của người dân, coi đây là nhiệm vụ cấp bách quan trọng thuộc thẩm quyền cơ quan nào thì cơ quan đó phải có trách nhiệm giải quyết".

Cũng bàn về xu hướng trên, từ kết quả nghiên cứu về từng giai đoạn của thị trường, bà Cao Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, dự báo trong giai đoạn 2023 - 2030, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan cùng với đà tăng trưởng của các hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng; sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hiện nay, thị trường bất động sản Việt Nam đang ở đáy của hình “chữ U” và đang trong chu kỳ đi ngang. Dự kiến, chu kỳ “đi ngang” và có xu hướng nhích dần lên (dù nhích rất chậm) sẽ kéo dài đến hết năm 2023. Bước sang năm 2024, thị trường bắt đầu bước vào giai đoạn tạo đà phục hồi. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ chính thức phục hồi theo xu hướng hình “chữ V” từ giữa quý 2/2024.

Đại diện Bộ Xây dựng tham dự diễn đàn, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho biết đến nay, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được 130 văn bản báo cáo khó khăn liên quan đến 180 dự án trên cả nước, đã xử lý 119 văn bản và Bộ Xây dựng đã có 35 văn bản hướng dẫn. Kết quả là hiện nay, TP.HCM đã giải quyết được 180 dự án vướng mắc liên quan đến 30 nội dung gửi về tổ công tác và Sở Xây dựng, giải quyết được 67 dự án. Tại Hà Nội giải quyết được 419 dự án, tương đương 58,8% so với 712 dự án ban đầu, đang chỉ đạo giải quyết cho 293 dự án. Tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận cũng đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án.

Để các chính sách, giải pháp, biện pháp của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Xây dựng cùng các ban ngành đề ra đạt được kết quả như mong đợi thì cần có thời gian và cần có sự vào cuộc phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp ban ngành, sự ủng hộ, đồng tình của người dân, coi đây là nhiệm vụ cấp bách quan trọng thuộc thẩm quyền cơ quan nào thì cơ quan đó phải có trách nhiệm giải quyết.

Phan Nam

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/du-kho-khan-thi-truong-bat-dong-san-van-duoc-danh-gia-con-nhieu-co-hoi-hon-thach-thuc.htm