Du khách nô nức trải nghiệm đoàn tàu di sản, nhà máy xe lửa Gia Lâm 120 năm tuổi

Với sức sáng tạo và bàn tay tài hoa của hàng trăm nghệ sĩ, kiến trúc sư… Nhà máy xe lửa Gia Lâm 120 năm tuổi như được 'phù phép' để trở thành không gian lưu giữ dòng chảy của văn hóa, của di sản.

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được thành lập năm 1905 dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp. Từ một nhà máy cũ nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các ga tàu hỏa Hà Nội được cải tạo thành các tổ hợp sáng tạo, trở thành nơi “đánh thức” các di sản, tạo ra hệ giá trị mới phục vụ phát triển văn hóa Thủ đô.

Tại Nhà máy có khoảng 10 không gian nghệ thuật, địa điểm tổ chức sự kiện trong những ngày diễn ra Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.

Một trong những triển lãm sắp đặt nghệ thuật ấn tượng nhất tại phân xưởng 3B1 mang tên “Tiếng gọi”.

Điểm nhấn nổi bật nhất phải kể đến các không gian như: không gian kiến trúc nghệ thuật "Phân xưởng nóng", không gian kiến trúc "Bến chờ", triển lãm sắp đặt “Thủy Phủ”, triển lãm “Dòng chảy di sản”, góc “Ký ức đầu máy xe lửa hơi nước”… cùng nhiều triển lãm hội họa, điêu khắc khác.

Hội chợ thủ công nghệ thuật quy tụ nhiều làng nghề, nghệ nhân cũng như những dự án đồ thủ công của các bạn trẻ với hàng loạt mặt hàng gốm sứ, mây tre đan, giấy dó…

Những món đồ thủ công đầy tinh xảo được trưng bày tại hội chợ. Trong đó đặc biệt phải kể đến các tác phẩm làm bằng mây tre đan của tác giả Võ Tấn Tân đến từ Hội An.

Tại phân xưởng 5B trưng bày triển lãm cá nhân sắp đặt nghệ thuật "Thủy phủ" của họa sĩ Trình Minh Tiến. Trong đó nổi bật nhất là không gian siêu thực trưng bày sắp đặt ô tô.

Từng triển lãm được xây dựng hoành tráng, chỉn chu, tỉ mẩn đến từng chi tiết. Tất cả tạo nên không gian khổng lồ giữ trọn sự chảy trôi của văn hóa di sản, của sự đan xen giữa cũ và mới, của ký ức và tương lai.

Triển lãm sắp đặt nghệ thuật "Tiếng gọi" của họa sĩ Thu Trần với những dải tranh vẽ dài từ 40-60m, được làm từ chất liệu vải Oganza và lụa.

Không gian triển lãm các tác phẩm cuộc thi thiết kế nhanh

Trong khuôn viên rộng 20 ha của Nhà máy Xe lửa Hà Nội, du khách sẽ được trải nghiệm hàng chục hoạt động thú vị được tổ chức đan xen như: trải nghiệm ẩm thực, hội chợ thủ công, sáng tác nghệ thuật, hoạt động làng nghề…

Du khách trải nghiệm các sản phẩm thủ công

Những sản phẩm làm từ chất liệu giấy dó được nhiều du khách quan tâm

Các tác giả thỏa sức sáng tạo, mang nhiều tác phẩm đặc sắc tới triển lãm

Bên cạnh đó, ngành đường sắt sẽ tổ chức hai chuyến tàu riêng mang tên Hành trình di sản từ ga Hà Nội qua ga Long Biên, đến ga Gia Lâm và ngược lại với giá vé 20.000 mỗi lượt. Đoàn tàu được thiết kế riêng, gợi nhớ đến những ký ức xưa cũ cùng với những tiết mục biểu diễn nghệ thuật sẽ mang đến nhiều trải nghiệm đáng nhớ cho du khách.

Du khách thích thú trải nghiệm đoàn tàu di sản có hành trình từ ga Hà Nội qua ga Long Biên, đến ga Gia Lâm và ngược lại

Đoàn tàu di sản dừng ở ga Gia Lâm

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 được tổ chức từ ngày 17 đến 26/11, dự kiến có hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc, hơn 20 trưng bày và triển lãm, hơn 20 hội thảo, tọa đàm, 9 hoạt động giới thiệu nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo được tổ chức tại tuyến địa điểm chính của Lễ hội là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu và vườn hoa Vạn Xuân; Ga Long Biên; Ga Gia Lâm và các hoạt động, sự kiện văn hóa trên địa bàn các quận huyện thị xã tại Hà Nội.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/du-khach-no-nuc-trai-nghiem-doan-tau-di-san-nha-may-xe-lua-gia-lam-120-nam-tuoi-2216335.html