Đu đỉnh giá gạo thế nào để không 'bỏng tay'?

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao nhất thế giới nhưng các doanh nghiệp cũng cần tỉnh táo trước thời cơ này, bởi nếu tích trữ, đầu cơ, doanh nghiệp nguy cơ 'vỡ trận' khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm. Hơn nữa, chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng, nếu không tỉnh táo, 'đu đỉnh' sẽ dẫn đến 'già néo đứt dây'.

Những ngày gần đây, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ cao An Đình (Hưng Yên) đang chạy toàn bộ hệ thống dây chuyền để đáp ứng kịp đơn hàng xuất khẩu, với công suất khoảng 120 - 140 tấn lúa được chế biến mỗi ngày, trong đó các sản phẩm gạo chất lượng cao được nhiều bạn hàng đón nhận.

Doanh nghiệp 'căng não' trước cơn sốt

Ông Nguyễn Thanh Nhị, Giám đốc Công ty trên cho biết, hoạt động của doanh nghiệp (DN) với nhà cung cấp và nông dân vẫn diễn ra bình thường. DN tổ chức sản xuất bao tiêu, ký hợp đồng, nông dân cung ứng nguyên liệu. Ước 1 tấn gạo trước khi có lệnh cấm của Ấn Độ bán với giá 550 USD, giờ xuất được 650 USD, nhà nhập khẩu sẵn sàng chi trả cao hơn.

Doanh nghiệp cần cẩn trọng, không thu mua lúa ồ ạt.

Doanh nghiệp cần cẩn trọng, không thu mua lúa ồ ạt.

“Đến thời điểm này, chúng tôi có được nguyên liệu xuất khẩu là do nhiều năm qua đã xây dựng vùng nguyên liệu từ Bắc Vào Nam”, ông Nhị nói.

Nhưng trước “cơn sốt” của giá gạo toàn cầu, ông Nhị cho biết, tưởng chừng xuất khẩu tăng lên, DN sẽ được lợi nhưng tùy từng DN, về mặt bằng chung, DN chưa hẳn được lợi. Thực tế, khi có thông tin thị trường XK tăng lên, các DN lo thiếu hàng, tập trung đổ xô đi mua nguyên liệu, đẩy giá nguyên liệu tăng. “Nông dân có thể được lợi thời điểm nhưng chúng tôi buộc phải tăng chi phí đầu vào, ảnh hưởng tới lợi nhuận”, ông Nhị nói.

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho hay, khi giá lúa lên, dù Lộc trời có hợp đồng đặt cọc, có tổ chức liên kết, hỗ trợ sản xuất nhưng giá lên quá không thể nói với nông dân là vì đặt cọc nên bắt buộc họ phải bán cho mình với giá cũ. Song ở góc độ DN, mua giá cao hơn một ít thì được, nhưng nhiều thêm nữa thì sẽ không đảm bảo lợi nhuận kinh doanh.

Theo lãnh đạo Lộc Trời, trước đây, người nông dân liên kết với DN là để đảm bảo đầu ra, song trước “cơn sốt” gạo có khi DN phải kiếm nông dân để mà mua lúa. Điều này vô tình khiến mối liên kết giữa nông dân và DN lại càng trở nên lỏng lẻo.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, thông tin giá gạo Việt Nam đắt nhất thế giới trước tiên là tin vui, bởi lẽ từ trước đến nay, giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo của Thái Lan. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu tăng cao sẽ đẩy giá gạo trong nước tăng mạnh. Do đó, các DN cần xem xét, tính toán như thế nào cho hợp lý lúc này – đó là vấn đề “căng não”.

Một vấn đề nữa mà các DN cũng cần lưu ý đó là sự biến động về giá lúc này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, “tăng và đứng” ở mức rất cao nhưng sau đó sẽ giảm xuống và trở về mức cân bằng. Mức này thường thấp hơn mức đã lập đỉnh khá nhiều. “Vì vậy, các DN cần hết sức cẩn trọng, nếu không tỉnh táo, “đu đỉnh” sẽ dẫn đến “già néo đứt dây”, chuyên gia Thịnh khuyến cáo.

Về phía quản lý Nhà nước, ông Thịnh cho rằng, cần xem xét mức độ chúng ta bán được đến đâu và tích trữ thế nào. “Cần tính toán cẩn trọng, nếu không, khi mùa vụ mới đến, thị trường gạo trở về trạng thái bình thường, gạo tồn trong kho không bán được giá cao sẽ gây thiệt hại cho DN và cho ngành gạo”, ông nói.

Cơ hội ở những thị trường khó tính

Trong khi đó, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nêu quan điểm, trên thế giới, không phải riêng Việt Nam xuất khẩu gạo. Điều quan trọng đối với chúng ta hiện nay là làm sao không để đứt, bám sát thị trường, làm ăn tử tế, trách nhiệm, không thể vì giá lúa gạo tăng cao mà ta tăng theo mãi.

“Nói rõ hơn là chúng ta đừng quá đặt lợi ích ngắn hạn mà phải tìm cách giữ được bạn hàng. Giả thiết đặt ra, nếu như Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu lúa gạo, đôi khi ta lại trượt chân trên chính sân nhà”, ông Phú nói.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, Việt Nam phải tìm cách hiệu quả nhất để nâng cao năng lực xuất khẩu lúa gạo trên ra thị trường quốc tế. Từ việc hoàn thiện chuỗi sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ cho tới hệ thống kho bãi, cảng biển xuất khẩu.

Đặc biệt, thay vì chạy theo "cơn sốt" lúa gạo, DN Việt Nam nên làm ăn bài bản để nắm ngay cơ hội ở các thị trường cấp cao. Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, Ấn Độ được biết đến là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất tại thị trường Anh chiếm tới gần 27% tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này. Theo đó, việc đột ngột dừng xuất khẩu sẽ tạo ra thiếu hụt nguồn cung khoảng 75.000 tấn gạo tại Anh trong nửa cuối năm 2023.

Vì vậy, việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu sẽ khiến các nhà nhập khẩu gạo của Anh chuyển sang mua gạo Việt Nam và Thái Lan. Đây là thời cơ để Việt Nam vươn lên vị trí cao hơn trong danh sách bạn hàng của các công ty nhập khẩu gạo của Anh.

“Tại thời điểm thuận lợi hiện nay, trong bối cảnh đứt gãy nguồn cung và gạo Việt Nam với chất lượng tốt và lợi thế cạnh tranh nhờ Hiệp định UKVFTA, các nhà xuất khẩu cần tận dụng cơ hội "vàng" để yêu cầu các nhà phân phối gạo tại Anh sử dụng thương hiệu gạo Việt Nam, thay vì thương hiệu của nhà phân phối, giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng Anh về gạo Việt Nam”, ông Cường cho biết.

Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh nhấn mạnh, sự thiếu hụt nguồn cung lớn từ Ấn Độ sẽ tạo thêm một số cơ hội mới cho gạo Việt Nam tại thị trường Anh. Để tận dụng cơ hội này, Bộ Công Thương cần khuyến khích các DN xuất khẩu gạo ký kết các hợp đồng cung ứng dài hạn trên cơ sở cân đối giữa an ninh lương thực trong nước với nhu cầu xuất khẩu; Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng tín dụng cho DN thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu.

Bộ NN&PTNT hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích trồng lúa áp dụng Global G.A.P để sản xuất gạo thơm chất lượng cao. Chính quyền các địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn cần triển khai các Chương trình hỗ trợ nông dân về giống lúa, vật tư nông nghiệp an toàn, xay xát và bảo quản lúa gạo đáp ứng chất lượng và thị hiếu tiêu dùng của thị trường.

Ông Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

Thống kê cho thấy, vẫn còn tới 80% diện tích lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long nằm ngoài liên kết. Theo đó, việc giá tăng cũng có tích cực nhưng cũng bắt đầu xuất hiện những đứt gãy nhất định trong chuỗi cung ứng, nhất là khi có động thái nâng giá của những DN ngoài chuỗi thì người nông dân sẵn sàng bỏ chuỗi, bỏ cam kết với DN. Trước thời cơ như hiện tại, các bên phải tôn trọng nhau, phải chia sẻ thời cơ, làm sao để mùa sau mọi người còn có thể mua bán, thỏa thuận, làm ăn với nhau.

Ông Phạm Thái Bình

Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An

Trong bối cảnh mà giá gạo tăng mạnh như hiện nay, nếu DN không có được nguồn hàng ổn định mà đi ký hợp đồng thì rủi ro rất lớn. Điều này càng cho thấy vai trò của việc liên kết với nông dân xây dựng cánh đồng mẫu lớn có ý nghĩa như thế nào trong việc xuất khẩu bền vững. Nhưng thực tế thì liên kết sản xuất đang không gắn với thị trường, nông dân không gắn với DN, dẫn đến hiện tượng phá vỡ hợp đồng, ồ ạt thu mua lúa non của một số thương lái, DN.

GS. TS. Võ Tòng Xuân

Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ

Nguồn cung dự trữ gạo trên toàn cầu giảm nhưng không đáng kể, đặc biệt nguồn cung từ thị trường Ấn Độ không hề suy yếu mà có thể chỉ là thiếu hụt giả để đẩy giá gạo tăng cao. Vì vậy, rất khó để giá gạo cán mốc 1.000 USD như năm 2008, bởi khi thế giới trong cuộc khủng hoảng an ninh lương thực, các nước châu Phi cần viện trợ, theo chủ trương nhân đạo, Ấn Độ buộc phải dỡ bỏ lệnh cấm.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/du-dinh-gia-gao-the-nao-de-khong-bong-tay-1094787.html