Dư địa lớn thu hút đầu tư từ Singapore

Quan hệ kinh tế Việt Nam - Singapore đang được tăng cường mạnh mẽ và còn nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới. Ông Shanmuga Retnam, đồng Chủ tịch Liên minh Phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam (VSCC) trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về xu hướng đầu tư của Singapore tại Việt Nam, cũng như những chiến lược và cơ hội mới.

VSIP, một điển hình trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Singapore

Thưa ông, Hiệp định Kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore đã thúc đẩy hợp tác song phương về kinh tế, đầu tư như thế nào trong thời gian vừa qua?

Chính phủ Việt Nam và Singapore đã không ngừng thúc đẩy thực hiện tốt các lĩnh vực hợp tác chủ chốt trong khuôn khổ Hiệp định Kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore.

Quan hệ kinh tế giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ và thực chất. Điều này được chứng minh bằng các số liệu về thương mại và đầu tư tăng trưởng đều đặn trong thập kỷ qua, dựa trên sự tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam và những cơ hội to lớn từ một thị trường trẻ và sôi động.

Trong năm qua, thương mại song phương đạt 31,3 tỷ đô-la Singapore (tương đương 23,3 tỷ USD) tăng 16,4% so với năm trước đó. Về đầu tư, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lũy kế là 70,8 tỷ đô-la Singapore (52,76 tỷ USD) tính đến cuối năm 2022.

Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện kết cấu hạ tầng, cũng như thành lập các khu công nghiệp mới và tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

Một ví dụ điển hình trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Singapore là Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP). Được thành lập lần đầu tiên vào năm 1996, VSIP là một liên doanh giữa Sembcorp Industries của Singapore và Becamex của Việt Nam. Trong 27 năm qua, đã có 14 khu công nghiệp VSIP tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam, thu hút vốn đầu tư trị giá 18,4 tỷ USD và tạo ra khoảng 300.000 việc làm. Các VSIP đã đóng góp đáng kể cho lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, tạo việc làm và nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động.

Về giao thông - vận tải, Singapore là một trong những thị trường hàng không có tầm quan trọng đặc biệt với Việt Nam. Hiện tại, hai nước là thị trường gửi khách đứng thứ 6 của nhau.

Trong khi đó, hợp tác quốc phòng - an ninh, tài chính - ngân hàng, giáo dục - đào tạo, tài nguyên - môi trường, pháp luật - tư pháp giữa hai nước tiếp tục được tăng cường.

Ông Shanmuga Retnam, đồng Chủ tịch Liên minh Phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam (VSCC)

Xu hướng đầu tư của Singapore vào Việt Nam hiện nay có gì thay đổi so với trước không, thưa ông? Đâu là những yếu tố quan trọng để Việt Nam tăng sức hút đối với các nhà đầu tư Singapore?

Sức tiêu thụ nội địa mạnh mẽ của Việt Nam, bên cạnh lực lượng lao động trẻ và lành nghề là những yếu tố góp phần nâng cao sức hấp dẫn và danh tiếng của Việt Nam là một trung tâm sản xuất trong khu vực.

Gia công phần mềm công nghệ thông tin, sản xuất, nông nghiệp, trung tâm dữ liệu, y tế, giáo dục tư nhân, công nghệ tài chính và khách sạn là những lĩnh vực tiếp tục mang đến cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Hiệp định mới nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, đặt Việt Nam vào vị trí then chốt để tận dụng cơ hội từ khu vực chiếm 30% tổng GDP toàn cầu. Điều này rõ ràng đã làm tăng sự quan tâm của các doanh nghiệp Singapore, góp phần kích hoạt và đẩy nhanh đầu tư trong các lĩnh vực như phát triển bệnh viện, nhà hàng, giáo dục và các khu công nghiệp trong 12 tháng qua.

Việt Nam vẫn còn một số chặng đường nữa để sánh ngang với các cường quốc kỹ thuật số như Singapore. Dân số Việt Nam cao gấp 20 lần Singapore, song doanh thu từ kinh tế số của hai nước gần như ngang nhau. Điều đó cho thấy tiềm năng tăng trưởng nền kinh tế số của Việt Nam là rất lớn.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ hơn về tuân thủ và quản trị để hiểu rõ các thông lệ nhằm dễ dàng hội nhập với các đối tác và khách hàng lớn hơn tại Singapore.

Mặc dù luật pháp và các quy định của Việt Nam được áp dụng thống nhất cho tất cả 63 tỉnh, thành phố, song các quy trình thực hiện trên thực tế có thể khác nhau, tùy theo chính sách và cách làm ở mỗi địa phương. Cần có sự nhất quán trong việc thực thi pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Singapore nói riêng.

Vietnam Business Exchange (VBEx) được thành lập, tạo điều kiện kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các công ty khởi nghiệp Việt Nam và Singapore.

Chúng tôi sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao VBEx đầu tiên tại TP.HCM vào tháng 11/2023 với sự hỗ trợ của các đối tác trong ngành từ cả hai quốc gia nhằm đẩy nhanh việc xác định các cơ hội kinh doanh trong các lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp và giải pháp thành phố thông minh.

Theo ông, Việt Nam và Singapore sẽ tập trung vào những chiến lược và kế hoạch nào để tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư song phương trong thời gian tới?

Việc tập trung vào sự tham gia của cấp thành phố giữa 2 nước gần đây đã tạo ra kết quả rõ ràng hơn, cho phép doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp các dự án với chính quyền địa phương.

Ngày 1/8/2023, Liên đoàn Sản xuất Singapore đã tiếp đón đại diện chính quyền tỉnh Hà Nam tại Singapore với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam để giới thiệu cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư tiềm năng.

Theo Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025, để đạt được một ASEAN kết nối và hội nhập liền mạch, toàn diện, việc Việt Nam sở hữu lực lượng lao động trẻ và có kiến thức công nghệ thông tin mang lại lợi thế cạnh tranh khác biệt cho Singapore. 70% công dân Việt Nam dưới 35 tuổi được giáo dục và rất hiểu biết về công nghệ. Điều này thúc đẩy Singapore phát triển các chiến lược kinh tế “trục và nan hoa” mạnh mẽ hơn để tận dụng và tăng trưởng nhảy vọt trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông.

Chẳng hạn, trong ngành fintech, Singapore dẫn đầu khu vực với 1.580 công ty vào năm 2022. Tuy nhiên, thị trường Singapore ngày càng trở nên cạnh tranh và có thể đạt đến điểm bão hòa. Trong khi đó, ngành fintech của Việt Nam đang tăng tốc với dư địa tăng trưởng to lớn trong vòng 5 năm tới và thậm chí cả thập kỷ tới. Điều này tạo cơ hội cho các nhà đầu tư và nhà phát triển sản phẩm Singapore mở rộng hoạt động kinh doanh sang các lĩnh vực liên quan đến fintech và trí tuệ nhân tạo để tận dụng cơ hội từ Việt Nam.

Hai nước đang mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển xanh và bền vững, kỳ vọng đưa kết nối hai nền kinh tế hướng tới tầm cao mới là kết nối hai nền kinh tế trên nền tảng số.

Bích Thủy thực hiện

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/du-dia-lon-thu-hut-dau-tu-tu-singapore-d195961.html