Dự báo thế giới thiếu 7 triệu tấn gạo, cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam

Tại Hội nghị Đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, Quý I năm 2024 và Bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới do Bộ Công Thương tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 26.4, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Anh Sơn thông tin về tình hình thị trường và dự báo xuất khẩu gạo năm 2024.

Nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường trên thế giới vẫn dự báo ở mức cao hơn tổng cung toàn cầu. Ảnh: Phong Linh

Xuất khẩu khoảng 7,6 triệu tấn gạo

Về tình hình sản xuất trong nước, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu thụ nội địa. Tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng ĐBSCL năm 2024 ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn.

Thu hoạch vụ lúa Đông Xuân năm 2024 tại ĐBSCL. Ảnh: Mỹ Ly

Đối với giá thóc, gạo thị trường nội địa, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tuần từ 11.4 - 18.4.2024, giá lúa gạo nội địa bắt đầu đi ngang, điều chỉnh tăng nhẹ so với tuần trước do nguồn cung tại khu vực ĐBSCL không còn nhiều.

Bình quân giá lúa tươi tại ruộng đang ở mức 8.000 đồng/kg, tăng 214 đồng/kg so với tuần trước; gạo nguyên liệu (lứt loại 1) ở mức 11.658 đồng/kg, tăng 75 đồng/kg; gạo thành phẩm 5% tấm ở mức 14.100 đồng/kg, tăng 282 đồng/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích gieo trồng lúa vụ Hè Thu năm nay ở khu vực ĐBSCL tính đến nay đã đạt khoảng 236 nghìn ha, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong điều kiện bình thường, với mức sản lượng dự kiến, sau khi đã để tiêu dùng nội địa thì có thể xuất khẩu được khoảng 7,6 triệu tấn gạo trong năm 2024.

Cùng với đó, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường trên thế giới vẫn được dự báo ở mức cao hơn tổng cung toàn cầu nên giá gạo xuất khẩu vẫn được kỳ vọng tăng.

Cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam

Về tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn; các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia,… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.

Đáng chú ý, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Anh Sơn cho rằng, so với tổng quan năm 2023, hoạt động xuất khẩu trong những tháng đầu tiên của năm 2024 đã có dấu hiệu khá khả quan. Bối cảnh kinh tế thế giới dần có yếu tố tích cực hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Hiện Việt Nam tiếp tục tích cực đàm phán, trao đổi song phương với các đối tác nhập khẩu (Indonesia, Malaysia) về việc xem xét tiến tới ký kết Bản ghi nhớ thương mại gạo, tạo môi trường ổn định bền vững về thương mại gạo cho doanh nghiệp hai nước.

Bên cạnh đó, các yếu tố của biến đổi khí hậu như nhiệt độ trung bình tăng cao, thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ, thiên tai,... đã tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp trên thế giới; làm giảm nguồn cung nhiều mặt hàng, trong đó có gạo, nâng giá các mặt hàng này trên thị trường thế giới, đồng thời tạo ra cơ hội để Việt Nam tiếp cận và trở thành nhà cung cấp thay thế tại nhiều thị trường.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý I năm 2024, xuất khẩu gạo tăng 17,6% về lượng và tăng 23,6% về giá so với cùng kỳ năm trước; đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỉ USD.

Theo Lao Động

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tin-tuc/du-bao-the-gioi-thieu-7-trieu-tan-gao-co-hoi-cho-xuat-khau-gao-viet-nam-122322.html