Dự án Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục: Gỡ vướng để sớm về đích

Là dự án giao thông trọng điểm của thành phố Hà Nội, tuy nhiên sau 6 năm triển khai, lũy kế giải ngân các gói thầu thi công dự án Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục đến hết năm 2023 mới đạt 1.634/7.211 tỉ đồng. Để gỡ khó cho dự án, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định điều chỉnh dự án đầu tư với nhiều điểm mới. Tuy nhiên, để được tiến độ như dự kiến vẫn cần hơn nữa sự vào cuộc nhịp nhàng của các đơn vị liên quan.

2km với hơn 2.000 hộ dân

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội, đến nay, các đơn vị liên quan đã thực hiện đo đạc hồ sơ kỹ thuật thửa đất và kiểm đếm tài sản được 1.969/2.005 hộ dân (98,2%); xác nhận nguồn gốc đất của 1.859/1.969 hộ dân đã kiểm đếm tài sản (94,4%). Qua đó, lập 1.197 phương án đền bù; phê duyệt 701 phương án đền bù và tiến hành chi trả tiền đền bù cho 548 hộ dân với giá trị 1.596,1 tỉ đồng.

Đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục là đoạn tuyến cuối cùng được triển khai nhằm khép kín đường Vành đai 1.

Theo thống kê, đã có 104 hộ dân bàn giao mặt bằng; 96 hộ đã phá dỡ thu hồi mặt bằng. Còn lại 171 hộ đủ điều kiện thu hồi mặt bằng, UBND các phường liên quan đang khảo sát, lên phương án, dự kiến trong tháng 3 này tiến hành phá dỡ.

Hiện nay, còn 15 hộ dân khu vực góc cua nút giao Nguyễn Chí Thanh vẫn không đồng ý cho cán bộ địa chính đo đạc. Ban Quản lý dự án đã nhiều lần phối hợp với UBND phường Giảng Võ (quận Ba Đình) tổ chức tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, một số hộ dân tại phường Giảng Võ đang tranh chấp đất đai chưa giải quyết xong.

Ngoài ra, còn khoảng 317 hộ dân đã đủ điều kiện thu hồi mặt bằng (đã nhận tiền, nhận nhà tái định cư...) nhưng chưa bàn giao mặt bằng. Ban Quản lý dự án đang phối hợp và đôn đốc các phường tập trung vận động, tuyên truyền để thu hồi mặt bằng. Trong trường hợp các hộ vẫn kiên quyết không bàn giao mặt bằng, UBND các phường lập biên bản và báo cáo UBND các quận ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.

Về quỹ nhà tái định cư phục vụ dự án, Thành phố đã bố trí 2.589 căn tại CT3 khu đô thị Nghĩa Đô (Bắc Từ Liêm), nhà 30 T1, T2 khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy), chung cư C1-289A Khuất Duy Tiến (Cầu Giấy), dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư X2 Đại Kim (Hoàng Mai). Hai quận Đống Đa, Ba Đình đã tổ chức bốc thăm 581 căn hộ tái định cư cho các hộ dân, 898 căn đã đủ điều kiện bàn giao sẽ tổ chức bốc thăm trong thời gian tới.

Kinh nghiệm từ dự án Vành đai 4

Theo Quy hoạch Giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố Hà Nội sẽ có 7 tuyến đường vành đai kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận. Đây được xem là bộ khung định hình mạng lưới giao thông đường bộ của Thủ đô.

Có thể nói, trong số cả 7 tuyến Vành đai này, rất khó để xác định rõ tuyến nào là quan trọng nhất, cần được ưu tiên, chính vì vậy, giải pháp hiện nay đó là phân kỳ đầu tư cho từng tuyến ở từng giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, mâu thuẫn cũng nảy sinh từ đây khi Hà Nội chưa có một tuyến Vành đai nào được khép kín đúng như ý nghĩa của nó.

Cụ thể, trong tổng số 285,46km của 7 tuyến đường vành đai, đến nay, thành phố mới hoàn thành được 132,26km (đạt 46,33%); đang đầu tư xây dựng 20,51km (tương ứng 7,18%); đang triển khai chuẩn bị đầu tư 83,26km (tương ứng 29,16%); còn lại 49,43km (tương ứng 17,33%) chưa được nghiên cứu để hình thành dự án. Lý giải cho nguyên nhân này, đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng ngoài yếu tố vốn đầu tư lớn thì vướng mắc nhiều nhất vẫn là giải phóng mặt bằng (GPMB).

Cần phải khẳng định, những “vướng mắc” này không phải là mới và “vướng mắc” vẫn sẽ mãi là “vướng mắc” nếu không có những giải pháp cụ thể. Từ kinh nghiệm triển khai dự án đường Vành đai 4 cho thấy rõ, mấu chốt để tạo “đột phá” chính là nhờ việc tách GPMB thành dự án thành phần độc lập để triển khai ngay sau khi chủ trương đầu tư được duyệt. Từ đó, công tác GPMB không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật mang tính chất chuyên ngành của công trình, thực hiện GPMB ngay sau khi có chỉ giới đường đỏ được phê duyệt và khi dự án thành phần xây lắp được duyệt hồ sơ cắm mốc GPMB sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung cho phù hợp, nhằm đảm bảo có mặt bằng thi công trước khi trao thầu.

Ưu điểm của giải pháp tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập là có thể triển khai song song công tác bồi thường GPMB (theo quy hoạch) đối với công tác lập dự án thành phần GPMB; việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần GPMB thường sẽ triển khai nhanh hơn so với việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư do không có yếu tố kỹ thuật phức tạp, không phải thỏa thuận với nhiều đơn vị quản lý, khối lượng công việc ít hơn… Vì vậy, rút ngắn được thời gian thực hiện, việc ứng vốn từ quỹ đầu tư phát triển thành phố chi trả cho các phương án GPMB không phụ thuộc vào dự án được duyệt.

Với quyết tâm sẵn có, mong rằng dự án Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục sẽ không lần nữa trượt tiến độ. Từ đó tạo sự đồng bộ với các tuyến vành đai, góp phần định hình mạng lưới giao thông của Thủ đô; tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững.

Dự án Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài hơn 2,2 km, mặt cắt ngang 50 m. Điểm đầu giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa), điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Tổng đầu tư Dự án gần 7.800 tỉ đồng từ ngân sách Thành phố. Dự án được phê duyệt từ tháng 12/2017, dự kiến hoàn thành năm 2020, được gia hạn đến quý I/2025.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/du-an-vanh-dai-1-doan-hoang-cau-voi-phuc-go-vuong-de-som-ve-dich-168063.html