Dự án UN Women: Từng bước xóa bỏ định kiến giới và bạo lực

Vừa qua, Ban Quản lý Dự án 'Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng Covid-19 lần thứ tư ở Tiền Giang' (gọi tắt là Dự án UN Women) do Chính phủ Úc (DFAT) tài trợ đã tổ chức Chiến dịch truyền thông sáng tạo thách thức định kiến giới, phân biệt đối xử, bình đẳng giới (BĐG), các chuẩn mực giới và bạo lực có hại, với chủ đề 'Nâng cao nhận thức về giới, thúc đẩy thay đổi hành vi BĐG và nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện nay' tại 2 khu vực trên địa bàn tỉnh.

Lồng ghép tiểu phẩm ngắn tại các buổi truyền thông đã tạo hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền về BĐG.

Phát biểu tại buổi truyền thông, đồng chí Đặng Thị Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án UN Women tại Tiền Giang cho biết: Chiến dịch truyền thông là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ của Dự án UN Women với mục đích giúp nâng cao nhận thức cho phụ nữ, nam giới, trẻ em gái, trẻ em trai và người dân hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan đến phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới, xóa bỏ định kiến giới, thực hiện thay đổi định kiến giới, nâng cao vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, bảo đảm BĐG...; góp phần tạo ra môi trường an toàn, giảm thiểu và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và xây dựng khả năng chống chịu, thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững…

Tại các buổi truyền thông, đại biểu là phụ nữ, nam giới, các cặp vợ chồng được các tuyên truyền viên tuyên truyền các nội dung, kiến thức về BĐG, định kiến giới; các thông điệp tuyên truyền hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới: Thực hiện BĐG là tiêu chí của tiến bộ, văn minh; hưởng ứng Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11-2023); BĐG là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương; chủ động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em; im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và nạn nhân bị bạo lực, xâm hại; xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em là tội ác nghiêm trọng…

Sẽ không có BĐG nếu không có sự tham gia, hưởng ứng của các tổ chức, tập thể, cá nhân trong xã hội, nhất là vai trò tiên phong của nam giới, người chồng, người cha trong gia đình. Tham gia chia sẻ tại buổi truyền thông, anh Lê Văn Tuấn (xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước) chia sẻ: "Bản thân không gây áp lực với vợ là phải sinh thêm con trai, dù tôi chỉ có 1 con gái, tôi luôn động viên con cố gắng học tập để sau này có ích cho xã hội. Các thành viên trong gia đình tôi đều chia sẻ công việc với nhau. Trong gia đình, vợ tôi là người khéo vun vén trước sau, luôn là hậu phương vững chắc để tôi an tâm công tác".

Còn đối với gia đình anh Nguyễn Vĩnh Tân và chị Nguyễn Mộng Tựa (xã Long Bình, huyện Gò Công Tây) xây dựng hạnh phúc gia đình trên nền tảng bình đẳng, cùng chia sẻ công việc với nhau. Chị Mộng Tựa tâm sự: "Tôi và chồng luôn chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con với nhau. Chồng thì giúp tôi trong việc may gia công túi xách hằng ngày. Tôi và chồng luôn động viên nhau, cả 2 cùng chăm chỉ, cố gắng lao động, lo kinh tế gia đình, nuôi dạy con được học tập đến nơi đến chốn".

Ngoài ra, tại các buổi truyền thông còn lồng ghép các tiểu phẩm ngắn, giúp buổi truyền thông thêm sinh động, hấp dẫn. Ví dụ như tiểu phẩm “Ba đã hiểu” nói về sự thiên vị, trọng nam khinh nữ, sự phân biệt đối xử giữa con trai và con gái của người cha trong gia đình.

Người con gái ngoan hiền, hiếu thảo, học giỏi nhưng người cha không cho tiếp tục học lên; còn người con trai ăn chơi, đua đòi nhưng được người cha nuông chiều, thương yêu. Cuối cùng, người cha đã nhận ra sai lầm của mình, con nào cũng là con, thương yêu và đối xử công bằng như nhau. Người cha đã đồng ý cho con gái tiếp tục đi học; người mẹ cũng đã mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn...

Có thể thấy, truyền thông là một phương thức quan trọng góp phần tác động để thay đổi những nhận thức sai lầm về phụ nữ và nam giới. Nhiều chuyên gia về giới nêu quan điểm, cùng với việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, truyền thông và các giải pháp về chính sách, pháp luật… thì việc đánh thức tiềm năng sống cùng với những đam mê, khát vọng, ý chí và bản lĩnh của người phụ nữ, phát huy ý thức trách nhiệm, sự thấu cảm, sẻ chia và những kỹ năng còn tiềm ẩn ở người đàn ông cũng là một cách tích cực nhằm từng bước xóa mờ những định kiến giới, thay đổi diện mạo xã hội, tiến tới BĐG.

Truyền thông là dịp để cán bộ Hội LHPN các cấp, các mô hình truyền thông tại cộng đồng được giao lưu, học hỏi, trao đổi những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác truyền thông. Qua đó, giúp thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” thực hiện mục tiêu BĐG và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; lan tỏa các sáng kiến, sản phẩm truyền thông phù hợp và hỗ trợ cho các hoạt động của các mô hình truyền thông cộng đồng, góp phần thúc đẩy BĐG.

PHƯƠNG MAI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202311/du-an-un-women-tung-buoc-xoa-bo-dinh-kien-gioi-va-bao-luc-995445/